Chưa tìm thấy thực phẩm chứa dầu bẩn

TP - Sau một ngày đêm kiểm tra Cty TNHH TM DV Cửu Hương (số 31, đường số 7, phường 8, quận 11, TPHCM), nơi được xác nhận nhập khẩu 2 sản phẩm chứa dầu bẩn từ Đài Loan về Việt Nam, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM vẫn chưa tìm thấy. 

Chiều 16/9, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết, vẫn tiếp tục mở rộng kiểm tra trên phạm vi toàn thành phố.

Chiều 16/9, sau khi hoàn tất việc thanh kiểm tra đối với Cty Cửu Hương, bác sĩ Mai cho biết, tại thời điểm làm việc, giám đốc Cty (người Đài Loan đi vắng) nên thư ký làm đại diện. 

Chưa tìm thấy thực phẩm chứa dầu bẩn ảnh 1 Nhiều phóng viên không được vào bên trong trụ sở Cty Cửu Hương khi đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM đang làm việc với đại diện công ty này. Ảnh: Đức Anh

“Qua kiểm tra hành chính, Cty xuất trình đầy đủ các giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của nhiều sản phẩm hiện có tại công ty”, bác sĩ Mai nói. 

Đoàn đã kiểm tra các kho hàng, giấy tờ xuất - nhập từ đầu năm đến nay (do phía Cty cung cấp), nhưng không phát hiện 2 sản phẩm là dưa chuột trộn thịt heo đóng hộp loại 170g, số lượng 240 thùng (ngày sản xuất 1/5/2014, hạn sử dụng 1/5/2017) và xốt thịt cay đóng hộp loại 150g, số lượng 240 thùng (ngày sản xuất 31/5/2014, hạn sử dụng 31/5/2017) như phía Đài Loan thông báo với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. 

Như vậy, dù phía Đài Loan đã chính thức xác nhận về việc 2 sản phẩm có chứa dầu bẩn đã được nhập về Việt Nam, nhưng thực tế chưa tìm thấy, đồng nghĩa với việc hoặc là sản phẩm đã được đưa ra thị trường tiêu thụ hoặc bị cất giấu, qua mặt lực lượng chức năng.

Một cán bộ trong đoàn kiểm tra nhận định, có thể Cty Cửu Hương đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng sản phẩm chưa được nhập về Việt Nam. Theo bác sĩ Mai, khả năng Cty cất giấu dễ bị loại trừ vì khi sản phẩm bị nước sở tại ra quyết định thu hồi thì nơi cung cấp phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho phía nhập khẩu. 

Vì vậy, theo bác sĩ Mai, phía Cty nhập khẩu không có lý do gì để tẩu tán. Bà không loại trừ khả năng sản phẩm đã có mặt tại TPHCM và được phân phối ra thị trường. “Chúng tôi sẽ có công văn đề nghị Cục Hải quan rà soát để xác minh cụ thể những sản phẩm được phía Đài Loan công bố trên thực tế đã về Việt Nam hay chưa”, bác sĩ Mai nói. 

Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo y tế 24 quận, huyện khẩn trương rà soát để truy tìm 2 sản phẩm đã được công bố có chứa dầu bẩn. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị người dân gọi điện thoại đến Chi cục theo số 083.5040418 nếu phát hiện 2 sản phẩm chứa dầu bẩn trên.

BreadTalk ở Việt Nam nói không dùng dầu ăn Đài Loan

Chiều 16/9, trao đổi với PV Tiền Phong về nghi vấn nhập khẩu dầu bẩn Đài Loan để chế biến sản phẩm, bà Trần Uyên Vy, Giám đốc điều hành Cty CP Bình Minh Toàn Cầu, đơn vị quản lý BreadTalk tại Việt Nam, nói: Hiện tại, chúng tôi đang sử dụng dầu ăn hiệu Hướng Dương Simply và Cái Lân của Việt Nam, hoàn toàn không sử dụng dầu ăn của Đài Loan”.

Theo vị đại diện BreadTalk tại Việt Nam BreadTalk ký kết với các đối tác nhận quyền khác nhau, tại Hong Kong, đối tác nhận quyền của BreadTalk là BreadTalk Concept Hong Kong và tại Việt Nam, đối tác nhận quyền của BreadTalk là Cty Bình Minh Toàn Cầu.

Theo đại diện BreadTalk tại Việt Nam, việc đối tác nhận quyền tại Hong Kong bị đưa vào danh sách sử dụng dầu bẩn của Cty Chang Guann, không đồng nghĩa với việc bất kỳ thị trường nào khác ngoài Hong Kong có sử dụng nguyên liệu bẩn.

Hai sản phẩm chứa dầu ăn bẩn chưa được công bố chất lượng 

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 16/9, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ông Trần Quang Trung, cho hay, 2 sản phẩm được thông báo chế biến từ dầu ăn bẩn chưa được công bố chất lượng sản phẩm tại Việt Nam. 

Cty Cửu Hương khẳng định không nhập bất cứ mặt hàng nào có tên Dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộpSốt thịt cay đóng hộp của Cty Hữu hạn Công nghiệp cổ phần thực phẩm Wei Chuan (Đài Loan). Ông Trung hy vọng đây chỉ là sự nhầm lẫn hoặc mặt hàng được sản xuất trong tháng 5, nên có thể hàng đang trên tàu biển trên đường về Việt Nam. “Nếu trường hợp dự đoán của tôi đúng, khi mặt hàng cập cảng, sẽ bị thu hồi, xử lý”, ông Trung nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng, trong trường hợp sản phẩm được chế biến từ dầu bẩn đã bị tung ra thị trường, người tiêu dùng nào đã mua, sử dụng có thể kiện nhà sản xuất. Bởi trong trường hợp này, quyền lợi người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Nguyễn Hà

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".