Chủ tịch Bắc Ninh nói về bí quyết thăng hạng

Khu CN Quế Võ, một trong những KCN hiện đại của tỉnh Bắc Ninh
Khu CN Quế Võ, một trong những KCN hiện đại của tỉnh Bắc Ninh
TP - Đứng ở vị trí thứ 2 (sau Lào Cai) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011, cũng là năm thứ 3 liên tiếp, Bắc Ninh có mặt trong top 10 vị trí cao nhất về chỉ số PCI của cả nước. Tiền Phong phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến.

Lào Cai dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến.

Giải quyết kịp thời vướng mắc của DN

Ông Nguyễn Nhân Chiến, cho biết:

Nhìn vào chỉ số PCI của Bắc Ninh những năm qua, có sự đi lên khá vững chắc: Năm 2009, xếp thứ 10; năm 2010, đứng thứ 6 và năm 2011 tăng 4 bậc so với 2010.

Để vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chỉ số PCI của cả nước, trong nhiều năm qua, Bắc Ninh đã có những nỗ lực lớn trong việc cải thiện công tác điều hành kinh tế của chính quyền.

Đặc biệt, năm 2011, Bắc Ninh đã cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, thông qua việc ban hành chính sách và tập trung chỉ đạo quyết liệt của tỉnh về cải thiện chỉ số PCI và thành lập các tổ công tác tập trung vào các lĩnh vực làm tăng điểm PCI. Cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ sống còn trong phát triển kinh tế.

Như vậy, Bắc Ninh có bộ phận chuyên nghiên cứu để luôn cải thiện chỉ số PCI, thưa ông?

Hàng năm căn cứ vào từng thành phần cấu thành chỉ số PCI do Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam công bố, UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, phân tích tìm ra những điểm mạnh, yếu trong môi trường kinh doanh của tỉnh, sau đó so sánh với các tỉnh xung quanh, từ đó để có biện pháp khắc phục.

Ví dụ năm 2011, tỉnh Bắc Ninh được tăng các chỉ số như: chi phí thời gian, tính năng động lãnh đạo tỉnh... nhưng lại giảm điểm hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch.

Trên cơ sở đó, tỉnh ban hành văn bản nói rõ điểm nào cần phát huy, điểm nào cần khắc phục và yêu cầu các cấp chính quyền triển khai trong nhiệm vụ kinh tế hàng năm, để từ đó khắc phục những hạn chế, yếu kém. Cùng đó, phải cải cách thủ tục hành chính, và phải có tính đột phá.

Ví dụ năm 2011, chúng tôi xây dựng mô hình một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại (dân đến làm thủ tục tự bấm nhận số thứ tự, đến lượt đưa hồ sơ vào, và hồ sơ được mã hóa hết và được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Lãnh đạo ở trên có thể theo dõi hồ sơ được giải quyết ra sao, đúng thời hạn hay không...), đầu tư đẩy mạnh các trang web về công nghệ thông tin hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, lãnh đạo các cấp, trong thẩm quyền của mình phải giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp. Việc kiểm tra, thanh tra DN phải hết sức thận trọng. Thanh tra doanh nghiệp phải có kế hoạch, thống nhất giữa các ngành chứ không để thanh tra chồng chéo, giảm tối đa chi phí thời gian của doanh nghiệp cho vấn đề này...

Minh bạch thủ tục

Khu CN Quế Võ, một trong những KCN hiện đại của tỉnh Bắc Ninh
Khu CN Quế Võ, một trong những KCN hiện đại của tỉnh Bắc Ninh.

Ví dụ một DN vào Bắc Ninh đầu tư, họ mất bao lâu để có được giấy chứng nhận đầu tư, tiếp cận được đất đai?

Năm 2009, tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định 165 quy định trình tự thủ tục về đầu tư ngoài KCN. Đây được coi là chìa khóa thành công, cũng như tạo ra bước đột phá về tính minh bạch trong cải thiện môi trường đầu tư của Bắc Ninh.

Theo đó, văn bản này quy định chi tiết bốn bước cần phải thực hiện của nhà đầu tư; hồ sơ từng bước gồm những gì, thời gian ra sao, cơ quan nào chịu trách nhiệm, thời gian bao lâu phải trả lời nhà đầu tư...?

Sau khi quy định này ra đời, so với quy định chung của Chính phủ thì trình tự thủ tục đầu tư tại Bắc Ninh rút ngắn được một nửa.

Thời gian tổng cộng để nhà đầu tư đi đến đích (tiếp cận đất đai) chỉ hơn 100 ngày, riêng đăng ký kinh doanh để khai sinh doanh nghiệp chỉ mất 5 ngày. Do tất cả thủ tục đều quy định thời gian cụ thể, nên không có chuyện các sở, ngành làm chậm, mà đều phải trả lời trước thời hạn quy định.

Ông có thể nói cụ thể về một bước (thủ tục hành chính) mà nhà đầu tư phải làm tại Bắc Ninh không?

Ví dụ như bước 1, về khảo sát địa điểm đầu tư xây dựng và cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng. Bước này, thủ tục khảo sát địa điểm đầu tư xây dựng do Sở Xây dựng thụ lý và Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định cuối cùng.

Ngay sau khi có văn bản cho phép khảo sát địa điểm đầu tư xây dựng của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Xây dựng tiếp nhận văn bản này, đồng thời cung cấp thông tin quy hoạch về khu đất để trả lời nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ cần nộp hồ sơ xin khảo sát địa điểm đầu tư xây dựng tại bộ phận một cửa của Sở Xây dựng.

Trong vòng 25 ngày làm việc (trường hợp khu đất chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt), nhà đầu tư nhận kết quả là văn bản cho phép khảo sát địa điểm đầu tư xây dựng của Chủ tịch UBND tỉnh và bản thông tin quy hoạch về khu đất của Sở Xây dựng tại bộ phận một cửa của Sở Xây dựng. Còn nếu không đồng ý, thì chúng tôi trả lời rõ lý do ở từng khâu.

Hay như bước 4, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được quy định từng công đoạn, thời gian và trách nhiệm cụ thể của từng ngành. Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Sở TN&MT và nhận kết quả tại sở này.

Năm 2012, Bắc Ninh sẽ chọn vấn đề gì để cải thiện PCI?

Cái yếu trong chỉ số PCI năm 2011 là nguồn lao động. Việc tiếp cận lao động của DN khó khăn, lao động chất lượng cao đang thiếu thốn. Ngoài ra dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng còn yếu kém... Nên năm nay, chúng tôi sẽ tập trung khắc phục vấn đề này, đồng thời tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện tính minh bạch.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 4.800 DN, trong đó có 322 DN đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư nước ngoài 3,9 tỷ USD. Các thương hiệu lớn trên thế giới đã đầu tư tại đây như: Samsung, Canon... Năm 2011, dù khó khăn nhưng Bắc Ninh vẫn thu hút được 5 triệu USD vốn FDI.

Cảm ơn ông.

Bá Kiên - Hà Long thực hiện
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG