Tại sao?

Tại sao?
TP - Lịch sử 13 kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), kể từ kỳ tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, có lẽ chưa có trường hợp nào bị đề nghị bãi miễn tư cách đại biểu, vì lý do liên quan việc khai hồ sơ ứng cử không trung thực như bà Đặng Thị Hoàng Yến.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến
Bà Đặng Thị Hoàng Yến.
 

Theo quy định, để trở thành ĐBQH, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho tiếng nói của nhân dân, phải trải qua nhiều vòng “sát hạch” nghiêm ngặt của nhiều cơ quan Nhà nước.

Với kỳ bầu cử QH khoá XIII, đầu tiên phải trải qua 5 bước của Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Ở từng hội nghị hiệp thương, ngoài việc đưa ứng cử viên lấy tín nhiệm tại nơi cư trú và cơ quan công tác, thì từng ứng cử viên còn được Hội đồng bầu cử (bao gồm đại diện những cơ quan chủ chốt như Mặt trận Tổ quốc, Công an, Nội vụ... ) các cấp soi, thẩm định hồ sơ và đánh giá từng ứng viên rất kỹ, trước khi chốt danh sách ứng cử viên.

Chưa hết, đến khi trúng cử, còn phải trải qua khâu thẩm tra tư cách đại biểu. Và bà Đặng Hoàng Yến trở thành ĐBQH khoá XIII, từ chiều 21-7-2011, khi trưởng ban thẩm tra tư cách đại biểu khẳng định tất cả 500 người trúng cử vào QH khóa XIII đều đạt tiêu chuẩn.

Ngay sau đó, QH đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc xác nhận tư cách ĐBQH với tỉ lệ 99% đại biểu tán thành.

Đáng lưu ý, ngay hôm khai mạc kỳ họp đầu tiên của QH khoá XIII, báo Cựu Chiến Binh Việt Nam đăng bài viết, chỉ ra sự thiếu trung thực trong việc khai hồ sơ ứng cử và vi phạm quy định vận động bầu cử, khi bà Yến “chi tiền tỉ để lôi kéo và mua chuộc cử tri” ở 4 huyện của tỉnh Long An (nơi bà Yến ứng cử) dưới danh nghĩa tổ chức lễ “tri ân cán bộ lão thành cách mạng”, chi cho 1.300 đại biểu dự mỗi người 500.000 đồng....

Rất tiếc, những thông tin được đăng trên một tờ báo chính thống lại không được lưu tâm kịp thời.

Mãi đến 22-8-2011, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH, cả hai Ủy viên UB thường vụ QH là ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, phải lên tiếng, đề nghị “thẩm tra lại tư cách đại biểu của bà Yến. Chúng ta không nên đứng ngoài, không nên vô cảm với đại biểu đó, cũng không nên vô cảm với dư luận”. Sau đó, cơ quan chức năng mới vào cuộc, thẩm tra.

Qua bấy nhiêu khâu và quy trình, tại sao trường hợp bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn lọt? Đây quả là câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng nếu cơ quan chức năng không trả lời được, không làm rõ sai sót ở khâu nào, trách nhiệm của ai, thì ai dám chắc những khóa sau sẽ không lặp lại chuyện lùm xùm liên quan ĐBQH như chuyện của bà Yến.

Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, nơi cử tri ủy quyền để người đại biểu của mình nói lên tiếng nói của dân, thay mặt dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, mà lại để lọt những đại biểu không trung thực, thì dân còn biết tin ai?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG