“Chiến binh” biển cả - Bài cuối: Bám biển

“Chiến binh” biển cả - Bài cuối: Bám biển
TP - Đêm dần buông, mặt biển từ xanh chuyển sang màu xám bạc, rồi tối sẫm. Ánh đèn câu mực, đèn gọi cá từ hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ rực sáng khiến xung quanh trở nên rộn rã. Ban ngày, ngư dân cho tàu thả neo, ngủ vùi lấy sức sau một đêm lao động mệt nhọc. Khi hoàng hôn buông xuống, nhịp sống của ngư dân trên biển lại bừng tỉnh. Những “chiến binh” biển cả căng mình cho cuộc mưu sinh vất vả, gian truân.

23h đêm, thuyền trưởng Trần Văn Định giảm tốc độ cho tàu NA 90567 TS dừng lại, cách bờ 40 hải lý, độ sâu nước biển khoảng 50m. Ăn vội bát mỳ tôm cho đỡ đói, 17 thuyền viên trên tàu trở lại với công việc của mình. Chiếc dù lớn được thả xuống biển để làm neo giữ tàu, một nhóm thuyền viên khác bật đèn. Hơn 40 bóng đèn loại 1.000W được chia đều thành hai giàn ở hai bên mạn tàu rực sáng. Đối với tàu đánh cá bằng lưới vây,  hệ thống đèn chiếu sáng rất quan trọng. Khi đèn được bật sáng, các loại cá quanh khu vực này sẽ tập trung lại một chỗ, ngay dưới lòng tàu.

Đánh cá đêm

Trên khoang, thuyền viên kiểm tra lưới, máy tời thêm một lần nữa. Đến 3h sáng, áng chừng đã đủ thời gian gọi cá về, tiếng của thuyền trưởng Định vang lên sang sảng, chiếc thuyền thúng được máy nâng lên khỏi boong rồi thả xuống biển. Hai thuyền viên Hồ Xuân Liêu và Trần Văn Đức nhanh chóng đứng trong thúng mang đèn cao áp thả xuống nước. Cùng lúc, hệ thống đèn chiếu sáng trên tàu vụt tắt, cả không gian chìm vào bóng tối. Những thuyền viên còn lại vào vị trí đã được phân chia từ trước và sẵn sàng đợi lệnh buông lưới.

Khoảng 15 phút sau, chiếc thuyền thúng dạt ra cách tàu 50m. Chiếc đèn phao sáng gắn đầu lưới cũng được thả xuống tiếp viện, làm điểm tiêu bắt đầu cho “trận đánh”. Thuyền trưởng Trần Văn Định rồ ga tăng tốc cho tàu quay vòng quanh chiếc thuyền thúng. Từng đoạn lưới xếp gọn gàng được thả đều xuống biển. Lúc này, 14 thuyền viên còn lại chia thành 3 tổ, tổ thứ nhất có nhiệm vụ thả phao, tổ thứ hai thả chì, thuyền trưởng giữ ga điều khiển với tốc độ ổn định, sao cho lưới và chì được thả đều nhau, không bị xoắn. Hàng trăm chiếc chì bằng thép xâu thành chuỗi trên một thanh sắt dài 7m, tổng cân nặng có thể lên tới mấy tạ lần lượt chìm xuống nước, những thuyền viên thả chì thường là những người khỏe mạnh nhất.

“Chiến binh” biển cả - Bài cuối: Bám biển ảnh 1 Một mẻ lưới đánh bắt cá xa bờ của ngư dân bãi ngang.

Chỉ trong vòng 10 phút, bộ lưới vây có chiều cao 140m, trải rộng vùng nước với diện tích hơn 500m2 được thả xuống hoàn tất. Chiếc thuyền thúng thoát ra khỏi tầm lưới, kéo lên. Đợi cho hai đầu lưới khép kín lại với nhau, chiếc đèn pha trên tàu lại được bật sáng. Thuyền trưởng Định giải thích: “Hệ thống đèn phải tắt cho đến khi nào hai đầu lưới khép kín với nhau thì lúc đó mới bật đèn pha trên tàu lên. Bởi bật đèn trên tàu sớm, cá sẽ theo ánh sáng đèn bơi ra ngoài qua lối hở của hai mối lưới. Còn để nhận biết chỗ nào nhiều cá thì nhìn qua máy dò”. Công đoạn kéo là việc mệt nhọc nhất, chiếc máy tời được thuyền trưởng Định điều khiển đưa lại bên mép boong tàu. Đối với nghề đánh cá xa bờ hiện nay, máy tời đã giúp ngư dân tiết kiệm rất nhiều sức lực. Tuy nhiên, các thuyền viên phải tập trung, căng sức mình ra để giữ lưới.

Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng, một tổ kéo những dây cáp dù lên trước, sắp đặt gọn gàng. Chiếc máy tời sẽ giúp thuyền viên kéo lưới lên, hai tổ còn lại có nhiệm vụ giữ lưới từ máy tời và kéo phao lên boong tàu. Lưới được kéo từ máy tời và phao được kéo từ thuyền viên cũng phải ăn nhịp. Thuyền viên lớn tuổi nhất, sức khỏe yếu hơn làm công việc sắp xếp phao thành từng đường vuông vắn. Những đoạn lưới đầu tiên được kéo lên, thỉnh thoảng có những con cá mắc đầu lưới, tốp thuyền viên đứng bên máy tời sẽ gỡ ra.Trong quá trình kéo lưới, có những đoạn lưới cuộn chồng lên nhau do lúc thả không đều nên thuyền viên Hồ Xuân Liêu phải nhảy xuống nước, vừa bơi vừa gỡ lưới. Trên boong tàu, tiếng hò reo vỡ òa mỗi khi thấy con cá lớn.

Mải mê kéo lưới, mặt trời đã đội lên lưng chừng cây tre lúc nào không hay. Buổi sáng trên biển thật yên lành. Khuôn mặt thuyền viên ai nấy đều hiện rõ sự mệt mỏi, mồ hôi ướt đẫm vai áo. Một số thuyền viên nấu nước sôi pha mì tôm ăn chống đói. Toàn bộ số hải sản đánh bắt được dồn về phía đáy lưới, máy nâng đưa cá lên, dây cáp dù được mở ra, cá trong lưới ào ào tràn xuống boong tàu. Mẻ lưới đầu tiên chúng tôi đánh bắt được khoảng 1,5 tấn cá, nhiều nhất là bạc má. “Cứ như các đợt đánh trước thì mỗi trận tàu chúng tôi phải đánh được 3 tấn cá trở lên. Có bữa, chỉ một lần quây lưới bắt được 12 tấn, chỉ cần vài ngày ra khơi là quay về. Đêm qua, cá chưa say đèn nên được ít vậy đó”, thuyền viên Phạm Văn Tý kể.

“Chiến binh” biển cả - Bài cuối: Bám biển ảnh 2 Thành quả lao động của thuyền viên sau nhiều đêm thức trắng.

Tình người, biển cả

Ánh nắng gay gắt phản chiếu mặt biển chói lóa. Tôi thò cổ ra ngoài hóng từng đợt gió, mong xua đi sự ngột ngạt, oi nồng của hơi nóng bốc lên từ mặt biển và mặt trời thiêu đốt. “Mình lên đây chỉ tổ vướng chân các anh ngư dân, chả tích sự gì!”, tôi nghĩ. Từ điểm đánh bắt này vào bờ tàu chạy một buổi, đất liền mất hút, xa vời. Tàu lắc lư, đầu tôi ong ong, lâng lâng, cơn say sóng bắt đầu ập đến hành hạ. Muốn vào bờ lúc này cũng đành chịu. Thêm một tuần lễ lênh đênh trên biển, ăn cá triền miên và thường xuyên hứng gió nồm chát chúa, đìu hiu, người tôi từ trong ra ngoài đều có vị mặn của muối.

Những ngày tiếp diễn, công việc cứ quay vòng như đêm đầu tiên: ngày ngủ, đêm làm, dường như mọi chuyện đã được lập trình, những mẻ cá được kéo lên đều đặn mỗi tối và không có mẻ nào trúng đậm. Tuy nhiên, trên chặng đường bám biển dài ngày chúng tôi chứng kiến những cuộc gặp gỡ lý thú. Tàu NA 90567 TS gặp 3 tàu câu mực. Chẳng hề quen biết nhưng hai thuyền trưởng vẫn điều khiển tàu áp sát vào nhau. Các thuyền viên không ngừng hỏi thăm sức khỏe, tình hình đánh bắt của mỗi tàu. Họ chuyền tay nhau chai nước ngọt, gói mì tôm hay sẻ cho nhau điếu thuốc. Ngoài ra, trên bộ đàm, thuyền trưởng các tàu thường trao đổi thông tin về luồng cá, dự báo thời tiết. Những câu chuyện tiếu lâm lại có dịp “nổ”, kèm theo những trận cười vỡ bụng. Tiếng cười xua đi sự mệt mỏi.

“Ở trên biển không có sóng điện thoại, không truyền hình... cuộc sống trở nên cô độc. Thế nên, chỉ cần gặp nhau trong lênh đênh hành trình là vui rồi. Tất cả sẽ được ghi lại và liên lạc qua bộ đàm. Tàu đánh mực có thể chia sẻ cho mình về khu vực lắm cá và ngược lại. Đặc biệt, khi gặp hoạn nạn, những tàu đó là anh em, sẵn sàng cứu trợ, giúp đỡ. Điều đó giúp chúng tôi cảm thấy an lòng trong mỗi chuyến ra khơi”, thuyền trưởng Trần Văn Định chia sẻ. Đêm thứ 5, tàu cá NA 90567 TS nhận được tin báo từ tàu đánh mực gặp mấy ngày trước. Họ nói về địa điểm nhiều cá và ngay lập tức hướng tàu đến vị trí đó. Tại đây, tàu đánh mực nhường tọa độ cho tàu cá. Ngoài những cuộc gặp ngẫu nhiên, từng nhóm tàu xa bờ của ngư dân hình thành những tổ hợp riêng. Các tổ hợp đó có thể từ 5 đến 7 tàu, thành những “đại gia đình” di động giữa trùng dương.

Biển mang vẻ huyền bí về đêm. Khi hoàng hôn buông xuống kéo theo tấm màn đen khổng lồ chụp lên vạn vật, chính là thời khắc ánh đèn tỏa rạng, mang lại hơi ấm trên biển cả đầy bất trắc, hiểm nguy. Sự ồn ào của tiếng sóng vỗ hòa lẫn trong sự hối hả, tất bật của công việc đánh cá giúp các thuyền viên nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Trên bờ, lặng lẽ từng đêm, ánh mắt của những người vợ dõi theo chồng trong lênh loang biển nước, thấp thỏm ánh đèn xa tận mù khơi. Khi trái gió trở trời, khi giông tố, những người đàn bà làng chài lại tất tả chạy ra phía biển, mong ngóng thuyền tàu trong nỗi lo âu... 

“Ở trên biển không có sóng điện thoại, không truyền hình... cuộc sống trở nên cô độc. Thế nên, chỉ cần gặp nhau trong lênh đênh hành trình là vui rồi. Tất cả sẽ được ghi lại và liên lạc qua bộ đàm. Tàu đánh mực có thể chia sẻ cho mình về khu vực lắm cá và ngược lại. Đặc biệt, khi gặp hoạn nạn, những tàu đó là anh em, sẵn sàng cứu trợ, giúp đỡ. Điều đó giúp chúng tôi cảm thấy an lòng trong mỗi chuyến ra khơi”

Thuyền trưởng Trần Văn Định chia sẻ

Thuyền viên thay nhau phân loại cá ra từng khay rồi ướp đá cho cá được tươi. Những loại cá có giá rẻ để riêng. Các khay được vận chuyển xuống hầm lạnh. Mặt trời đứng bóng. Thức ăn đã được chuẩn bị sẵn, bữa cơm trên tàu diễn ra tốc hành. Sau một đêm lao lực trên biển, ai cũng muốn ăn nhanh rồi ngả lưng nghỉ ngơi. Cần phải ngủ bù cho lại sức để đêm nay “chiến” tiếp.

MỚI - NÓNG