Chưa mở hết thị trường phân phối khi mới vào WTO

Chưa mở hết thị trường phân phối khi mới vào WTO
TP -  Trao đổi với PV Tiềnphong, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Thương mại) PGS TS Hoàng Thọ Xuân cho biết: Chưa mở hết thị trường phân phối thời kỳ mới vào WTO
Chưa mở hết thị trường phân phối khi mới vào WTO ảnh 1
PGS-TS Hoàng Thọ Xuân

Thưa TS, ông nhận định thế nào về sự phát triển của thị trường bán lẻ trong nước sau khi VN được xếp thứ 3 thế giới về mức độ hấp dẫn?

Trước tiên, cần khẳng định việc thế giới đánh giá Việt Nam có thị trường bán lẻ hấp dẫn thứ 3 thế giới là có sức thuyết phục. Sức tiêu dùng của người dân, đặc biệt là giới trẻ, xu hướng tiêu dùng của họ là mua hàng mẫu mã đẹp, chất lượng cao, được phục vụ bởi phương thức mới…

Người Việt Nam sử dụng 70% thu nhập của mình để tiêu dùng. Bên cạnh đó, mức thu nhập của họ lại đang tăng nên sức mua sẽ rất lớn.

Việt Nam nên xử lý lợi thế này thế nào trước xu hướng các nhà phân phối nước ngoài đang tràn vào và các đối tác trong  đàm phán  WTO đang đòi VN mở cửa  nhiều hơn?

Thị trường hàng hoá và dịch vụ (trong đó có phân phối) của Việt Nam trong sân chơi chung WTO đúng là chiếc bánh hấp dẫn, nhưng DN Việt không thể “xơi” cả. Khi thương nhân nước ngoài vào thị trường Việt Nam thì phải cho họ quyền phân phối..

Tới đây người tiêu dùng Việt Nam không những được mua sắm tại Metro, Big C,… mà còn có nhiều hãng phân phối lớn, cung cách phục vụ hiện đại hơn xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiệm vụ của thương mại là phải phát triển cho được các nhà phân phối trong nước làm nòng cốt.

Để làm được điều này, chúng tôi đang chuẩn bị đưa ra một kịch bản về mở cửa phân phối, nhằm thúc đẩy thị trường bán lẻ trong nước phát triển. Bộ Thương mại đang rà soát, tổng hợp những vấn đề nóng bỏng về phát triển thị trường hàng hoá, dịch vụ ngay khi gia nhập WTO.

Chắc chắn sẽ có quy định cụ thể trong dịch vụ như: Khuyến khích mở dịch vụ nào, hạn chế dịch vụ nào; cho phép DN nước ngoài vào địa bàn nào trước, tỉnh nào sau; hàng hoá nào kinh doanh thoải mái, hàng hoá nào phải có điều kiện kèm theo mới bán được ở Việt Nam…

Chúng ta không mở toang cửa ngay và cũng không thể đặt quy định trái với cam kết.

Bộ vừa trình Chính phủ “Chiến lược phát triển thị trường trong nước”, chủ trương ưu tiên cho DN phân phối trong nước, song thực tế họ vẫn bị phân biệt đối xử.  Vì sao có thực trạng này, thưa ông?

Đúng là hiện nay có một thực tế bất bình đẳng trong chính sách ưu đãi với nhà phân phối. Nhiều địa phương cho DN phân phối của nước ngoài đầu tư ở vị trí tốt, đẩy DN trong nước ra cánh đồng; tìm mọi cách giữ chân nhà đầu tư lớn, xem nhẹ nhà đầu tư tiềm lực kinh tế thấp.

Rồi nhiều nghịch lý rất tế nhị khác không thể nói được, nhưng theo tôi, đó là vấn đề của cuộc sống. Bộ Thương mại không thể bắt các tỉnh làm trái ý họ được.

Hiện, ở khắp các thành phố lớn có hàng nghìn cơ sở thương mại từ thời bao cấp đã chiếm vị trí đẹp, nhưng chỉ để cho thuê, khoán… Làm gì để họ phát triển thương mại đúng nghĩa?

Tôi từng cảnh báo, kiểu kinh doanh sống dở chết dở của hàng loạt cơ sở thương mại, bách hoá ở nhiều thành phố lớn đang làm tụt lùi văn minh thương mại của Việt Nam.

Tình trạng cho thuê, khoán cửa hàng cho các cá nhân kinh doanh không có chiến lược sẽ không thể tồn tại được khi hội nhập. Bộ Thương mại cũng đã có hướng dẫn các DN đang quản lý những cơ sở này cần phát triển chuỗi hàng hoá, thống nhất lối kinh doanh hiện đại theo chuỗi…

Nhưng đáng tiếc là thực tế này chưa có gì thay đổi. Chúng ta đang lãng phí rất lớn ưu thế của hàng nghìn vị trí kinh doanh đẹp này.

Q.Thành
(thực hiện)

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.