Gần lắm Trường Sa

Chị Trang và chị Trang Thu, em dâu anh Tuấn thắp hương ở Tượng đài Cam Ranh
Chị Trang và chị Trang Thu, em dâu anh Tuấn thắp hương ở Tượng đài Cam Ranh
Chiều 13-6, một phụ nữ lặng lẽ đặt bó hoa cúc trắng trước tấm bia ghi tên liệt sĩ Võ Đình Tuấn ở Tượng đài Cam Ranh. Ngày 14-3-1988, trong khi bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại Trường Sa, anh Võ Đình Tuấn cùng 63 đồng đội đã nằm lại ở vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, mãi mãi ở tuổi hai mươi.

> Mong một lần ra Trường Sa thắp hương cho con

Chị Trang và chị Trang Thu, em dâu anh Tuấn thắp hương ở Tượng đài Cam Ranh
Chị Trang và chị Trang Thu, em dâu anh Tuấn thắp hương ở Tượng đài Cam Ranh.

Suốt mấy chục năm nay, chị Trang, người yêu của anh Tuấn muốn ra tận nơi anh đã hy sinh để thắp hương cho anh, “muốn thấy ngọn sóng nào đã cuốn Tuấn ra đi”. Ước nguyện chưa thành hiện thực, tượng đài Cam Ranh là nơi chị gửi gắm tình cảm của mình với người đã khuất.

Mươi năm trước Trường Sa là nơi thật xa xôi diệu vợi. Người mẹ nhớ con, vợ nhớ chồng, cô gái nhớ người yêu chỉ có thể gửi lòng mình qua những cánh thư. Mỗi lần thư đi về, mất vài tháng trời. Với việc phủ sóng điện thoại, internet ở Trường Sa, khoảng cách giữa đảo và đất liền dường như đã được thu ngắn lại.

Năm 2010, lần đầu tiên gần 160 thân nhân cán bộ, chiến sĩ Trường Sa được ra thăm chồng, con, người thân đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Năm nay, lại tiếp tục có những chuyến tàu đưa người ở hậu phương ra thăm tuyến đầu. Không chỉ qua thư, qua điện thoại, bây giờ những người vợ, người mẹ đã được trực tiếp ra cùng sống trên đảo, cùng trải nghiệm nắng gió Trường Sa với người thân. Trường Sa đã thật gần.

Nhưng với nhiều thân nhân liệt sĩ đã hy sinh ở Trường Sa, chị Trang và cụ ông Võ Ta, cụ bà Phan Thị Đay - cha mẹ của liệt sĩ Võ Đình Tuấn ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), Trường Sa luôn trong tim họ, chỉ chạm tay vào biển là họ như cảm nhận da thịt Trường Sa.

23 năm qua, họ canh cánh một nỗi niềm, một ước nguyện: Được một lần ra tận nơi máu thịt con trai họ đã hòa vào sóng nước Trường Sa. Chắc hẳn, đó cũng là ước nguyện của gia đình những người con đất Việt đã hy sinh ở Trường Sa.

Trong số ra ngày 22-5, báo Tiền Phong đăng bài về chuyện tình yêu của anh Võ Đình Tuấn, về ước nguyện của cha mẹ anh mong một lần ra Trường Sa thắp hương cho anh.

Đọc bài báo, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa nói: Đáp ứng ước nguyện của gia đình những người quên thân mình vì nước là việc rất nên làm. Một chuyến tàu cho thân nhân liệt sĩ ra Trường Sa thắp hương tại nơi các liệt sĩ hy sinh, đó là một nghĩa cử đúng tinh thần “Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG