Hàng nghìn lao động hợp đồng làm thay công chức:

Chưa loại được công chức yếu kém?

Xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển vào công chức Cục thuế Hà Nội. Ảnh: Minh Tuấn
Xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển vào công chức Cục thuế Hà Nội. Ảnh: Minh Tuấn
TP - Mấy ngày gần đây dư luận đang đặc biệt quan tâm chuyện hàng nghìn lao động hợp đồng làm việc trong cơ quan hành chính, sự nghiệp Hà Nội. 

Khối lượng công việc ngày càng tăng


Giải thích về tình trạng nhiều cơ quan hành chính, sự nghiệp của Hà Nội phải sử dụng lao động hợp đồng, ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng với tốc độ đô thị hóa như Hà Nội hiện nay, khối lượng công việc riêng mảng về quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng phải gấp hàng chục lần so với công việc của một tỉnh khác. 

Hàng ngàn dự án đầu tư triển khai mỗi năm. Ngay cả một số huyện ngoại thành, vốn đầu tư trước đây chỉ vài chục tỷ đồng một năm thì nay đã tăng lên hàng ngàn tỷ đồng. Cán bộ nhiều cơ quan, sở ngành phải làm cả ngoài giờ, làm thứ Bảy, Chủ nhật. 

Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa xã hội (HĐND TP Hà Nội) cho biết, nguyên nhân số lao động hợp đồng trong cơ quan hành chính, sự nghiệp nhiều vì biên chế tuyển không đủ vì số lượng trúng tuyển qua các kỳ thi luôn thấp hơn so với tổng biên chế được giao. 

Ngoài ra, thường niên một bộ phận cán bộ nghỉ hưu, chuyển công tác và một số nguyên nhân khác cũng dẫn đến thiếu hụt, biến động. “Nhiều khi đủ biên chế tháng này nhưng đến tháng sau lại thiếu”, bà Thùy nói. Trong khi đó cũng theo bà Thùy, để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan phải tuyển thêm theo hình thức ký hợp đồng. 

Nhân viên ký hợp đồng không phải là người thay mặt công chức thực thi nhiệm vụ mà chỉ giải quyết một số công việc có tính chất phụ giúp, ít quan trọng. 

Với những trường hợp ký hợp đồng quá lâu, có thể do người đó có kỹ năng tốt, cơ quan vẫn thiếu người thì phải sử dụng nếu không lại phải tuyển người mới vào để đào tạo lại. Theo quy định có vị trí phải tuyển công chức nhưng thực tế thì chỉ cần sử dụng lao động hợp đồng.

“Trong bộ máy hành chính thực tế không phải tất cả mọi việc đều cần người tốt nghiệp đại học hoặc phải là công chức. Ví dụ như bộ phận văn thư, lưu trữ, lái xe, bảo vệ… Sở Nội vụ cho hay, tiền trả công người lao động hợp đồng được trích từ quỹ khoán chi hành chính của cơ quan. Tức là không phát sinh chi phí thêm với ngân sách.

Thanh lọc công chức yếu kém: bó tay!

Một nguyên nhân dẫn đến phải tuyển thêm lao động hợp đồng do có một bộ phận cán bộ, công chức năng lực kém, hiệu quả làm việc rất thấp nhưng vẫn không có cơ chế thanh lọc, loại bỏ và dẫn đến thực trạng nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu thì vẫn thiếu. 

Giám sát tại Sở Công Thương Hà Nội vào sáng 22/8 cho thấy, một bộ phận công chức tuổi cao, năng lực làm việc yếu nhưng lại thiếu cơ chế thanh lọc, sắp xếp công việc khác. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách với cán bộ, công chức có độ tuổi cao nhưng năng lực kém.

Ông Lê Văn Hoạt - Phó Chủ tịch HĐND TP đề nghị dứt khoát phải có lộ trình giải quyết với lao động hợp đồng chứ không thể kéo dài mãi. Bên cạnh đó phải sớm tiến hành cắt giảm những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc. “Quy định là công chức nếu 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải cho nghỉ nhưng thực tế làm chưa được bao nhiêu”, ông Hoạt nhận xét.

Các cơ quan hành chính, sự nghiệp của Hà Nội hiện có 11.571 lao động hợp đồng. Trong đó có 1.128 lao động làm việc trong cơ quan hành chính, 10.443 lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp. Một số quận, huyện tuyển lao động hợp đồng vượt chỉ tiêu gồm: Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ…

MỚI - NÓNG