Chỉ nên siết nhập cư nội thành

Chỉ nên siết nhập cư nội thành
TP - Ngày 21/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Theo đó, nhiều ý kiến thống nhất chỉ nên bổ sung điều kiện đăng ký thường trú tại các quận nội thành. Bởi trên thực tế, nhiều huyện ngoại thành không chịu áp lực về mật độ dân cư, có huyện còn khuyến khích dân cư đến ở.

> Phải đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân
> Siết' đăng ký hộ khẩu thường trú nội đô?

Dự thảo luật lần này cũng bổ sung quy định cấm người đăng ký cư trú mà thực chất không cư trú ở đó. Ban soạn thảo cho rằng, đây là những hành vi phổ biến mà người dân hay lợi dụng để đăng ký thường trú, nhiều người mục đích thu lợi bất chính qua việc cho người khác đăng ký hộ khẩu và thu phí.

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho biết, điều tra của Bộ Công an gần đây cho thấy trên 1.000 ô tô của Việt kiều hồi hương về nước theo dạng nhập khẩu nhưng chỉ có xe về mà người không về. Họ chỉ thông qua hộ khẩu của người khác ở Việt Nam để nhập xe nhằm trốn thuế.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, nên cân nhắc thêm bởi có những người đăng ký cư trú nhưng không ở đó vì những lý do khác nhau chứ không vì trục lợi thì không thể buộc họ đến ở.

Về thời hạn của Sổ tạm trú, Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định như dự thảo luật là chưa thực sự phù hợp. Trên thực tế, do nhiều lý do khác nhau mà công dân cần phải tạm trú với các thời hạn khác nhau.

Nhưng dự thảo luật chỉ quy định một thời hạn là 12 tháng thì không phù hợp với yêu cầu của người dân và khó khăn cho công tác quản lý dân cư. Trường hợp người dân đăng ký tạm trú trên 13 tháng nhưng cơ quan công an cũng chỉ cấp Sổ tạm trú với thời hạn 12 tháng và yêu cầu họ phải đến gia hạn cho khoảng thời gian tạm trú còn lại là chưa thực sự hợp lý.

Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc việc sửa đổi nội dung này để tránh việc tăng thêm thủ tục hành chính đối với người dân trong việc đăng ký tạm trú.

Nhiều ý kiến trong UBTVQH cũng băn khoăn về quy định đối tượng chưa thành niên được về ở với người thân là anh chị em ruột, ông bà, người thân.

Có ý kiến cho rằng, cần thêm điều kiện bố mẹ của người đó ly hôn hoặc kết hôn với người khác để hạn chế tình trạng nhiều gia đình sống ở các huyện thị ồ ạt gửi con em lên nhà họ hàng ở thành phố, gây áp lực về dân số và việc đăng ký trường học.

Có việc “chạy” huân, huy chương

Trong ngày 21/3, UBTVQH cũng thảo luận và cho ý kiến lần đầu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng.

Theo ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh, thi đua, khen thưởng thời gian qua có những biểu hiện tiêu cực, như việc “chạy” huy chương, huân chương, thực chất là “chạy” chức “chạy” quyền.

Điểm mới của Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi là khắc phục được tình trạng chủ yếu khen cán bộ công chức và lãnh đạo quản lý.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG