Chống tham nhũng : 'nước phải sạch từ nguồn'

Chống tham nhũng : 'nước phải sạch từ nguồn'
Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Trương Vĩnh Trọng nêu rõ,  muốn công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, trước hết phải phòng, chống tham nhũng từ trong Đảng. Ông ví điều này như “nước sạch từ nguồn”.

Sáng 30/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chống tham nhũng cần cơ chế giám sát độc lập 

Báo cáo trước Quốc hội việc giải quyết 8 vụ án trọng điểm, nổi cộm, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết: Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng khám phá, khẩn trương, tích cực điều tra và xử lý. Đến nay đã kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát truy tố 7 vụ án lớn.

Đại biểu Phạm Thế Duyệt (Hải Dương) cho rằng: Sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đang có chuyển biến tích cực. Nhưng nhìn nhận một cách nghiêm túc, tình trạng tham nhũng, lãng phí làm tha hoá một bộ phận cán bộ, vẫn diễn ra nghiêm trọng và ngày càng tinh vi hơn, tập trung ở một số ngành kinh tế quan trọng.

Bệnh thành tích, báo cáo thiếu trung thực đang là vấn đề phức tạp. Ông Duyệt đề nghị: Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phải có chủ trương, đường hướng mới trong phòng, chống tham nhũng. Những cơ chế, chính sách đề ra phải dự báo hết những vấn đề có thể diễn ra. Theo đại biểu, việc bỏ phiếu tín nhiệm theo định kỳ với các chức danh lãnh đạo là rất cần thiết, nên làm, tạo điều kiện để Quốc hội, Mặt trận, đoàn thể và toàn dân tham gia giám sát.

Theo đại biểu Lê Thị Nga ( Thanh Hoá), chống tham nhũng là hoạt động mang tính đặc thù, thể hiện mối quan hệ giữa đối tượng bị chống và chủ thể chống. Đối tượng bị chống là người có chức vụ, quyền hạn, có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng. Chủ thể chống tham nhũng là các tổ chức, cá nhân và cả chính những người có chức có quyền. Tuy nhiên trong thực tế, có nhiều trường hợp, hoạt động chống tham nhũng rơi vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Đại biểu đặt câu hỏi: Vì sao công cuộc chống tham nhũng ở nước ta lại khó khăn đến vậy, việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng rất khó. Bà Nga cho rằng, để chống tham nhũng có hiệu quả, ngoài việc tự chống, cần phải phát huy cơ chế giám sát độc lập, xây dựng những thiết chế độc lập để giám sát có hiệu quả sự giám sát, kiểm tra của Đảng, QH, HĐND, Mặt trận và các đoàn thể, nhân dân và bảo đảm các cơ quan tư pháp hoạt động độc lập, đúng pháp luật.

Đại biểu cho rằng: Hiện nay, việc huy động sức mạnh toàn dân trong phòng, chống tham nhũng chưa phát huy hiệu quả, mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động. Cần phát huy sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, để người dân không đơn độc trong cuộc đấu tranh này.

Đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh, cơ chế “xin - cho” đang tồn tại ở một số bộ, ngành là nguyên nhân chính xảy ra tham nhũng, cần chỉ rõ nơi nào còn tồn tại cơ chế “xin- cho”. Cần công khai chương trình hành động chống tham nhũng của từng bộ, ngành để QH và nhân dân giám sát.

Các giải pháp chống tham nhũng chỉ có hiệu quả khi đáp ứng 3 yêu cầu: Làm cho người có chức vụ không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng. Muốn được như vậy, phải có cơ chế, chính sách bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức, có chế tài đủ nghiêm minh, những quy định của pháp luật phải chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Đại biểu Huỳnh Văn Tý (Bình Thuận) cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn tồn tại các vấn đề, đó là chưa đồng bộ, chưa phát huy vai trò của cấp cơ sở, triển khai lúng túng và nhận thức chưa cao. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần xác định mốc thời gian hoàn thành các văn bản liên quan đến việc thực hiện luật. Nên sơ kết công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở mỗi ngành, địa phương, đơn vị.

"Nước sạch từ nguồn"

Ít người muốn làm Chánh VP BCĐ Phòng chống tham nhũng

TPO - Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết sau khi có quyết định thành lập, Ban chỉ đạo phải rất vất vả mới tìm được người làm Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.

Đích thân Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phải lặn lội tìm và thuyết phục mới mời được Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc về làm Chánh văn phòng.

Từ khi thành lập đến nay, Văn phòng Ban chỉ đạo mới tìm, mời được 30 người về làm việc. Theo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, một trong những nguyên nhân khiến cho việc thành lập Ban gặp nhiều khó khăn do đây là nơi bị đánh giá "dễ chê, khen ít" nên dễ gây ngại.

Nhìn nhận ở mộc góc độ khác, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông) lưu ý: Nguyên nhân xảy ra tham nhũng, lãng phí không phải do thiếu cơ chế, chính sách; không phải do pháp luật chưa hoàn thiện, càng không phải do lương thấp mà nguyên nhân chính là công tác quản lý cán bộ, nhất là quản lý đảng viên trong các chi bộ chưa chặt chẽ.

Đại hội X coi việc xây dựng chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhưng chúng ta "phát nhiều nhưng chưa động", chưa thấy rõ trách nhiệm trong quản lý cán bộ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên làm giảm uy tín của Đảng, nhiều người đứng trước vành móng ngựa trước đó là đảng viên.

Vì sao những đảng viên sinh hoạt trong cùng chi bộ không phát hiện được những cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng ? chi bộ đã không lắng nghe ý kiến của quần chúng ? Đại biểu cho rằng, việc nghiêm khắc đối với đảng viên không làm giảm uy tín của Đảng. Mỗi đảng viên phải sống liêm khiết, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Cùng chung quan điểm, các đại biểu Phạm Quang Dự ( Bà Rịa-Vũng Tàu), Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh: Một trong những yếu tố quan trọng để đấu tranh có hiệu quả là sự nêu gương của người lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị, mong rằng Qua cuộc bầu cử đại biểu QH khoá XII, lựa chọn được những người có đức, có tài, giúp Đảng và Nhà nước thực hiện tốt 2 bộ luật này, đại biểu QH phải làm nòng cốt, là tấm gương để nhân dân cả nước noi theo.

Đại biểu Trương Vĩnh Trọng ( Bến Tre), Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng khẳng định quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Ông cho rằng việc thực hiện tốt hai bộ luật này sẽ tạo chuyển biến tốt trong ngăn chặn tệ tham nhũng, lãng phí.

Muốn công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, trước hết phải phòng, chống tham nhũng từ trong Đảng. Đảng lãnh đạo chặt chẽ cuộc đấu tranh này và phải phát huy tính tiền phong gương mẫu của đảng viên. Ông ví điều này như “nước sạch từ nguồn”. Phòng chống tham nhũng phải là việc làm kiên trì, thường xuyên và huy động sự tham gia của mọi người dân, các tổ chức xã hội.

Đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) nhấn mạnh: Phòng, chống tham nhũng phải là hành động của cả hệ thống chính trị và noi theo tấm gương "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại biểu cho rằng, việc các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình hành động phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là cần nhưng chưa đủ; mà quan trọng hơn là xem xét các chương trình này có hiệu quả, đi vào thực chất không hay chỉ mang tính hình thức, đối phó.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, cần phải có sự phối hợp ngang trong hoạt động của các bộ, ngành, có cơ chế để không tạo khe hở cho tham nhũng, lãng phí len lỏi. Nếu có quyết tâm và cách làm khoa học, cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ có hiệu quả.

Đại biểu Dương Trung Quốc( Đồng Nai) cho rằng : Luật là vũ khí mạnh nhất để chống tham nhũng, cuộc đấu tranh này là sự sống còn của chế độ ta. Ông băn khoăn trước hội chứng "vô can" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phần lớn các vụ tham nhũng không phải do cơ quan đơn vị chủ quản phát hiện ra.

Cần phải xác định việc chống tham nhũng phải là việc của mỗi người. Bên cạnh những chế tài của luật pháp, việc huy động sự tham gia của toàn xã hội, việc giáo dục ý thức là vô cùng quan trọng. Đã có luật rồi, vấn đề quan trọng là phải nhận diện được tham nhũng trong đời sống hàng ngày, trong chế độ, chính sách, trong mỗi con người... từ đó có quy chế để ngặn chăn tham nhũng ngay từ khi mới manh nha.

Phải nhận diện, định danh tham nhũng để Luật đi vào cuộc sống, từ đó bảo vệ cán bộ, công chức, cán bộ lãnh đạo và bảo vệ chế độ của chúng ta. Ông nhấn mạnh: “Chính sách xã hội phải quan tâm đến việc nuôi dưỡng cái liêm”, ông viện dẫn chính sách thời phong kiến từng có khoản tiền dưỡng liêm cho người làm quan.

Đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh hoàn toàn khả thi nếu chúng ta có quyết tâm và huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Theo đại biểu, 3 yêu cầu để cuộc đấu tranh này có hiệu quả là: Có quyết tâm chính trị; có cơ chế, thể chế và hình thành được môi trường xã hội. Trong đấu tranh chống tham nhũng, cần có những cơ quan độc lập, con người độc lập và người chống tham nhũng nhất quyết phải là người không tham nhũng.

Phát biểu kết thúc phiên họp buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho biết: Trong phiên họp ngày 29/3 và sáng 30/3, đã có 34 đại biểu QH phát biểu đóng góp vào các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hầu hết các đại biểu hoan nghênh Chính phủ chuẩn bị các báo cáo công phu, thể hiện sự cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong việc tổ chức, triển khai thực hiện 2 bộ Luật này; thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

MỚI - NÓNG