Chìm trong đau thương

Chìm trong đau thương
TP - Không khí ở bãi biển Thanh Khê (Đà Nẵng) trong mấy ngày đêm vừa rồi như cô đặc lại. Mùi biển tanh nồng trộn lẫn với những tiếng sụt sùi và hàng trăm ánh mắt dõi ra đại dương.
Chìm trong đau thương ảnh 1
Bà Phạm Thị Thúy, 67 tuổi, phường Thanh Khê Đông, Đà Nẵng mong ngóng người chồng thân yêu trở về bên bờ biển. Ảnh : TTXVN

>> Nếu bất cẩn, người dân sẽ thiệt hại lớn!
>> UBTWMTTQVN gửi 1 triệu đồng tới gia đình mỗi người bị thiệt mạng
>> 17 tàu chìm và mất liên lạc, 258 người chết và mất tích

Ngoài kia, xác người thân của họ đang được đưa về, và còn bao nhiêu chồng, cha, con, cháu... của họ đang trôi dạt giữa biển cả hung dữ. Đêm thứ Bảy (20/5) dầm dề mưa lạnh, nhiều bóng người thẫn thờ xiêu vẹo bên bờ biển đen ngòm.

Cơn mưa làm những bó hương tắt ngấm. Sáng Chủ nhật, trời lại nắng chói chang, những ban thờ tiếp tục được dựng lên trên bờ cát với những mái đầu bạc nguyện cầu ...

Ông Hồ Văn Bó (tổ 14 phường Xuân Hà) đã cạn nước mắt cầu nguyện cho 2 con trai (Hồ Ngọc Minh - đi tàu DNA 9018, Hồ Văn Phát – DNA 90154) cùng 3 con rể là Nguyễn Văn Chưa, Nguyễn Văn Sơn và Trần Văn Xoàn (cùng đi tàu DNA 90154) nhưng ngày ngày vẫn ra thắp hương cầu trời phù hộ.

Chìm trong đau thương ảnh 2
Tấm ảnh của Tân Hoa Xã chụp cảnh cứu hộ một tàu đánh cá Việt Nam được người dân chuyền tay trên bãi biển

Ông Bó nói trong nước mắt: “May mắn thì còn sống, nhưng nếu đã chết giữa biển thì mong hương hồn các con thấu được nỗi đau của tui trong bờ mà nổi lên. Người thân được nhìn thấy xác cũng thỏa lòng”.

Gần trưa, trời nắng chói chang nhưng vẫn có hàng trăm người dân đổ ra bãi biển Liên Chiểu – Thuận Phước. Người rất đông, nhưng lại tuyệt nhiên im lặng. Tiếng ồn ào chỉ được rộn lên khi có một thông tin nào đó được báo về. Những tiếng ồn ào của hy vọng xen lẫn đau đớn, xuýt xoa...

Thủ tướng kêu gọi ủng hộ đồng bào bị nạn

Sáng 22/5/2006, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào ở thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi gặp nạn do cơn bão số 1 gây ra. Thủ tướng Phan Văn Khải, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Khoan cùng toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên Văn phòng Chính phủ đã tham gia đợt quyên góp này.

Trong lời phát biểu, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc đến các địa phương và gia đình có người thân bị nạn do cơn bão số 1 gây ra. Với tinh thần “máu chảy ruột mềm”, “lá lành đùm lá rách“, Thủ tướng Phan Văn Khải kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài quyên góp ủng hộ, giúp đỡ các gia đình gặp nạn.

Thủ tướng cũng yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đến từng gia đình có người thân bị nạn động viên, giúp đõ để đồng bào vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống; bảo đảm cho con em các gia đình có người thân gặp nạn vẫn đủ điều kiện được học hành, chữa bệnh khi đau ốm.

Trong đợt quyên góp này, mỗi cán bộ, công chức, nhân viên Văn phòng Chính phủ đã ủng hộ ít nhất là 1 ngày lương.

TTXVN

Tôi chứng kiến một người nước ngoài chìa ra bức ảnh chụp được từ hiện trường ngoài biển khơi, có cảnh các thuyền viên VN đang được tàu nước bạn cứu hộ. (Sau mới biết là ảnh của Tân Hoa Xã - Trung Quốc phát trên mạng, người nước ngoài nọ in ra).

Thế là hàng trăm cánh tay vồ chụp lấy tìm người thân. Hàng trăm con mắt dõi phập phồng hy vọng. Tiếng một người thốt lên: “Thằng Hòe này, đây là thằng Hòe chứ còn ai nữa”.

Tiếng reo lên sung sướng của 2 người thân anh thuyền viên có tên là Hòe. Nhưng liền sau đó, lại là sự im lặng, thất vọng vì người trong ảnh không phải là anh Hòe.

Bức ảnh chụp trong cơn mưa bão nên hơi mờ, được chuyền tay qua từng người. Thêm một người xem là thêm một tiếng lắc đầu, thở dài. Cô gái xinh đẹp tên Linh là người xem bức ảnh lâu nhất.

Giấu đôi mắt đỏ hoe dưới khẩu trang chống nắng, cô lắc đầu: “Anh ấy không có trong ảnh anh ạ.  Ngày nào em cũng tới nhà chị Huệ ngóng tin nhưng vẫn không có”. Linh và một anh chàng thuyền viên đi trên tàu chị Lê Thị Huệ yêu nhau đã 2 năm.

Dù bố mẹ Linh ngăn cản quyết liệt vì không muốn con gái lấy chồng nghề biển... “hồn treo cột buồm”, đôi trẻ vẫn nhất quyết đến với nhau. Linh tức tưởi: “Đợi anh ấy đi chuyến này về, chúng em sẽ tổ chức cưới. Bây giờ thì anh ấy không về nữa rồi”...

Quán cà phê ngay ngã tư dẫn về thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) người ta đã để sẵn gần 10 vòng hoa. Đàn ông túm  tụm, ngồi bệt trước ngõ. Trong nhà, phụ nữ chống cằm, tựa vách, mắt đỏ hoe. Không khí u đặc. Im lặng.

Nhiều mẹ nhiều chị nhiều em, giọng đã khàn. Bà Hoa ngồi giữa, phờ phạc, vô định. Trước bão mấy ngày, chồng bà là Võ Quang cùng 2 con trai Võ Hồng Phúc và Võ Văn Phương cùng con rể Trần Công Tưởng ra khơi, anh Tưởng không may bị rớt xuống biển chết.

Thuyền  phải quay vào bờ. Chôn cất xong, cha con lại quay ra biển. Trúng  ngay tâm bão, ba cha con biệt tăm. Bà Hoa bị bệnh tim, nghe tin ngất xỉu. Ông Nguyễn Văn  Tư, thôn trưởng cho biết thôn đã phải lập Trạm sơ cứu cho những người như bà Hoa.

Sáng nay, mới gần 2 tiếng đồng hồ mà anh Huynh – y sĩ đã phải chạy cấp cứu cho gần 15 người. Có người như vợ anh Nguyễn Văn Bộ, nhà nhiều người mất tích, đã phát điên hôm qua, bỏ đi đâu mất, bỏ lại 3 đứa con,  bà con đem về nuôi giùm.

Trời đang mưa. Tin tức lúc dồn dập, lúc đứt quãng. Mất tích, tìm thấy xác, còn sống. Mưa gió kiểu này, những tia hy vọng mỏng manh từ trùng khơi về sự thần kỳ của mạng người nhỏ nhoi giữa sóng cả, càng hanh hao.

Làng quê nghèo ven chân sóng này bây giờ trong sổ thống kê chưa đầy đủ của xã, trong đợt này, cả xã đi biển chừng 600 người, nay đã về 200, còn  con số có thể chết hoặc mất tích là 83. Có thể thôi, biết mô được.

Thôn Bình Tịnh đầu sổ là 32 người, Bình Tân 22, Hà Bình 26, Tân An 3. Thế là hết, vỡ vụn rồi những vai biển, mù xa ánh mắt đợi chờ dáng đi lừng lững của chồng, cha khi thuyền cặp bến. Bão đang quần thảo trong những căn nhà đầy cát.

Những đứa trẻ,  người vợ vùng cát, bàn chân vốn đã tòe ra, bỏng rát  bởi “đi một bước, lùi ba bước” nay lại phải gượng thêm, gánh gồng với gió. Tôi không dám đứng lâu trong nhà chị Võ Thị Chính.  Chồng và hai con của chị đi tàu bà Huệ ngoài Thanh Khê (Đà Nẵng).

Nghe hung tin, chị khóc ròng. Một ngày. Ngày thứ hai, bà con hốt hoảng khi thấy đang khóc, chị chuyển qua cười. Rồi nhảy nhót. Rồi lại sụp xuống khóc.  Một giây bình tĩnh trước khách lạ, tôi loáng nghe chị than : “Trời ơi, anh dắt chi thêm 2 đứa con đi ...”, rồi chắp tay vái...

Đã hơn 1 tuần rồi. Vùng  tàu bị bão lại quá xa đất liền.  Kinh nghiệm bão gió trên biển cho hay rằng, vô vọng lớn hơn hy vọng.  Bây giờ chỉ khẩn cầu điều kỳ diệu đến với những người quanh năm đượm mùi muối và cát.

Những người đàn bà vùng cát này, bây giờ không mong gì nữa, dẫu người thân có lìa đời, thì chỉ cầu trời cho nhìn được mặt. Tôi nhìn theo cánh tay đưa lên đưa xuống của chị Chính, thầm ước, bây  giờ nó đã như cánh buồm đã rũ mục, nhưng biển ơi, đừng khước từ...

Tiếp nhận đóng góp hỗ trợ đồng bào bị nạn

Để góp phần khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão số 1, Báo Tiền phong tiếp nhận mọi sự hỗ trợ của bạn đọc trong và ngoài nước. Mọi sự ủng hộ xin gửi về Tòa soạn và các văn phòng của báo Tiền phong trên toàn quốc.

Địa chỉ: Tòa soạn báo Tiền phong 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Tài khoản : 1020100000117796, ngân hàng Công thương 2, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Văn phòng báo Tiền phong: Miền Trung: 19 Ngô Gia Tự, TP Đà Nẵng; TP Hồ Chí Minh: 384/54 Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Tây Nguyên: 26 Trần Nhật Duật, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk; Đồng bằng sông Cửu Long: 46A, Quốc lộ 91B, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

TP

MỚI - NÓNG