Chống phân bón giả, phải có con người thật

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, không ở đâu như ở Việt Nam, thời gian qua, cứ nửa ngày ra một loại phân bón mới, và hiện số lượng lên tới 9.000 loại. Ảnh: Vietnamnet
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, không ở đâu như ở Việt Nam, thời gian qua, cứ nửa ngày ra một loại phân bón mới, và hiện số lượng lên tới 9.000 loại. Ảnh: Vietnamnet
TP - “Muốn chống phân bón giả, cần có con người thật, làm thật, hiểu biết, có trình độ, tâm huyết” -TS Nguyễn Đăng Nghĩa- chuyên gia phân bón nói tại hội thảo “Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam” ngày 28/9.

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), để nạn phân bón giả, kém chất lượng như hiện nay, một phần là do hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của một bộ phận lực lượng thi hành công vụ như công an, quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp…

Ông nói: “Các thành phần này như quả bom nổ chậm, phá hoại các nghị định, thông tư, bóp méo sự thật, bóp méo pháp luật, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua”. Hằng năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện khoảng 4.000 vụ phân bón giả, kém chất lượng.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, không ở đâu như ở Việt Nam, thời gian qua, cứ nửa ngày ra một loại phân bón mới, và hiện số lượng lên tới 9.000 loại. Chuyên gia còn “hoa mắt”, chứ nói gì đến quản lý thị trường, hay nông dân.

Ông Nghĩa cho rằng, ngành phân bón hiện do hai bộ Công Thương và NN&PTNT quản lý theo Nghị định 202. “Nghị định 2012, khi triển khai có tới 8 thông tư của hai bộ hướng dẫn cứ búa xua, cả doanh nghiệp lẫn nông dân đến chết. Làm cho quản lý thị trường, đến các đại lý cũng lúng túng”- ông Nghĩa nói.

Để tránh chồng chéo, theo TS Nghĩa, Bộ Công Thương sẽ phụ trách phần cấp phép cho cơ sở sản xuất, xem xét về quy mô, trang bị, quy trình, con người, môi trường… Còn Bộ NN&PTNT, chỉ cần chọn 100-150 loại phân bón (trong số khoảng 9.000 loại phân bón), thích ứng với các nhóm cây trồng phổ biến, để xây dựng quy chuẩn là quá đủ!

Còn DN, sẽ tự cạnh tranh bằng chất lượng, hỗ trợ, tập huấn cho nông dân… “Và khi các khâu chuẩn rồi, thì cứ thế thực hiện chứ chả cần khảo nghiệm, kiểm nghiệm làm gì. Tôi là người tham gia hội đồng khoa học khảo nghiệm, nhưng tôi còn nghi ngờ kết quả” - ông Nghĩa nói.

Chuyên gia Nghĩa cũng cho rằng, phải “tái cơ cấu lực lượng thực thi” như lực lượng quản lý thị trường. “Đây là lực lượng phải đáp ứng được chuyên môn. Còn nếu hiểu về phân bón, cây trồng kém, mà đòi quản lý phân bón thì không thể chấp nhận được” - TS Nghĩa lo ngại. 

MỚI - NÓNG