Chuyển học phí, viện phí sang cơ chế giá

Bệnh nhân chen nhau đóng viện phí ở Bệnh viện Nội tiết T.Ư. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Bệnh nhân chen nhau đóng viện phí ở Bệnh viện Nội tiết T.Ư. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Sáng 26/5, trình Quốc hội Dự án Luật Phí và lệ phí, Chính phủ đề xuất đưa viện phí, học phí ra khỏi danh mục phí để thực hiện theo cơ chế giá.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) lưu ý đây là các lĩnh vực tác động mạnh đến đời sống của mọi tầng lớp dân cư nên cần báo cáo rõ với Quốc hội về lộ trình, cơ chế quản lý và tác động xã hội đối với nội dung này.

Chuyển nhiều loại phí sang cơ chế giá

Để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cần thiết rà soát các khoản phí chuyển các khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ. Theo đó, chỉ các dịch vụ công liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước như: phí phòng dịch y tế, phí thẩm định cấp giấy phép hành nghề,... thì quy định thu phí. Với nguyên tắc này, Chính phủ tiếp tục rà soát và chuyển 19 khoản phí trong Danh mục sang thực hiện theo cơ chế giá.

Theo ông Dũng, việc chuyển các khoản phí này đã có tính đến sự phù hợp với quy định của pháp luật về giá để đảm bảo việc chuyển sang cơ chế giá không ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ này. Việc chuyển các khoản phí này cũng được phân thành hai loại là doanh nghiệp tự định giá, kê khai giá và Nhà nước định giá. “Các khoản phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá, gồm các khoản phí thu từ dịch vụ có ít đơn vị cung cấp hoặc dịch vụ dễ độc quyền, như: Phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án BOT; phí chợ; phí bến bãi; phí vệ sinh; phí thẩm định kết quả đấu thầu; phí sử dụng cảng, nhà ga... Như vậy, qua rà soát còn lại 36/73 khoản phí được quy định trong danh mục phí để đưa vào Luật Phí và lệ phí”, ông Dũng cho hay. Ngoài ra, Chính phủ đề xuất đưa viện phí, học phí ra khỏi danh mục phí để thực hiện theo cơ chế giá.

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc chuyển viện phí và học phí vào nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá là nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, ông Hiển lưu ý, đây là các lĩnh vực tác động mạnh đến đời sống của mọi tầng lớp dân cư, do vậy, đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ với Quốc hội về lộ trình, cơ chế quản lý và tác động xã hội đối với nội dung này.

Bỏ thu phí lòng đường, vỉa hè

Về một số khoản phí, lệ phí có số thu thấp, chi phí hành thu cao, không còn phù hợp, gây bức xúc cho người dân như phí sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè, phí giao thông đối với xe gắn máy..., Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có thể bãi bỏ một số nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí hành thu.

Ngoài ra, Ủy ban TCNS cũng đề nghị việc thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và xe gắn máy được quy định mức thu theo tỷ lệ khác nhau giữa các địa phương, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu, chưa bình đẳng về nghĩa vụ của công dân trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị cần quy định tỷ lệ thu về một mức đối với từng loại tài sản để đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này.

Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, lệ phí trước bạ ngoài mục đích xác nhận quyền sở hữu về tài sản của công dân còn là công cụ quản lý và điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước nhằm hạn chế số lượng ô tô, xe máy tại các thành phố và đô thị lớn, vì vậy, đề nghị giữ như quy định hiện hành.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.