Một ngày theo “Chiến binh” biển cả ra khơi

Không khí tấp nập tại cảng cá.
Không khí tấp nập tại cảng cá.
TP - “Tàu chỉ quay vào bờ khi cá đầy khoang. Nếu vào bờ thì cũng chỉ ở nhà một ngày để cho tàu “ăn” no đá, bốc vác khay cá, may vá lại lưới, kiểm tra máy móc, rồi tranh thủ nhổ neo vươn khơi bám biển. Dân vùng biển khổ, vất vả từ cổ chí kim vậy đó!”, thuyền trưởng Trần Văn Định nói. Những chuyến ra khơi của ngư dân làng chài có khi trở về tay trắng, có khi cá mực đầy khoang. Bấp bênh và mong manh như biển… Gần 10 ngày hóa thân thành ngư dân, chúng tôi chiêm nghiệm cuộc sống trên biển của ngư dân, và coi họ như những “chiến binh” biển cả.

Kỳ 1: Ra khơi

Sau nhiều lần liên hệ và chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng nhận được cuộc điện thoại từ ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Do chuẩn bị sẵn sàng từ trước nên hành lý mang theo được gói gọn trong ba lô.

Theo sự sắp xếp của ông Vệ, chúng tôi sẽ lên tàu cá NA 90567 TS. Đây là con tàu đánh cá bằng lưới vây, khu vực hoạt động tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ. “Tàu đánh bắt xa bờ nên chỉ về neo đậu tại bến một ngày, các chú ăn trưa, nghỉ ngơi ít phút rồi lên đường”, ông Trần Quang Vệ nói. Thời điểm này đang là đầu tháng, ngư dân phải tận dụng thời gian ra khơi vì đến giữa tháng, trăng lên, cá không theo đèn. Lúc đó, sẽ là thời gian nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình của ngư dân.

Đầu buổi chiều, chúng tôi có mặt tại cảng cá Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu). Tàu cá NA 90567 TS đang neo đậu tại bến, hàng trăm cây đá lạnh được các thuyền viên cho vào máy xay nhỏ rồi vận chuyển vào khoang tàu. Nắng nóng oi bức của tiết trời mùa hạ khiến cho những thuyền viên “lấy mồ hôi làm nước tắm”. Nhiều thuyền viên cứ thế đánh trần phong phanh trước gió, lộ rõ làn da ngăm đen, cơ thể vạm vỡ của dân vùng biển. Sóng gió đã tôi luyện cho họ sức chịu đựng trước thời tiết khắc nghiệt.

Trò chuyện với chúng tôi mấy câu rồi những thuyền viên lại tất bật với công việc của mình. Bước lên boong tàu, ông Vệ giới thiệu thuyền trưởng Trần Văn Định và không quên dặn dò, chúc một chuyến đi tốt lành. Lúc này, tôi chú ý tới người thuyền trưởng có dáng người mảnh khảnh, nhưng từ thần thái của anh cho người đối diện cảm thấy sự tự tin, yên tâm. Không muốn làm gián đoạn công việc của thuyền trưởng Định, chúng tôi dạo các khoang tàu, xem hoạt động xung quanh. Như được lập trình sẵn, mỗi thuyền viên thực hiện công việc nhịp nhàng: người xếp đá vào khoang, kẻ cuốn dây câu, kiểm tra đồ đạc trước khi tàu rời bến. 

Một ngày theo “Chiến binh” biển cả ra khơi ảnh 1 Tàu thuyền đánh cá trú ngụ tại cảng Lạch Quèn.

Trên bờ, những người vợ, người con chuẩn bị nhu yếu phẩm như thịt, rau củ quả, đặc biệt là nước sạch đủ để cho chồng con họ sinh hoạt, ăn uống trong suốt thời gian lênh đênh trên biển. Tiễn chồng một chuyến ra khơi, mãi nguyên cảm giác thấp thỏm, hồi hộp, chờ đợi quen thuộc những người vợ vùng biển. Chồng ra khơi đánh cá, kiếm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, vợ ở nhà chăm nom con cái, vườn tược, chợ búa. Thời điểm họ ở bên nhau là quãng thời gian đợi lúc trăng sáng trong tháng. Bàn tay họ thoăn thoắt nhặt nhạnh từng cọng rau, sắp xếp từng bao củ quả vào khoang bếp trên thuyền. Xong việc, những người phụ nữ lại kiểm tra  thùng đựng nước sạch xem nước đã đầy đổ thùng chưa; chăn gối có rách, có sạch sẽ, gọn gàng không.

Thấy chúng tôi chăm chú nhìn, thuyền trưởng Định quay lại nói: “Nghề đánh cá bằng lưới vây như tàu của anh em tôi thì vất vả lắm. Do đặc thù là dùng đèn được thắp sáng trên tàu để nhử cá nên phải tận dụng thời gian trăng chưa lên. Chứ trăng lên, cá tỏa khắp nơi, dùng đèn nhử không hiệu quả. Tàu chỉ quay vào bờ khi cá đầy khoang, nhu yếu phẩm, nước sạch cạn kiệt, còn lại thì bám biển. Nếu vào bờ thì cũng chỉ ở nhà một ngày để cho tàu “ăn” no đá, bốc vác khay cá, may vá lại lưới, kiểm tra máy móc, nói chung tranh thủ làm quần quật không nghỉ. Dân vùng biển khổ, vất vả từ cổ chí kim vậy đó!”.

Rẽ sóng

Theo chia sẻ của thuyền trưởng Trần Văn Định, mỗi chuyến ra khơi các tàu cá phải chi phí từ 50 triệu đến 100 triệu đồng trang trải cho xăng dầu, nước sạch, lương thực... Riêng tàu NA 90567 TS  có công suất 560 CV, đánh bắt cá xa bờ khoảng 60 hải lý, mỗi lần ra khơi khoảng 10 đến 12 ngày. “Chi phí tàu chúng tôi phải chuẩn bị từ 60 đến 80 triệu đồng. Trong đó, dầu cho máy hoạt động khoảng 3.000 lít. Hầu hết các thuyền trưởng bỏ ra số tiền này và sẽ được hoàn trả, tính toán khi tàu cập bến, bán xong hải sản đánh bắt được”, thuyền trưởng Định nói. Cảng cá Lạch Quèn là nơi neo đậu của hàng nghìn tàu cá thuộc 4 xã của huyện Quỳnh Lưu gồm xã Quỳnh Long, Quỳnh Tiến, Sơn Hải, Quỳnh Nghĩa. Cảng cá là điểm tập trung tấp nập, nhộn nhịp tàu thuyền và thu hút nhiều tư thương nhất khu vực bãi ngang.

Cuối chiều, mọi công việc chuẩn bị cho chuyến đánh bắt dài ngày tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ được hoàn tất. Đá lạnh, nhu yếu phẩm đầy đủ, máy móc đã được máy trưởng Trần Văn Ngọc kiểm tra kỹ lưỡng. “Không có vấn đề gì. Máy khỏe!”, anh Ngọc thông báo với thuyền trưởng. Tàu NA 90567 TS đã sẵn sàng đợi lệnh ra khơi. Tiếng máy nổ giòn. Trên buồng lái, thuyền trưởng Trần Văn Định cầm chặt vô lăng, điều khiển bánh lái hướng tàu đi vào giữa lạch nước sâu của cảng cá Lạch Quèn, tìm đường rẽ sóng ra biển. Đứng ở mũi tàu, thuyền viên Hồ Xuân Liêu thực hiện các động tác chỉ dẫn để thuyền trưởng Định tránh các vật cản phía trước.

Một ngày theo “Chiến binh” biển cả ra khơi ảnh 2 Dây chuyền xay đá phục vụ đánh bắt hải sản của ngư dân Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Khi con tàu đã vào lạch nước, các thuyền viên lên khoang chính làm công việc vá lưới, chuẩn bị cho đêm đánh bắt đầu tiên. “Đợt ra khơi lần này đúng vào ngày gió chướng (gió nồm) biển động cấp 4, cấp 5 nên sẽ vất vả hơn. Lần đầu ra biển, các chú cứ đứng ở khoang lái với anh, đừng đi lại sẽ nhanh say sóng lắm. Nếu đúng dịp vào ngày gió phơn Tây Nam thì bình thường thôi. Nhưng coi chừng rơi xuống biển!”, thuyền trưởng Định nhắc nhở. Say sóng rất mệt, mệt hơn say tàu xe, máy bay. Giữa trùng dương, tàu không thể dừng, người nào say sóng cứ nôn ra mật xanh mật vàng, gan ruột lộn tùng phèo. Nghĩ đến cảnh say sóng với một chuyến đi mười ngày trên biển, thật ái ngại. Chúng tôi ngoan ngoãn làm theo hướng dẫn của thuyền trưởng, ngồi yên một chỗ. Nhưng sự háo hức lần đầu đi biển khiến chúng tôi không thể ngồi yên. Chúng tôi muốn xem công việc và lưới của các thuyền viên. Lúc đầu, thuyền trưởng Định nhất quyết không đồng ý, sau thấy chúng tôi không có biểu hiện say sóng nên cũng xuôi. Chiếc lưới vây to rộng trải trên khoang chính, những bàn tay thô ráp, chai sạn bởi nắng gió nhưng lại thoăn thoắt khâu vá khéo lạ thường. “Làm mãi rồi quen chú à, từ nhỏ anh đã theo cha mẹ lên thuyền khâu vá lưới nên mọi kỹ thuật khâu vá lưới đã nằm sẵn trong đầu anh. Bàn tay như làm theo quán tính”, thuyền viên Trần Ngọc Thành nói.

Đến khoảng 18h tối, bữa cơm được các thuyền viên nấu xong. Thức ăn đầy đủ rau, thịt rất thịnh soạn, nhưng tôi băn khoăn tại sao không có cá, mực. Đầu bếp Trần Văn Đức (SN 1993) giải thích: “Hai anh cứ yên tâm, đây là những ngày đầu còn rau thịt nên bữa ăn như thế. Khi chính thức ra khơi rồi thì bữa ăn toàn là cá, mực thôi. Lúc đó, chỉ sợ các anh phát ngán...”. Ngồi trong khoang thuyền, từng đợt sóng vỗ ầm ầm vào mạn thuyền, bọt tung trắng xóa. Chỉ ít phút sau, người tôi ướt đẫm. Tôi tận hưởng giây phút ra khơi đầu tiên, môi thấm nước biển mặn chát, mát lạnh. Đất liền đã xa tít tắp, xung quanh đặc quánh màn đêm và tiếng sóng rì rào. Chúng tôi không thể nào chợp mắt nổi, hồi hộp gắng chờ đợi trận đánh cá trong đêm.

Còn nữa...

(Kỳ cuối trên số báo ra ngày thứ 2, 29/5)

Theo số liệu từ tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có hơn 4.000 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, với hơn 19.000 lao động trong nghề. Riêng huyện Quỳnh Lưu có hơn 1.200 tàu thuyền, chiếm phần lớn so với các vùng bãi ngang còn lại.

MỚI - NÓNG