Chủ tịch thành phố Đà Nẵng: 'Sơn Trà là một phương trình'

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến Sơn Trà. Ảnh Nguyễn Thành
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến Sơn Trà. Ảnh Nguyễn Thành
TPO - Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ví von vấn đề Sơn Trà như một phương trình mà một bên là phát triển một bên là bảo tồn.

Sáng 27/6, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp báo 6 tháng đầu năm 2017. Buổi họp báo do ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì, với sự tham dự của hàng trăm phóng viên của các cơ quan báo chí.

Các vấn đề liên quan đến Sơn Trà là chủ đề nóng của buổi họp báo này. Mới nhất, ngày 26/6, hai nguyên Chủ tịch UBND Đà Nẵng là các ông Hồ Việt (giai đoạn 1989-1993) và ông Hoàng Tú (giai đoạn 1978-1989) xác nhận đã cùng nhiều cán bộ trung, cao cấp ký vào thư kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội đề nghị bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng - Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, lãnh đạo thành phố UBND thành phố chưa nhận được kiến nghị kể trên của hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng.

"Có lẽ 2 cựu lãnh đạo cho rằng việc này thuộc thẩm quyền của Trung ương cho nên gửi (kiến nghị) thẳng ra Trung ương sẽ nhanh hơn. Đây là nhận định của cá nhân tôi. Các đồng chí này, tôi cũng gặp mặt nhiều. Lần gặp mặt cán bộ nghỉ hưu chủ chốt gần đây, các đồng chí cũng có thời gian đóng góp ý kiến xây dựng thành phố nhưng không thấy đề cập đến vấn đề Sơn Trà. Các đồng chí đó có thể thiếu thông tin hoặc chưa tin lắm vào năng lực giải quyết của lãnh đạo Đà Nẵng nên mới gửi thẳng kiến nghị ra Trung ương” ông Thơ cho biết.

Ông Thơ cho biết, quan điểm của Đà Nẵng về vấn đề bán đảo Sơn Trà là phải tìm ra một sự cân bằng hợp lý và tích cực giữa vấn đề bảo tồn những giá trị về sinh thái về rừng, rừng đặc dụng, môi trường cảnh quan thiên nhiên hài hòa hợp lý với việc có thể khai thác bán đảo để phục vụ kinh tế xã hội.

Theo ông Thơ, vấn đề Sơn Trà như một phương trình mà một bên là phát triển một bên là bảo tồn. "Chúng ta gắn vào đó một hệ số X. Vấn đề hiện nay là đi tìm hệ hệ số X sao cho phù hợp nhất", ông Thơ nói.

Cũng theo ông Thơ, hiện Sơn Trà có tới 25 dự án trong đó có một số đã triển khai, một số đang và chưa triển khai. 18/25 dự án phát triển du lịch. Diện tích đất giao, thuê và giao để quản lý ở đây khoảng 1.400ha. Trong đó, đất giao khoảng 77 ha, đất thuê khoảng 800ha, còn lại là đất giao quản lý trồng rừng là khoảng 500 ha. Hầu hết các dự án đã hoàn thành thủ tục về đất đai. Phần đất giao, các chủ đầu tư đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, đã đóng tiền và lấy sổ đỏ từ 5 – 7 trước. Đất thuê cũng đã ký hợp đồng. Trừ phần đất giao quản lý, phần đất giao và thuế là khoảng 800ha.

Chủ tịch thành phố Đà Nẵng: 'Sơn Trà là một phương trình' ảnh 1

Hiện trạng 40 nền móng biệt thự khu nghỉ dưỡng biển Tiên Sa trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh Nguyễn Thành

Ông Thơ cho rằng, nếu từ đầu không có những dự án này thì việc giải bài toán Sơn Trà không quá khó. Nhưng hiện trạng bây giờ là "bài toán khó".

Hiện thành phố Đà Nẵng đang rà soát lại các dự án, cân nhắc, chọn lựa để ra một điểm cân bằng phù hợp theo hướng tích cực nhất.

“Trong quá trình thảo luận, quan điểm của lãnh đạo Đà Nẵng nghiêng về phía tăng cường bảo tồn, giữ gìn cho hệ sinh thái, nhưng cũng tính toán việc khai thác phát triển cho hợp lý” ông Thơ nói.

Ông Thơ cũng cho rằng, Đà Nẵng hiện đang rà soát Sơn Trà "nhưng rà soát rồi giải bài toán đó như thế nào nữa là một chuyện".

Theo ông Thơ, nếu dừng các dự án Đà Nẵng sẽ đối mặt với vấn đề kiện tụng. "Hồi xưa đất ở Sơn Trà hoang hóa, giá rẻ bây giờ là đắc địa. Nếu thu hồi phải tính toán đến bồi thường, phải bố trí lại, không hề đơn giản với số lượng đất đai như thế, đặc biệt là quy ra tiền.

Chúng tôi cũng đã thử nhẩm tính quỹ đất thành phố để bố trí cho người ta. Tính nát óc. Hàng trăm héc ta như thế mà phải khu vực đắc địa họ mới chịu. Đưa những dự án đó về bố trí nơi khác cũng phải giải phóng mặt bằng hoặc phải bồi thường theo giá thị trường…” ông Thơ cho biết.

Ông Thơ cũng khẳng định, quá trình rà soát tính toán sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà chuyên môn. "Chúng tôi cam đoan rằng, không để những yếu tố kinh tế lấn át, làm phương hại đến những giá trị tự nhiên, cảnh quan môi trường, của những gì đặc sắc của bán đảo Sơn Trà. Đảng bộ chính quyền Đà Nẵng nhận thức rất rõ tầm quan trọng của Sơn Trà. Khi tiến hành xử lý những vụ việc như này cần có thời gian, cần giải bài toàn tìm lối ra. Bởi dự án người ta đã bỏ cả ngàn tỷ để triển khai. Nếu không cho triển khai thì phải giải quyết vấn đề thiệt hại cho họ. Đụng đến vấn đề pháp lý không hề đơn giản. Chúng tôi phải cân đối, tính toán. Khi xong xuôi rồi sẽ đưa ra thảo luận trong tập thể ban thường vụ. Sau đó sẽ có kết luận và sẽ trở thành kiến nghị đề xuất cụ thể."

Liên quan đến 40 nền móng biệt thự khu nghỉ dưỡng biển Tiên Sa ở bán đảo Sơn Trà, ông Thơ cho biết: Mùa mưa đang tới, nguy sạt lở làm hỏng cả khu vực núi rất cao. Nhà đầu tư có đề nghị cho họ có những biện pháp để khắc phục giữ nguyên, cho xây kè chống sạt lở. Việc này là phù hợp nhưng Thủ tướng đang chỉ đạo rà soát mà cho xây dựng thêm, dù xây để bảo vệ cũng cần có ý kiến chỉ đạo.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng băn khoăn với câu hỏi: Ai bỏ tiền ra xây kè? Bởi nếu doanh nghiệp bỏ tiền, sau này họ bảo có công thì phải cho họ tiếp tục dự án. Thành phố bỏ tiền ra làm lại vô lý vì đất thành phố đã cấp sổ đỏ cho chủ đầu tư, quyền sử dụng đất là của họ. Thành phố không thể bỏ tiền xây dựng trên đất của họ.

"Số tiền không nhiều nhưng nhạy cảm. Hiện có hai phương án: Thành phố sẽ bỏ ra, sau này thế nào thì chủ đầu tư cũng phải hoàn trả lại cho thành phố. Hoặc doanh nghiệp bỏ tiền ra làm nhưng cam kết làm kè chỉ để giữ không cho sạt lở, không làm gì khác hết", ông Thơ cho biết.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.