Chuyện Dinh Độc Lập- Kỳ cuối: Vườn Dinh

Mặt tiền chếch mái Dinh Độc Lập
Mặt tiền chếch mái Dinh Độc Lập
TP - KTS Ngô Viết Thụ đã đặt toàn bộ hình khối đường nét Dinh Độc Lập vào một tổng thể cực kỳ hài hòa cây cối thảm thực vật sum suê hoành tráng của khuôn viên hơn trăm ngàn mét vuông. Và nữa, ông không trồng cây nào nhưng lại trồng cỏ. Bồn cỏ là một thảm xanh mướt mát 102 mét vuông ngay mặt tiền Dinh tạo cảm giác thư thái mát lành. Khoảng cỏ xanh quý giá và hợp lý ấy nghe đâu cũng chính là cái bình phong trấn trạch?  

Điều vô cùng tối kỵ trong phong thủy phương Đông là trong việc xây cất có con đường đâm thẳng vào nhà?  Quả là đại lộ Norodom (đường Thống Nhất bây giờ) hướng đường chiếu thẳng vô Dinh Độc Lập. Để hóa giải điều kỵ này, KTS Ngô Viết Thụ đã bố trí một bồn cỏ hình bầu dục xanh ấy cùng hệ thống đài phun nước. Khách vô Dinh phải rẽ về 2 phía cánh gà là như vậy. Mà hình như phương Tây cũng chuộng cùng kỵ khoản này?  Cung cách hóa giải của KTS Ngô Viết Thụ ở Dinh Độc Lập cũng là hóa giải theo kiểu Tây là sử dụng thảm cỏ và đài phun nước?  Ấy là nhắc lại cho vui rằng nói zậy thì biết zậy bởi nếu cái Dinh Norodom Toàn quyền Pháp xây hình như đã phạm vô điều hung hiểm chi đó?  Bởi Nhật từng hất cẳng  Pháp, và Pháp phải bỏ Việt Nam mà về? Rồi Ngô Đình Diệm người ra lệnh xây Dinh Độc Lập trên nền Dinh Norodom ấy, có được ở ngày nào đâu mà Dinh cũng bị hòn tên mũi đạn rồi Ngô Tổng thống bị đảo chánh, bị giết?  Kiểu hóa giải phong thủy sau này của Dinh Độc Lập không cứu được nền Cộng hòa Đệ nhị của Tổng thống Thiệu?

Chuyện Dinh Độc Lập- Kỳ cuối: Vườn Dinh ảnh 1
Chuyện Dinh Độc Lập- Kỳ cuối: Vườn Dinh ảnh 2

Công nhân chăm sóc cây

Chuyện Dinh Độc Lập- Kỳ cuối: Vườn Dinh ảnh 3

 Xin trở lại cái vườn cây cổ thụ um tùm mướt mát xanh của Dinh Độc Lập. Giống thụ mộc trong số ngàn vạn cây trong vườn Dinh bây giờ đa số  được trồng tự khi nao? Theo Học giả Vương Hồng Sên (Vương Hồng Sển, Nửa đời còn lại. Nxb Tổng hợp thanh phố Hồ Chí Minh, tr. 26) vì dân chúng ngưỡng mộ và tôn thơ Tả quân Lê Văn Duyệt làm Thượng công, nên lấy đất và khu vườn cây thuộc lãnh vực chỗ ông ngồi ngự trị để đặt la Vươn Ông Thượng.  Nhưng nhà văn Sơn Nam đã rủ rỉ chắc nịch rằng sở dĩ có tên là Vườn Ông Thượng là để chỉ Toàn quyền Pháp Maurice Long.  Cụ Sển không chịu, cho là cái tên Vườn Ông Thương đã có từ trước khi Maurice Long qua Việt Nam. Ông ấy làm Toan quyền hai lượt: lần đầu tư 21/2/1920 đến 17/12/1920, lần thứ hai từ ngày 1/4/1921. Số đông dường như nghiêng về cái lý của cụ Sển!

Đất cùng Vườn Ông Thượng ấy thực chất là một khu rừng cây cối um tùm sum suê bao la gồm Dinh Độc Lập và  liền thửa với công viên Tao Đàn bây giờ. Chịu khó tỉ mẩn một buổi thôi thấy cái giống loài thụ mộc của thảm thực vật của Dinh Độc Lập và Tao Đàn nhìn bề ngoài ngó hao hao. Tỷ mẩn hơn ngó kỹ thì nhiều giống loài y chang!

Được dư dả thời giờ cùng thư thả sải bước thật chậm bên những thứ thụ mộc lâu năm trong vườn Dinh là cả một cái thú! Có những cội, cây lạ hoắc. Cái tên cũng lần đầu được nghe. Chủ vườn Dinh đã tỷ mẩn cẩn thận mỗi một cổ thụ gắn cho một tấm biển như thứ lý lịch trích ngang vậy. Chả hạn như cây Viết. Thuộc họ Viết (tất nhiên!) tên latinh mimusops. Mục phân bổ ghi vỏn vẹn 2 từ Đông Dương. Phần công dụng cho bóng mát. Rồi một thứ lạ nữa có tới 6 tán um tùm cả một góc vườn Dinh. Dưới gốc là một hệ thống rễ chồi lên cuồn cuộn ngổn ngang u mấu. Đó là cây Điệp phèo heo sau cái tên latinh dài dặc, có dòng mục phân bổ ghi Mỹ nhiệt đới, công dụng cây che mát có tán rộng. 

Rồi giống dầu con rái thân vút tăm tắp thấy có nhiều ở vùng Đồng Nai miền Đông hình như có tên gọi chệch là dầu rái?

Rồi giống sao đen cùng công dụng với dầu con rái, gỗ chắc cứng chịu được nước.

Kia là thứ gõ đỏ, giống này thấy lắm ơ rừng miền Đông, miền Trung nhiều nhất ở Quảng Bình. Sang rừng Nam, Trung Lào gặp luôn. Nhưng trong lý lịch cây chỉ ghi khiêm tốn ở mục phân bổ là Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Gỗ chắc, quý. Công dụng dùng làm gỗ mỹ nghệ.

Kia thứ sần sùi có tên lim xẹt được ghi là phân bổ khắp châu Á, công dụng che bóng mát. Còn giống sao đen phân bổ ở Đông Dương gỗ cứng chắc chịu dưới nước thuộc họ dầu...

Tóm lại tinh những giống cây phổ biến của đất rừng phương Nam, thổ nhưỡng phía Nam tịnh không gặp cái giống thường nhan nhản ở mạn Bắc như xà cừ, sấu… Có bằng lăng nhưng là thứ bằng lăng ổi thân vút thẳng tắp tán cây lơ lửng lưng trời với tàn lá nhỏ rậm rì. Thảng hoặc bắt gặp vài gốc ngọc lan nhưng cung cách bố trí khéo chừng như đủ để thoang thoảng thứ hương quý phái ấy cho góc nọ khoảng kia trong khu vườn Dinh?

Như thứ vô duyên tự dưng chuế mắt bởi gặp cái giống cau vua ngoài Bắc lẫn trong Nam lắm nhà vườn đang phải muốn tống khứ đi mà chưa được. Được ghi lý lịch phân bổ châu Mỹ nhiệt đới với công dụng cho bóng mát. Có lẽ nó lạc vào vườn Dinh sau 1975 hoặc muộn hơn?

Thi thoảng đủng đỉnh bên mình giống cu gáy  với vòng cườm điệu đà quanh cổ thon ngó gọn sang trọng chứ không phải thứ bồ câu ục ịch. Đâm giật cả mình trong không gian tĩnh lặng những cái loạt soạt đột ngột của giống sóc đầu nhỏ tí mang dáng chuột nhưng có bộ đuôi diêm dúa.

Chuyện Dinh Độc Lập- Kỳ cuối: Vườn Dinh ảnh 4 Vườn cây cổ thụ um tùm mướt mát xanh của Dinh Độc Lập
Chuyện Dinh Độc Lập- Kỳ cuối: Vườn Dinh ảnh 5
Chuyện Dinh Độc Lập- Kỳ cuối: Vườn Dinh ảnh 6 Photo: ..
Chuyện Dinh Độc Lập- Kỳ cuối: Vườn Dinh ảnh 7

Khẽ ướm lòng tay vào một thân bằng lăng ổi để chạnh nhớ diện tích hơn 10 ha cây xanh hạn hẹp khiêm tốn của Dinh này cũng phải chia đều cho đầu sân Sài Thành. Tạm tính những khoảng xanh mướt mát trong thành phố kín đặc người dường như đang sắp chớm cái nạn nhân mãn của những Đầm Sen, Văn Thánh, Kỳ Hòa Tao Đàn và cả vườn Dinh đây mới chỉ hơn trăm héc ta và cũng tạm chia, tạm phân bổ cho đầu người Sài Gòn thì mới tròm trèm một mét vuông xanh/người.  Thế mà năm 2000 một nghị quyết được ghi trong kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố cố gắng phấn đấu đến năm 2010 sẽ đạt  6-7 mét vuông cây xanh/người. Đủ biết, đủ thấy cái sinh thái xanh nó cần kíp câu thúc với người thành phố đến như thế nào? Trong vô vàn dự án làm ăn xôm tụ tiền bạc cho thành phố, hình như không có dự án nào đầu tư cho cây xanh? Nó vắng bặt thậm chí xa xỉ bởi cái sự sinh lời của những dự án đại loại vậy chẳng hấp dẫn với các nhà đầu tư?

Đẩy cái xe gom lá và rác với một chị công nhân quân số thuộc Công ty Công viên cây xanh một đoạn thấy như dài thêm câu chuyện… Hóa ra chị cùng quê Thanh Hóa theo chồng vào thành phố làm ăn 5 năm nay. Chị tên Hà, quê ở Hà Phú của huyện Hà Trung vùng đất lầy thụt khó làm ăn. Giọng chị rầu rầu cho biết những năm trước còn tạm mát mặt thu nhập các khoản của chị em đây cũng tròm trèm 9 triệu đồng/tháng. Đùng cái, sau vụ xì căng đan quỹ lương lãnh đạo hồi năm ngoái, công nhân bị vạ lây, bây giờ chị chỉ còn 5 triệu. Tiền ấy chi dùng sinh hoạt có 2 đứa con nhỏ đang đi học khá là vất!  Ngó thêm khu nhà trệt phía góc đường Huyền Trân Công Chúa - Nguyễn Thị Minh Khai, trước 1975 là khu sinh hoạt của đội cận vệ phi hành đoàn lái máy bay cho Nguyễn Văn Thiệu và bộ phận chăm sóc vườn cây. Hiện là bếp ăn tập thể của cán bộ công nhân viên Hội trường Thống Nhất.

Chợt bâng khuâng khi qua gốc Điệp phèo heo sau Dinh Độc Lập.  Chẵn 40 năm trước,  trưa 30/4, những người lính tăng Bắc Việt hốc hác bụi đầy người từng chẻ củi bắc bếp cạnh bồn nước lớn giữa sân cỏ trong Dinh và quanh bộ rễ của cây Điệp phèo heo này để nấu cơm. Cơm chín, cứ bát B52 mà vục thẳng xuống nồi quân dụng. Nhiều anh  bụng đói mà lòng cứ lâng lâng. Dân nhiều người túa vào xem Quân giải phóng. Mới đầu lạ lẫm nhưng dạn dần. Có một bà già còn mạnh bạo sờ mông một anh lính để coi có… đuôi như người ta nói không?

Khoảng 13h có chiếc xe jeep chở mấy “anh giải phóng” là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, các anh nói xe sẽ chạy liên tục ra Hà Nội cho kịp đưa tin, anh em nào quê ở miền Bắc thì viết thư, chúng tôi mang ra Bắc gửi bưu điện cho. Tôi cắt vội lấy mảnh giấy gói bộc phá ghi địa chỉ nhà gấp lại, mặt sau ghi: “Mặt trận thắng đến đâu. Con vào sâu đến đó… Dẫu chân đạp trăm đường. Con nhìn quê vẫn rõ…Chiến tranh là tàn khốc, đời diễn cảnh tang thương. Hẹn gì cùng non nước, là tuổi em ở trường…”.

 Lá thư viết tại Dinh Độc Lập, không tem, không có phong bì, sau này biết ở nhà vẫn nhận được. Ngủ lại một đêm trong khuôn viên của Dinh, khoảng 14h hôm sau, chúng tôi rút ra.

Tôi đã bắt gặp những dòng như thế trong tập hồi ký Dinh Độc Lập, những thời khắc không thể nào quên của các cựu binh Nguyễn Thái An - Bùi Xuân Vinh đại đội 8 Tiểu đoàn 3 Lữ đoàn 219 Quân đoàn 22  Nguyễn Hữu Cam Trung đội trưởng Trưởng xe 746 thuộc C3 D4 Lữ 203 Tăng thiết giáp QĐ 2.

Hình ảnh cuối lúc rời vườn Dinh là cái đình bát giác đường kính 4m ở phía trái đàng sau Dinh trên một gò đất cao, chung quanh không xây tường, mái ngói cong cổ kính. Trước 1975 giới kiến trúc luôn chê bai cái đình bởi kiểu kiến trúc hơi lạc lõng thậm chí vô dụng vì Tổng thống và quan khách không ai ra ngồi đó?

 Nhưng bây giờ hóa ra lại hạp? Bởi khách tham quan có mỏi cẳng thì có chỗ rất tiện ngồi nghỉ mệt.

Cũng có thể cây cối trong vườn Dinh Độc Lập được trồng vào thời điểm xây dinh Norodom? Người trần mắt thịt khó biết được tuổi cây đành đợi phán quyết của  người có trách nhiệm.

MỚI - NÓNG