Bộ trưởng vẫn nhớ?

Bộ trưởng vẫn nhớ?
TP - Xăng dầu bất ngờ dồn dập tăng giá, chỉ trong vòng hơn một tháng đã tăng tới hai lần, tăng tổng cộng tròn 3000 đồng/lít, vọt lên mức cao kỷ lục 23.800 đồng một lít xăng A92.

> Hệ lụy xăng tăng giá với người nghèo

Trong bối cảnh sản xuất đình trệ, đời sống kinh tế khó khăn như hiện nay, dư luận cho rằng động thái tăng giá xăng nói trên được ví như cú “nốc-ao” doanh nghiệp vốn đang thoi thóp. Với đông đảo người dân lao động làm công ăn lương, cú hạ “nốc - ao” doanh nghiệp đồng nghĩa với việc đẩy họ gia nhập đội quân thất nghiệp. Bác xe ôm thở dài, “trước đổ sáu bảy chục đã đầy phè, nay đưa nguyên tờ một trăm vẫn thấy sâu hun hút”.

Còn nhớ mới cách đây nửa năm, ngày 20-9-2011, tại một cuộc hội thảo về điều hành giá xăng dầu, báo chí cùng hàng chục triệu người dân cả nước thực sự ấn tượng trước phát biểu quyết liệt, thẳng thắn của tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Ông Huệ tuyên bố: “Hơn mười năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu.Vì vậy quan điểm điều hành của Bộ Tài chính sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân”.

Thậm chí khi đó, tân Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã không ngại ngần chỉ đích danh, đại ý: Doanh nghiệp nào có ý định rút khỏi thị trường vì lỗ hãy lên tiếng để Bộ Tài chính biết, ngay cả Petrolimex nếu không thể tham gia cũng có thể lập tổng công ty khác, doanh nghiệp đừng có dọa nhà nước.

Sau cuộc tranh luận nảy lửa hiếm thấy giữa quan chức hai bộ Tài Chính và Công Thương nói trên, TS Lê Đăng Doanh nhận định : “Đây là một tiến bộ, cho chúng ta hy vọng về một giai đoạn mới của chính sách điều hành thị trường xăng dầu Việt Nam trong thời gian tới”. TS Doanh cũng cho rằng, nếu minh bạch được mọi việc, từ điều hành chính sách đến việc kinh doanh của doanh nghiệp thì sẽ xóa bỏ được tình trạng lợi ích nhóm.

Ấy vậy mà, trong những đợt tăng giá dồn dập vừa qua, người tiêu dùng vẫn chưa thấy dấu ấn của “giai đoạn mới” đó ở chỗ nào. Vẫn điệp khúc cũ, doanh nghiệp kêu lỗ - liên bộ duyệt tăng. Song tình huống ngược lại, chả thấy khi nào doanh nghiệp khoe lãi để liên bộ duyệt giảm giá cho dân nhờ. Cơ cấu giá xăng dầu với ngót chục khoản chi phí cộng thêm vào giá gốc xem ra vẫn là một vùng mờ, tù mù và không hề minh bạch với người tiêu dùng. Thậm chí đi ngược lại diễn biến chung, giữa lúc giá thế giới giảm thì giá trong nước lại tăng.

Hy vọng là Bộ trưởng Vương Đình Huệ vẫn đã và đang “biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu” như ông từng tuyên bố hồi mới nhậm chức. Hy vọng quan điểm điều hành của Bộ Tài chính “không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân” vẫn đang tiếp tục được thực thi, vẫn luôn được Bộ trưởng Vương Đình Huệ và các cộng sự của ông ghi nhớ.

Với các mặt hàng thiết yếu và còn độc quyền như xăng dầu, vai trò giám sát doanh nghiệp để bảo vệ người tiêu dùng của nhà nước là hết sức cần thiết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.