Chủ trạm BOT QL5 đề nghị công an làm rõ tài xế gây 'mưa' tiền lẻ

Để tránh "mưa" tiền lẻ tiếp tục diễn ra, VIDIFI đã đề nghị Bộ Công vào cuộc, hỗ trợ. Ảnh: NĐT
Để tránh "mưa" tiền lẻ tiếp tục diễn ra, VIDIFI đã đề nghị Bộ Công vào cuộc, hỗ trợ. Ảnh: NĐT
TPO - Trước tình trạng tài xế ô tô dùng tiền lẻ trả phí gây ùn tắc kéo dài tại trạm thu phí số 1 QL5, chiều nay Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - chủ quản các trạm thu phí QL5 đã có văn bản gửi cơ quan chức năng, trong đó có một số cơ quan báo chí thông báo về sự việc.

Phí QL5 là tiền nhà nước đầu tư vào cao tốc

Văn bản số 170906 do lãnh đạo VIDIFI ký cho rằng, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1621/QĐ-TTg giao VIDIFI chủ trì đầu tư xây dựng Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức BOT không vì mục tiêu lợi nhuận. Theo đó, cùng với thực hiện dự án, VIDIFI được giao quyền thu phí QL5 từ năm 2009 cho đến hết thời gian BOT (28 năm, 8 tháng - PV). “Việc giao VIDIFI quyền quản lý thu phí 2 trạm QL5 thực chất là một khoản vốn góp của Nhà nước vào Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Ngoài ra, tại Quyết định 746 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ còn nêu rõ, Nhà nước còn hỗ trợ trực tiếp vào dự án khoảng 29% tổng mức đầu tư, trong đó hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng trên 4.000 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bao gồm hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp (thu phí QL5, chi phí GPMB,…) và hình thức BOT (thu phí cao tốc, quảng cáo, dịch vụ trên cao tốc…). Việc dư luận cho rằng “BOT một đường nhưng thu phí một đường khác” là phiến diện, chưa chính xác và dễ gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, thực tế nguồn thu phí QL5 từ năm 2009 đến nay chủ yếu để thực hiện quản lý, duy tu và sửa chữa cho chính QL5, chưa hỗ trợ được cho dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo quy định.

Tuy nhiên, ngày 27/8 vừa qua, trên mạng xã hội đưa video có một ô tô 4 chỗ sử dụng tiền lẻ qua Trạm thu phí số 1 - QL5 (địa phận xã Lạc Hồng – Văn Lâm – Hưng Yên). Sau đó có một số đối tượng kêu gọi, kích động tiêu cực về thu phí QL5 trên các trang mạng xã hội. Tiếp tục vào hồi 15h50 ngày 4/9, có khoảng 30 xe ô tô (trong đó có khoảng 15 xe của một doanh nghiệp) đã sử dụng tiền lẻ mệnh giá 500 đồng để trả phí khi đi qua trạm thu phí số 1 theo chiều Hải Phòng - Hà Nội. Tiếp đến, vào chiều ngày 5/9 lại có một số lái xe đi chậm và dàn hàng ngang từ ngã tư khu công nghiệp Phố Nối – QL5 để gây ùn tắc giao thông trước trạm thu phí, sau đó sử dụng tiền lẻ trả phí. Tuy nhiên, do có sự tích cực hướng dẫn giao thông, đảm bảo trật tự của Công an tỉnh Hưng Yên, Công an huyện Văn Lâm và VIDIFI tổ chức bán vé hợp lý nên đã không để xảy ra ùn tắc và mất an ninh trật tự tại Trạm.

Đề nghị công an làm rõ tài xế gây “mưa” tiền lẻ

Trong thời gian qua, đặc biệt là trong hai ngày 4, 5/9, VIDIFI đã nhận được sự quan tâm, đảm bảo an ninh đặc biệt của Công an các tỉnh, thành phố nơi đặt các trạm thu phí trên QL5. Cùng với đó, các vấn đề nói trên đã được VIDIFI báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để có ý kiến chỉ đạo. Những ý kiến phản ánh về bất cập thu phí hở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ của người dân xung quanh trạm đang được Bộ GTVT chỉ đạo nghiên cứu áp dụng chung tại các trạm thu phí trên toàn quốc.

Chủ trạm BOT QL5 đề nghị công an làm rõ tài xế gây 'mưa' tiền lẻ ảnh 1 Tài xế và người dân quây trạm thu phí trên QL5 trong các ngày vừa qua.

Hiện nay, với sự lan truyền rất nhanh thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin bình luận mang tính tiêu cực vào thời điểm dư luận xã hội đang quan tâm và có nhiều ý kiến về các dự án BOT giao thông khác, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tại các trạm thu phí trên QL5. Trước thực trạng trên và còn có thể tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai trạm thu phí QL5, VIDIFI đã có văn bản báo cáo và đề nghị Tổng cục An ninh và Công an các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, điều tra làm rõ hành vi nêu trên của cá nhân, tập thể và có biện pháp ngăn chặn để đảm bảo an ninh trật tự và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, trong các ngày 4 và 5/9, nhiều tài xế ô tô cho rằng, QL5 (Hà Nội – Hải Phòng) là tuyến đường được xây dựng bằng ngân sách Nhà nước và đã đi vào hoạt động hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, từ tháng 12/2016, sau khi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thông xe, VIDIFI đã lập 2 trạm thu phí BOT trên QL5 (trạm 1 tại Văn Lâm, trạm 2 tại Hải Phòng) để thu phí hoàn vốn dự án. Với mức phí 40.000 đồng/lượt ô tô dưới 12 chỗ và 180.000 đồng/lượt với xe tải lớn, nhiều tài xế cho rằng, so với mức phí 10.000 đồng/lượt được trạm nhà nước thu trước đó, các trạm thu phí BOT của VIDIFI đã thu cao vượt gấp 4 lần. Vì những lý do trên, trong 3 ngày qua, một số tài xế đã dùng tiền lẻ qua trạm để phản ứng, cùng với đó yêu cầu nhà đầu tư làm đường ở đâu thì thu phí BOT ở đó.

MỚI - NÓNG