Thêm cơ chế buộc … từ chức

Thêm cơ chế buộc … từ chức
TP - Một thông tin rất đáng mừng: Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đi đến nhất trí hàng năm sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ lãnh đạo cao cấp từ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước trở xuống. Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố công khai.

Theo đó, người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phải từ chức. Đây được coi là dấu ấn quan trọng cho thấy Nghị quyết 4 đã thực sự đi vào cuộc sống.

Bị miễn nhiệm khi mắc sai phạm nghiêm trọng là điều hiển nhiên. Nhưng còn từ chức, lâu nay vẫn quá lùng nhùng, và có vẻ “xa lạ” với cơ chế dân chủ tập trung ở ta. Nhớ lại, từ trước tới nay mới chỉ có vài ba trường hợp quan chức miễn cưỡng thực thi “văn hóa từ chức” sau khi mắc sai phạm, còn lại chẳng thấy ai động cựa.

Thực tế từ lâu, cơ chế pháp lý của việc từ chức đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể. Luật tổ chức Quốc hội ghi: “Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm, nếu vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thì có thể xin từ chức”. Theo Luật tổ chức Chính phủ, thì Thủ tướng có quyền trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức đối với các thành viên Chính phủ từ Phó Thủ tướng trở xuống.

Và cũng không phải đợi đến bây giờ, việc lấy phiếu tín nhiệm trước đó cũng đã được thể hiện tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội. Cụ thể: Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao…

Pháp lý quy định như vậy, nhưng lâu nay dường như ai nấy vẫn chỉ trông chờ vào “tòa án lương tâm”, lòng tự trọng của quan chức để tự viết đơn từ chức, điều trên thực tế rất hiếm khi xảy ra.

Nay thì không còn “nhẹ nhàng, ý tứ” nữa, việc lấy chỉ số tín nhiệm đã thực sự trở thành quy chế với quy trình chặt chẽ, công khai, áp dụng cho cả những chức vụ quan trọng nhất. Một bước tiến mạnh mẽ, kiên quyết, rõ ràng và sòng phẳng. Không còn “có thể xin từ chức” nữa, mà buộc phải từ chức.

Thiết nghĩ, không chỉ Quốc hội, mà ngay cả Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố cũng phải nhanh chóng thực hiện quy chế bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm với những chức vụ cao nhất tại địa phương. Để không còn cảnh quan chức sai phạm, mất uy tín nhưng vẫn có quyền “ôm ghế” hết nhiệm kỳ. Để công cuộc chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, lấy lại niềm tin của nhân dân thực sự đem lại kết quả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.