Tình cảm chân thành, dấu ấn khó quên - Kỳ 2:

Chủ tịch nước lội ruộng cùng nông dân Cuba

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm giáo viên và học sinh trường mang tên Bác Hồ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm giáo viên và học sinh trường mang tên Bác Hồ.
TP - Mùa thu 2015, tôi may mắn được tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại thành phố New York, Hoa Kỳ và thăm đất nước Cuba anh em.

Khỏi phải nói về sự hoành tráng của Hội nghị thượng đỉnh thông qua Chương trình nghị sự đến năm 2030 về phát triển bền vững, với sự tham dự của 193 nước thành viên với hơn 170 người đứng đầu nhà nước, chính phủ. Đây là hội nghị lớn nhất hành tinh, 15-20 năm mới tổ chức một lần. Là phóng viên tháp tùng, chúng tôi thấy một điều rất lý thú, hôm trước Chủ tịch nước còn lên phát biểu tại phiên họp của LHQ những vấn đề nóng bỏng toàn cầu; mấy hôm sau đến thăm Cuba anh em, Chủ tịch nước đi ô tô gần 200 km về tỉnh Calimete, lội ruộng thăm những cánh đồng lúa của bạn.

Như trở về nhà

Từ New York tráng lệ bởi những tòa nhà chọc trời, sau ba giờ bay, chúng tôi đến “Cuba - Đảo lửa, đảo say”. Chuyên cơ đáp xuống sân bay Lahabana khi trời đã tối nhưng phía bạn ra đón Chủ tịch nước và đoàn rất đông, không khi ấm áp, thân tình. Các phóng viên của bạn còn tranh thủ phỏng vấn chớp nhoáng và Chủ tịch nước vui vẻ trả lời.

Lahabana là thế giới của xe hơi cổ, xì gà, nhịp sống khá chậm rãi và yên bình. Có dịp đi thăm một số nơi ở thủ đô, chúng tôi thấy bạn còn khá nhiều tòa nhà thấp tầng, nhiều cây xanh như ở Hà Nội những năm cuối thế kỷ trước. Cuba còn nghèo, nhưng người dân thân thiện, luôn nở nụ cười. Khi chúng tôi cùng Chủ tịch nước đến thăm trường Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Thắng và trường Bác Hồ, các em học sinh áo quần tinh tươm, khăn quàng đỏ thắm hô vang: “Việt Nam - Cuba! Cuba - Việt Nam!”. Thầy cô giáo, cùng học sinh ríu rít trò chuyện, quây quần chụp ảnh cùng Chủ tịch nước. Một em học sinh ở trường Bác Hồ còn đọc cho Chủ tịch nước nghe bài thơ ca ngợi công lao Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi tình bạn thủy chung, son sắt của nhân dân Việt Nam - Cuba, khiến ai cũng trào dâng cảm xúc.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào, Việt Nam mãi là người anh em chân thành, thủy chung của nhân dân Cuba. Việt Nam không bao giờ quên câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Fidel “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng máu của mình”.

Chủ tịch nước 

Trương Tấn Sang

Trong buổi Chủ tịch nước gặp mặt, nói chuyện với các bạn bè Cuba từng công tác tại Việt Nam, ông Ricardo Cabrisaz, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, ông Fredesman Turro nguyên đại sứ Cuba tại Việt Nam nhấn mạnh, tình hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Cuba được Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Fidel Castro gây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, xuất phát từ quá trình đấu tranh giành độc lập của hai dân tộc, là một tài sản quý báu.

Nhà báo kỳ cựu Marta Rojas, nguyên Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, kể: “50 năm trước đặt chân tới Việt Nam, tôi là nhà báo, tham gia hội hữu nghị đoàn kết Cuba - Việt Nam. Tôi cũng rất may mắn là nhà báo cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người đi xa, may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Việt Nam là kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời và tôi luôn mang những hình ảnh đẹp đó trong tim mình”. Đồng cảm với nhà báo Marta Rojas, chúng tôi hiểu rằng vì sao có một Cuba kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, sóng gió, không chịu khuất phục cường quyền trong suốt hơn 50 năm qua.

Xúc động được gặp lại những người anh em Cuba đúng dịp hai nước kỷ niệm 55 thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết “đây là một chuyến thăm đặc biệt, như trở về nhà của mình”. Việt Nam luôn trân trọng sự giúp đỡ quý báu của bạn bè, đồng chí, nhân dân Cuba trong suốt hơn 5 thập kỷ qua, nhất là những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào, Việt Nam mãi là người anh em chân thành, thủy chung của nhân dân Cuba. Việt Nam không bao giờ quên câu nói nổi tiếng của lãnh tụ Fidel “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng máu của mình”.

Bữa ấy, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước những thành tựu to lớn mà nhân dân Cuba đạt được trong quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế và trên mặt trận đối ngoại. Sự kiện Cuba và Mỹ tái lập quan hệ ngoại giao là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh kiên định của nhân dân Cuba trong hơn 50 năm qua. Chắc chắn Cuba sẽ tiếp tục giành được những thắng lợi mới trên con đường phát triển. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Cuba về những thành tựu đổi mới của mình.

Lội ruộng mới biết người dân làm thế nào

Những cánh đồng lúa ở tỉnh Calimete chính là kết quả của sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Việt Nam nhằm giúp Cuba tự chủ về nguồn cung cấp lúa gạo từ nhiều năm qua. Nhờ đó, Cuba đã xây dựng được những cánh đồng trồng lúa quy mô lớn, thẳng cánh cò bay. Bạn đã giảm dần lượng gạo nhập hàng năm từ  400.000 - 450.000 tấn/năm trong giai đoạn 2005 - 2011 xuống còn mức 300.000 tấn/năm từ 2012 đến nay. Đi thăm dự án phát triển lúa gạo Calimete, Chủ tịch nước đánh giá cao ý nghĩa dự án hợp tác sản xuất lúa gạo giữa hai nước tại Calimete nói riêng và Cuba nói chung. Đây là dự án thí điểm về hợp tác phát triển cây trồng có hạt, một hình mẫu hiệu quả cần được nhân rộng. Chính phủ hai nước sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án này tiếp tục phát triển, đóng góp vào nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực của Cuba.

Chính trong ngày cuối cùng trước khi ra sân bay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã quyết định đi thăm tỉnh Calimete. Vượt gần 200 km từ Lahabana tới tỉnh Calimete, nghe chuyên gia của hai bên báo cáo về kết quả dự án lúa gạo, Chủ tịch nước đề nghị được trực tiếp đi thăm đồng ruộng. Đoàn xe chạy thẳng từ trụ sở dự án ra những cánh đồng lớn trên con đường trải nhựa, dẫn đến mép ruộng.

Cánh đồng lúa xanh mướt trải dài ngút mắt, có gì đó rất giống với cánh đồng quen thuộc  quê nhà. Xa xa có những đàn cò trắng đang bay về. Xuống xe, Chủ tịch nước dừng chân ở một thửa ruộng, quan sát, hỏi han người nông dân về công việc đồng áng. Anh nông dân đội chiếc mũ cao bồi cười hiền lành cho biết, làm ruộng là nghề mới ở quê anh. Mấy anh em anh đều tham gia dự án trồng lúa. Lúc đầu bỡ ngỡ nhưng được hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, giờ đã quen rồi.

Chủ tịch nước trò chuyện khá lâu với anh nông dân. Mải tác nghiệp chúng tôi không biết vị Chủ tịch và anh trao đổi thêm những gì, nhưng trên khuôn mặt hai người luôn nở những nụ cười sáng. Chủ tịch nước bắt tay anh nông dân rất chặt, hai người chụp ảnh chung cùng đoàn rồi chia tay.

Chủ tịch nước lội ruộng cùng nông dân Cuba ảnh 1

Chủ tịch nước nói chuyện với nông dân Cuba.

Dịp vào phỏng vấn Chủ tịch nước cho số báo tết năm nay, có phóng viên hỏi vì sao hôm đó ông lại chọn đi thăm cánh đồng lúa, Chủ tịch nước nói: Trong chiến tranh, khi mình còn khó khăn, Cuba đã giúp mình hết lòng. Bây giờ chúng ta giúp bạn thì phải giúp ở chỗ khó khăn nhất. Cuba đang rất thiếu thốn về lương thực, mình phải giúp bạn trồng lúa, đảm bảo đủ lương thực, hạn chế nhập khẩu. Mình là nước trồng lúa có kinh nghiệm, muốn giúp bạn trồng lúa, mình phải lội ruộng để xem người nông dân họ làm ăn như thế nào.

Chủ tịch nước kể rằng, hồi trẻ ông từng có thời gian hơn 4 năm làm Giám đốc Nông trường Phạm Văn Hai. Ấy là vào năm 1979, đang là Phó trưởng ban Xây dựng kinh tế mới TPHCM, ông được điều về làm Giám đốc Nông trường ở huyện Bình Chánh. Nông trường thua lỗ triền miên, đời sống công nhân khó khăn, vậy mà giám đốc Tư Sang khi đó ở tuổi 30, bằng nhiệt huyết cách mạng, kiến thức khoa học đã giúp nông trường vực dậy. Thì ra, việc ông Tư Sang lội ruộng cùng nông dân Cuba không lạ với người lãnh đạo đã từng có thời gian làm giám đốc một nông trường. Dù ở cương vị cao nhất là Chủ tịch nước, khi đến thăm những người nông dân Cuba, ông sẵn sàng bỏ qua mọi nghi thức ngoại giao, lội xuống ruộng cùng với họ. Một vị lãnh đạo như thế, sẽ không bao giờ cho phép mình đứng trên dân, xa dân.

Tặng phẩm của Chủ tịch nước

Hầu như lần nào trên đường trở về, Chủ tịch nước cũng đi từ khoang VIP xuống  cuối chuyên cơ hỏi thăm anh em phóng viên tác nghiệp có vất vả không? Chúng tôi ai nấy quên hết mệt nhọc đứng dậy chào ông, có người còn tranh thủ chụp ảnh cùng ông về khoe bạn bè. Sự động viên ấy của ông tuy nhỏ nhưng khiến chúng tôi ấm lòng.

Bữa gặp mặt tại nhà riêng ở phố Phan Đình Phùng vừa rồi, khi chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tự tay mình xách xuống nhà ăn một chai rượu ngâm thuốc để đãi anh em. Cuối buổi, ông tặng cho các nhà báo mỗi người một món quà kỷ niệm. Ông nói vui rằng, không nên gọi quà tặng mà đây là tặng phẩm của Chủ tịch nước. Có lẽ từ quà tặng bây giờ nghe nhạy cảm nên vị Chủ tịch đã công du khắp 5 châu cũng phải e dè?...

Món quà đó là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền một bông sen hồng, gắn trên gỗ. “Tặng các nhà báo chân dung Bác để nhắc nhở các đồng chí rằng Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân. Và chúng cháu hôm nay cũng đang tiếp bước, hành quân theo con đường của Bác”. Trao tận tay các nhà báo món quà ấy, ông Tư Sang bắt tay rất chặt từng người, trước khi chúng tôi chào ông ra về.

+ Tình cảm chân thành, dấu ấn khó quên - Kỳ 1: Chuyến công du đặc biệt tới Đức của Chủ tịch nước

+ Tình cảm chân thành, dấu ấn khó quên - Kỳ 3: Với anh Ba Dũng

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.