Chơi vơi khai trường

Hai cháu Thơm và Hòa ngồi ngóng cha ngoài biển để vơi đi nổi nhớ mẹ đang làm thuê ở miền Nam.
Hai cháu Thơm và Hòa ngồi ngóng cha ngoài biển để vơi đi nổi nhớ mẹ đang làm thuê ở miền Nam.
TP - “Trước đây, năm nào ở xã cũng có vài ba cháu bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn. Năm nay thêm nhiều gia đình thiếu ăn vì thảm họa cá chết, các cháu phải theo người lớn vào miền Nam làm thuê, làm mướn. Vừa rồi, trường THCS của xã tập trung học sinh để vệ sinh trường lớp nhưng thiếu đến mấy chục cháu” - Ông Nguyễn Văn Xoa, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), nói về nguy cơ bỏ học của con em vùng bãi ngang sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra.

Rời quê

Vắng lặng, xác xơ, tiêu điều là những gì dễ nhận thấy nhất ở các xã bãi ngang của Quảng Bình hơn 4 tháng nay sau thảm họa biển chết. Trên những con đường đất đỏ hun hút chạy dọc triền cát không một bóng người. Những mảnh làng trên cát, nhiều ngôi nhà cửa đóng, then cài, cỏ mọc loang cả lối đi.

Chủ nhân của những ngôi nhà này đã đi đâu? Người phụ nữ luống tuổi chúng tôi gặp đầu tiên ở thôn Tân Hòa, xã Ngư Thủy Bắc xót xa trả lời: “Đi miền Nam làm thuê kiếm sống chơ đi mô nữa chú. Bỏ làng xóm, bỏ nhà cửa mà đi ai không xót, nhưng làm nghề biển mà biển không còn cá thì ở đây mà chết đói à. Ông nhà tui đau ốm, không thì tui cũng theo các con vào miền Nam rồi”.

Chủ tịch xã Ngư Thủy Bắc, Ngô Văn Thủy buồn rầu cho biết: Xã có gần 5.000 dân, hầu hết làm nghề đánh cá gần bờ. Vì là xã bãi ngang, toàn cát trắng, với xương rồng, ruộng vườn không có, độc nhất nghề biển nên cuộc sống người dân vốn khó nay rất khó khăn. Gặp phải thảm họa biển bị đầu độc khiến cả xã liêu xiêu. Cá gần bờ bị hủy diệt, mà có đánh được vài ba cân thì cũng chẳng ai mua. May có một ít gạo hỗ trợ của Chính phủ, không thì nhiều nhà chẳng biết bấu víu vào đâu để sống qua ngày.

Cũng theo ông Thủy, trước đây, lực lượng lao động của xã vào các tỉnh miền Nam làm thuê cũng khá đông, nhưng từ khi cá chết đã tạo nên một làn sóng ồ ạt rời quê. Hầu hết các gia đình trẻ đều tìm đường vào Nam kiếm việc làm. Họ đi, đứa nhỏ thì gửi cho ông bà, đứa biết việc thì cắp theo, vào cho đi bồng trẻ, hái hạt điều, cà phê… “Vừa rồi nghe nhà trường báo cáo có nhiều cháu theo cha mẹ vào Nam vẫn chưa về để tựu trường, tôi đã chỉ đạo Hội Khuyến học và nhà trường tìm địa chỉ, số điện thoại liên lạc để vận động. Chưa đến ngày khai giảng nên vẫn chưa biết thế nào” – ông Thủy nói.

Làn sóng di cư vào Nam, tránh bế tắc sau thảm họa cá chết ở xã Ngư Thủy Nam cũng không kém Ngư Thủy Bắc. Ông Trần Thanh Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam cho biết: Mặc dù chưa thống kê chính thức nhưng toàn xã phải có đến hơn 50% lao động vào Nam kiếm sống.

Hình ảnh hai em Trần Thị Thơm và Lê Thị Hòa (lớp 7) ngồi bên mép cát ngóng cha từ biển, để vơi đi nỗi nhớ mẹ đang lang thang đâu đó tìm kiếm việc làm trong lần chúng tôi về Ngư Thủy Nam, có thể nói là điển hình của sự ly tán do Formosa gây ra. Ở tuổi ăn, tuổi chơi, hai em đã phải thay mặt hai người mẹ chăm lo gia đình. Hai em đã phải nuốt tuổi thơ và nỗi nhớ mẹ vào trong với hi vọng mẹ sẽ kiếm được tiền để hai em có thể đến trường. “Mọi bữa mẹ ở nhà bán cá, giờ không còn cá để bán, mẹ phải vào miền Nam làm kiếm tiền nuôi gia đình, đóng học phí cho em. Nếu cá không nhiễm độc thì có mẹ ở nhà chăm sóc tốt hơn, em đỡ nhớ mẹ hơn” - Thơm ngậm ngùi.

Sách nợ, áo quần rách đến trường

Ông Nguyễn Văn Xoa, Chủ tịch Hội khuyến học xã Ngư Thủy Nam thông tin: Những năm trước, để duy trì được sĩ số học sinh vào những tháng cuối năm cũng đã rất khó khăn. Xã có chiều dài hơn 13 cây số, lên THCS là các cháu phải có xe đạp để đến trường. Nhưng nhiều gia đình không đủ tiền mua xe đạp, đi nhờ thì lúc có, lúc không nên nhiều cháu chán học. Hội Khuyến học xã chạy vạy khắp nơi, kiếm tiền mua xe đạp tặng các cháu nhưng như muối bỏ biển, được cháu này thì mất cháu kia.

Chơi vơi khai trường ảnh 1

Ở các xã bãi ngang của Quảng Bình, nhiều ngôi nhà bỏ hoang vì cả gia đình rời quê kiếm sống.

Ở Ngư Thủy Bắc không mấy nhà có bàn ghế để tiếp khách. Ngồi bệt trên chiếc chiếu rách trải giữa nền nhà, vợ chồng anh Trần Quang Liệu và Lê Thị Thảo nói như mếu: Năm ngoái, gia đình anh chị còn được nằm trong diện hộ nghèo, năm nay phải nhường cho người khác. Nhà có 3 cháu đang đi học, đứa lớn năm nay vào lớp 10, lần lượt hai đứa còn lại lớp 9 và lớp 8. Đến gần năm học mới, lòng anh chị như lửa đốt vì không kiếm đâu ra tiền để các cháu đến trường.

Chị Thảo tâm sự: “Nhà nghèo nhưng các cháu đều học khá, nếu không là tui cho bỏ học hết. Chú coi mấy tháng ni, anh ấy không đi biển được, nhà không có tiền, bữa ăn toàn mắm với ruốc. Để sắm sửa cho 3 đứa đi học cũng mất gần chục triệu, từ sách vở, áo quần, xe đạp, học phí, quỹ trường, quỹ lớp, quỹ hội… nhưng trong túi không có một đồng xu. May có thầy ở trường thương tình cho nợ 3 bộ sách, vở, bút mực… Tui nói với mấy đứa, năm ni mạ không sắm được quần áo mới, bây chịu khó mặc áo quần rách, khi mô có tiền thì mạ mua cho. Cả ba đứa đồng ý nhưng thấy bọn hắn buồn mà tui đau chảy nước mắt”.

Anh Liệu thì lo lắng: “Cả ba đứa con đều cần xe đạp nhưng nhà chỉ có một chiếc xe hỏng. Chiếc xe này sửa xong ưu tiên thằng lớn, vì đến trường mất hơn 10 cây số. Còn hai đứa nhỏ chưa biết tính răng. Vừa rồi, dưới xóm có người nói bán chiếc xe cũ 300 nghìn, nhưng không biết kiếm tiền mô để mua”.

Nói đến các khoản đóng góp, chị Thảo buồn rầu: “Mấy năm trước được hộ nghèo thì được miễn giảm, năm ni không còn hộ nghèo nữa thì phải đóng tiền. Nhà trường mà không cho nợ thì cũng đành chịu. Thôi… đến mô hay đó”.

Ở xã bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, chuyện con em đến trường cũng đang làm các bậc làm cha, làm mẹ đau đầu, thắt ruột. Chị Trương Thị Hiếu ở thôn Cửa Thôn, nhìn mấy cuốn sách vừa xin được của người bà con ở trên thị trấn ứa nước mắt kể: Cá chết, chồng bó gối ngồi nhà, cũng là lúc chị đổ bệnh. Sau hai lần mổ u nang, gia sản khánh kiệt, chị đành cho bé Hoa, con gái đầu đi ở bồng con dưới Đồng Hới. Họ trả công mỗi tháng được 2 triệu gửi về nuôi sống gia đình.

Chị Hiếu ngậm ngùi nói: “Năm học mới sắp đến rồi, mà mới xin được sách cho thằng cu Phin học lớp 6, sách của bé Hoa học lớp 8, bé Hậu học lớp 2 vẫn chưa có. Còn vở, quần áo… nhiều thứ khác cần chuẩn bị cho con mà vẫn chưa có tiền. Bé Hoa năm nay lên lớp 8 nhưng chắc là nó phải nghỉ học để nhường cho các em nó đã”.  

Chơi vơi khai trường ảnh 2

 Chị Hiếu ứa nước mắt vì phải tính đến việc nghỉ học của đứa con gái đầu năm nay vào lớp 8.

Cách không xa nhà chị Hiếu là nhà bà Lê Thị Nghiết (51 tuổi), năm nay có con lên lớp 8 nhưng nguy cơ thôi học cận kề. Từ ngày chồng bị tai nạn, gánh nặng kinh tế chuyển sang đôi vai bà. “Ngày trước có cá, tui làm nghề chạy chợ cũng có đồng ra đồng vô. Nay cá không còn, tui phải nuôi thêm con lợn, con gà để sống qua ngày. Nhà có 5 đứa con mà không đứa mô học qua lớp 9. Cả nhà hi vọng vô đứa út, năm ni hắn lên lớp 8, nhưng tình cảnh ni thì không biết có theo nổi không? – bà Nghiết lo lắng.

Ông Phan Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, theo thống kê sơ bộ, năm nay ở xã Hải Ninh sẽ có khoảng 2.000 học sinh đến trường nhưng với tình hình này, con số sẽ không như dự kiến vì chắc sẽ có nhiều gia đình vì quá khó khăn mà không thể cho con đến trường. UBND xã cũng đã làm tờ trình gửi lên các cấp, kiến nghị miễn giảm các khoản đóng góp cho học sinh Hải Ninh nhưng không biết thế nào?

Trước khó khăn của các địa phương bãi ngang do sự cố môi trương gây ra, ngày 10/8/2016, Phòng Giáo dục huyên Lệ Thủy đã có công văn gửi hiệu trưởng các trường vùng biển từ mầm non đến THCS:

Yêu cầu các đơn vị nắm bắt tình hình diễn biến ở địa phương, tích cực vận động học sinh đến lớp; tạo điều kiện tối đa về học cụ cho học sinh, đặc biệc học sinh thuộc các gia đình khó khăn, đảm bảo học sinh có đủ học cụ tối thiểu để học tập.

Công văn cũng yêu cầu, trước mắt chưa triển khai các khoản thu nộp trong năm cho đến khi có hương dẫn của các cấp có thẩm quyền.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.