Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình

Tối 26/3, Ninh Bình đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2017). Dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình cần ra sức phát huy truyền thống cách mạng, nguồn lực văn hóa đặc sắc của quê hương, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình ảnh 1

Chủ tịch nước Trần Ðại Quang trao bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tỉnh Ninh Bình. Ảnh: NHAN SÁNG (TTXVN)

Sau 25 năm tái lập tỉnh, mặc dù xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ quy mô nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao, Kinh tế Ninh Bình có bước phát triển nhanh, bình quân 25 năm qua tăng 17,59%, cao hơn bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; sản xuất công nghiệp từng bước trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng trong ứng dụng khoa học - công nghệ.

Du lịch Ninh Binh có bước phát triển đột phá, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, mở ra cơ hội đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đã được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, được Trung ương đánh giá là một trong những điểm sáng của toàn quốc.

Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình ảnh 2

Tối 26/3, Ninh Bình long trong tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2017).

Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đạt được đã từng bước làm thay đổi diện mạo của vùng đất thuần nông nghèo khó, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu, kết quả to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong suốt 25 năm qua.

Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình ảnh 3

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch nước nước nêu rõ, qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước tiền đồ hết sức vẻ vang.

Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cơ bản, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Ninh Bình cần tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển, đồng thời chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị: “Tỉnh cần củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển bền vững. Ưu tiên thu hút các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp; từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi để hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết chặt chẽ với các địa phương, liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng xuất khẩu, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước.”

Chủ tịch nước cũng yêu cầu tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chú trọng thu hút đầu tư vào nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, đồng thời xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo, xuất khẩu.

Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc chủ trương sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên khoáng sản trong quá trình phát triển ngành xây dựng; phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu: “Phát triển du lịch bền vững, nhất là du lịch hướng về cội nguồn, sinh thái - nghỉ dưỡng gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, các di tích lịch sử - văn hóa; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với phát triển văn hóa và tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch, bảo vệ cảnh quan, môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng nét đẹp văn hóa thanh lịch, thân thiện, mến khách của người dân Cố đô Hoa Lư; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố Ninh Bình từng bước trở thành thành phố du lịch, tỉnh Ninh Bình là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia.”

Cùng với phát triển kinh tế, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Ninh Binh cần chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời, tỉnh cần tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; xây dựng, triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập, chống tái nghèo.

Cùng với đó, tỉnh cần thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; cần phát huy đoàn kết lương giáo, định hướng, động viên các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Chủ tịch nước cho rằng, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, vấn đề có ý nghĩa then chốt và quyết định là tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh nhà thật sự trong sạch, vững mạnh, gần dân, sâu sát dân. Trong đó, tỉnh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch nước tin tưởng, với truyền thống hào hùng của quê hương Cố đô nghìn năm văn hiến, phát huy thành tựu, kết quả đạt được sau 25 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, ra sức khắc phục khó khăn, vượt lên thách thức, tạo ra những đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG