Chuyên gia lo ngại dựng cầu cảng hồ Tây

Chuyên gia lo ngại dựng cầu cảng hồ Tây
TP - Nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng nếu không tính kỹ, việc lập cầu cảng sẽ phá hủy toàn bộ cảnh quan hồ Tây.

> Hồ Tây có cầu cảng

Mô hình cầu cảng được xây dựng trên hồ Tây Ảnh: T. Đảng
Mô hình cầu cảng được xây dựng trên hồ Tây. Ảnh: T. Đảng.

Cắm bê tông xuống lòng hồ

Theo hồ sơ thiết kế của Trung tâm Phát triển quỹ đất hạ tầng đô thị, quận Tây Hồ (chủ đầu tư dự án hạ tầng bến thủy nội địa hồ Tây) vừa trình các sở ngành của thành phố Hà Nội, cầu cảng sẽ được xây dựng trên tổng diện tích gần 2 ha mặt nước hồ Tây trên cơ sở sử dụng kết cấu cọc đài bê tông cốt thép.

Đồng thời để có ô cho tàu thuyền neo đậu, cọc đài cũng được xây dựng thành sàn nằm song song mặt nước tại khu vực đầm Bảy, phường Nhật Tân.

Các chuyên gia kiến trúc và xây dựng cho rằng, nếu xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép với quy mô như vậy cần phải nghiên cứu và lấy đầy đủ ý kiến của các cơ quan chức năng. Ngoài hiệu quả kinh kế cần phải có đánh giá nghiêm túc về mặt mỹ quan, môi trường. Danh sách các nhà nổi, nhà thuyền mà quận Tây Hồ nắm được là 10 chiếc, tuy nhiên con số thực tế lớn hơn nhiều.

Liệu các thuyền sẽ đi đâu và quận Tây Hồ có đảm bảo là sẽ dẹp hết các thuyền lậu trên hồ Tây sau tháng 12 tới? “Nếu quận Tây Hồ không dẹp được thì việc ngăn gần 2 ha mặt nước xây cầu cạn sẽ không hiệu quả, lúc đó có muốn thay đổi hoặc hủy dự án cũng không được”, ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội lo ngại.

Cũng theo ông Hanh, hồ Tây có tổng diện tích 500 ha, toàn bộ diện tích, cảnh quan xung quanh hồ đã được Chính phủ phê duyệt và lưu ý, không được tác động, làm thay đổi hình dáng, cảnh quan.

Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, cũng như hồ Hoàn Kiếm, xây dựng bất kỳ công trình nào trên hồ Tây cần phải thận trọng và xác lập được mối quan hệ giữa công trình với không gian, các di tích hiện có. “Hệ thống xả thải cần cụ thể hơn, đường dạo không thể là bãi để xe, đường đi cho các loại xe cơ giới như trong thiết kế”, ông Nghiêm nói.

Phải có ý kiến Chính phủ

Theo các chuyên gia, cùng hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây rất đặc biệt với Thủ đô Hà Nội, việc xây cầu cảng cần nghiên cứu kỹ nếu không muốn cảnh quan bị phá hủy. Chính phủ đã xếp 4 khu vực ở Thủ đô không được xâm phạm là Ba Đình, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ, hồ Tây. “Vì vậy mọi sự tác động làm thay đổi cảnh quan, kiến trúc như dự án xây cầu cảng trên hồ Tây cần phải có ý kiến Chính phủ”, ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

 
Chuyên gia lo ngại dựng cầu cảng hồ Tây ảnh 2

Cũng theo ông Nghiêm, tuy là khu vực bất khả xâm phạm, nhưng lâu nay việc xây dựng, phát triển các công trình cao tầng, đặc biệt các nhà nổi, thuyền nổi trên hồ Tây rất tùy tiện.

Ngay tại khu vực đang được quy hoạch để xây cầu cảng (đầm Bảy, phường Nhật Tân) có tới 3 nhà nổi hoạt động. Tương tự, hồ Tây khu vực phố Yên Phụ cũng có nhiều cầu cạn, nhà nổi hoạt động trước một số khách sạn, nhà hàng lớn.

Đặc biệt trước khách sạn Hanoi Club, có cây cầu cạn dài hàng chục mét vươn ra hồ Tây, mặt hồ bị phân ra nhiều ô và được đánh số thứ tự rõ ràng. Không chỉ bị bịt mà mặt hồ Tây ở đây trông nham nhở như một bãi chông do có quá nhiều cọc sắt, bê tông bên dưới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.