Chủ tịch nước: Bất kỳ ai liên quan đến sai phạm Formosa đều bị xử nghiêm

Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri quận 1 sáng 1/8.
Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri quận 1 sáng 1/8.
TP - Ngày 1/8, Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 (TPHCM) đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3 báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV. Tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, vụ Formosa gây ô nhiễm làm cá chết hàng loạt là sự cố nghiêm trọng. Bất kỳ ai, tổ chức, cá nhân nào liên quan đến sai phạm này sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo cử tri Nguyễn Đăng Cường (phường Tân Định, quận 1), quần chúng nhân dân đang phẫn nộ về vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh miền Trung. “Gây thiệt hại cực lớn nhưng người phê duyệt trái quy định cho Formosa không bị xử lý” – ông Cường băn khoăn.

Cử tri Lê Thanh Bình (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) đồng tình: Ông Võ Kim Cự trả lời báo chí rằng việc cấp phép cho Formosa hoạt động tới 70 năm không phải trách nhiệm của riêng ông mà của tập thể nhiều bộ ngành, kể cả Chính phủ là không nghiêm túc. Cử tri đề nghị làm rõ việc ông Cự ký quyết định cho Formosa thuê đất tại bàn làm việc hay trên bàn nhậu và xử lý nghiêm.

Thay mặt Tổ Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Hậu quả ô nhiễm môi trường làm cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung là sự cố hết sức nghiêm trọng, một thảm họa về môi trường, để lại hậu quả nặng nề trước mắt và lâu dài. 

Formosa đã thừa nhận trách nhiệm và đã cam kết bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân và triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường trong thời gian vận hành nhà máy.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam yêu cầu nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc những nội dung đã cam kết nhưng không phải vì thế mà không xem xét trách nhiệm nếu Formosa tiếp tục có sai phạm. Đơn cử như vụ chôn lấp chất thải ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hay vụ việc gây ô nhiễm vừa phát hiện ở Đồng Nai có liên quan đến Formosa. Những hành vi này sẽ được thanh, kiểm tra và xử lý.

“Các tổ chức, cá nhân phía Việt Nam liên quan đến sự cố Formosa hiện nay đang kiểm điểm trách nhiệm, từ địa phương đến các bộ ngành với tinh thần bất kể ai có sai phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Cụ thể là ai thì mong cử tri kiên nhẫn chờ một thời gian ngắn nữa”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Cử tri Lê Thanh Bình thắc mắc: “Đảng, nhà nước luôn khẳng định tham nhũng không có vùng cấm, mọi cá nhân bình đẳng trước pháp luật. Tại sao vụ vỡ đường ống nước sông Đà, lãnh đạo Vinaconex sai phạm rành rành nhưng được miễn xử lý hình sự với lý do nhân thân tốt, nhiều thành tích,… còn hai đứa trẻ giật ổ bánh mì vài chục nghìn đồng ăn đỡ đói bị xử tù?”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết mọi việc phải công khai minh bạch, xử lý theo quy định của pháp luật. Vụ vỡ đường ống cấp nước, cơ quan điều tra đã có kết luận và đã rõ mức độ sai phạm của từng cá nhân liên quan và có kiến nghị, đề xuất xử lý. Khi họp cũng cân nhắc quá trình công tác, thân nhân, thành tích,… cũng có đề xuất là trường hợp này phải truy tố xét xử, trường hợp kia miễn. Đó là quyền của các cơ quan tư pháp. Quyết định cuối cùng vẫn là tòa án.

Về nợ công, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết đang tăng nhanh và cần công khai minh bạch báo cáo với cử tri. Từ 51,7% GDP năm 2010 đã tăng lên 62,2% GDP. Theo báo cáo của Chính phủ, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp năm 2015 bằng 8,4% ngân sách chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017, 2018.

“Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, Việt Nam không nằm trong nhóm nước có gánh nặng nợ công cao nhưng quản lý và sử dụng nợ công chưa hiệu quả. Là người ký các hiệp định vay nợ nước ngoài, tôi nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình.

Vừa qua, chúng tôi yêu cầu kiểm toán nhà nước kiểm toán việc chi tiêu các khoản vay nước ngoài, trong đó có cả vốn ODA, xác minh chi tiêu có cần thiết không, cái gì phải vay, mà vay thì phải tính toán trả bằng cách nào, vay làm những gì có hiệu quả hay không… Tất cả đều phải xem lại”, Chủ tịch nước cho biết.

MỚI - NÓNG