Dạy trẻ thời nay

Dạy trẻ thời nay
TP - Một đồng nghiệp mới đây than thở: “Bây giờ sao dạy con khó quá”. Chẳng là anh có con gái đầu năm nay 12 tuổi. Cháu học hành tốt, có năng khiếu ngoại ngữ, viết lách.

> Gian nan với trẻ tự kỷ

Nhưng chuyện làm cả anh lẫn chị giật mình khi bỗng một hôm, có người giao hàng của một công ty mang đến mấy chiếc mũ mà cô bé đăng ký mua qua internet.

“Dù là tiền của cháu, nhưng nó còn quá nhỏ, chưa được phép tự tiện tiêu tiền, hơn nữa cháu có cả một lô mũ chưa xài. Và cái mình lo hơn, nói rộng ra là sự non nớt của con trẻ khi tham gia những hoạt động trên mạng chứ không phải vấn đề tiền bạc”, anh nói.

Hai vợ chồng đều là giảng viên, một đại học, một cao đẳng nên anh chị rất chú ý chuyện sinh hoạt, học hành của con cái. “Ấy thế mà lắm lúc còn tá hỏa vì những điều mình không ngờ tới”, anh nói.

Quả thật, con nít bây giờ “lớn” nhanh hơn thời trước nhiều và điều này thực ra cũng đúng với quy luật, khi xã hội ngày càng hiện đại, giàu có hơn.

Chuyện những đứa trẻ bốn, năm tuổi “nghịch” máy tính nhoay nhoáy, bé sáu, bảy tuổi đã biết chú ý đến bạn khác giới và thậm chí thể hiện tình cảm qua chat, qua tin nhắn điện thoại không còn là cá biệt.

“Em bà năm nay mấy tuổi rồi? À, em tôi hai tuổi. Còn em tôi mới một tuổi rưỡi”. Đó là ngôn từ của hai bé gái lên bảy mà tôi nghe lỏm được mới đây. Hai bé vừa chụm đầu đọc truyện cổ tích trên máy tính bảng iPad vừa nói những câu chuyện con nít nhưng hoàn toàn bằng ngôn ngữ người lớn.

Khi được ba mẹ cho đi tắm biển, thấy chúng tắm khá lâu mà chưa chịu thôi, tôi hỏi: “Con không thấy lạnh à”, một bé đáp liền “Nghĩ sao mà không lạnh”.

Bố cháu, vừa buồn cười, lại vừa ngượng vì câu nói rất “người lớn” nhưng có phần hỗn hào của cháu.

Những bé kể trên đều thuộc gia đình trí thức, bố mẹ luôn quan tâm tạo điều kiện cho con phát triển đồng thời sẵn sàng uốn nắn những việc bé làm sai. Nhưng không phải bé nào cũng được may mắn như thế.

Nhiều trường hợp, chính cha mẹ lại là tác nhân tập cho bé nhiễm những thói hư tật xấu như nói dối, thiếu trách nhiệm… Tôi từng chứng kiến một bé trai năm tuổi ở quận 10 TPHCM qua nhà bác ruột khi thì xin tiền làm sinh nhật, lúc xin tiền đóng học mẫu giáo, gợi ý mua cái này, cái kia.

Thậm chí có lúc còn giả vờ ốm để xin tiền. Sau tìm hiểu mới biết trước cháu chưa bao giờ làm thế. Nhà cũng khó khăn khi cha mẹ bất hòa, ly thân nên bác ruột vẫn thường xuyên chu cấp.

“Nhưng sau này mới biết, những gì cháu gợi ý mua hay xin tiền đều là do mẹ nó xúi thì tôi thất vọng và lo quá”, người bác của cháu nói. “Cứ xúi con nói dối như thế thì làm sao mà dạy con cho tốt được. Thằng bé rất thông minh, lanh lợi, nhưng bây giờ cứ hở ra là nói dối. Mà nó mới có năm tuổi”.

Mới đây, trên mạng rộ lên clip mẹ dạy con gái mới ba, bốn tuổi tập “tám” qua điện thoại di động với “chồng mới”, chửi “chồng cũ”.

Những tưởng chỉ là chuyện mạng miếc tầm phào, quay clip cho vui của một bà mẹ “rỗi việc”, ai dè chị này sẵn sàng đốp lại khi phóng viên liên lạc: “Tôi dạy con tôi thì ảnh hưởng gì tới chị? Sau này nó có hư thì tôi chịu, việc gì chị phải quan tâm?”.

Trẻ em ngày càng lớn nhanh hơn, khỏe mạnh hơn, khả năng nhận thức cũng tốt hơn. Nhưng không vì thế mà chuyện dạy trẻ đơn giản hơn nếu không muốn nói là ngược lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Anh Thạo bên mộc bản. Ảnh: Nguyễn Thắng
Kỳ nhân khắc mộc bản ở Bắc Ninh
TPO - Anh Nguyễn Văn Thạo (xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được xem là một kỳ nhân khắc mộc bản vùng đất Kinh Bắc. Nhiều năm qua, anh chuyên tâm với niềm đam mê khắc mộc bản, với mong muốn giữ lại những giá trị người xưa để lại.