Hụt hơi trên sân nhà

Hụt hơi trên sân nhà
TP - Cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk cho hay, ngay từ đầu năm 2012, tại “vương quốc cà phê Việt Nam” này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã thu mua trên 60% sản lượng cà phê của tỉnh.

> Cà phê Việt trước cơn bão FDI

Trong khi đó, tính cả quý I-2012, các doanh nghiệp thu mua cà phê xuất khẩu ở Đắk Lắk chỉ thu mua, xuất khẩu 82.000 tấn, giảm 38.000 tấn so với kế hoạch.

Đã có nhiều lời ta thán rằng nguy cơ mất thị trường cà phê, doanh nghiệp FDI “lũng đoạn” và tương lai sẽ chiếm lĩnh hoàn toàn vùng sản xuất cà phê nhân Việt Nam.

Một số lý do được đưa ra: Doanh nghiệp Việt Nam yếu kém về năng lực tài chính, phải chịu lãi suất ngân hàng cao; doanh nghiệp FDI có lợi thế về nguồn lực tài chính, thừa khả năng đè bẹp doanh nghiệp nội bất cứ lúc nào, doanh nghiệp FDI “tranh mua tranh bán”, lách luật…

Nhưng phải thẳng thắn mà nhìn nhận, bị dẫn bàn trên sân nhà trước tiên và quan trọng hơn cả là do “cầu thủ” của ta đá kém.

Bởi mấy lẽ: Các doanh nghiệp FDI không tự nhiên mà đổ xô đến Việt Nam đầu tư làm ăn nếu không có các loại “thảm đỏ” từ nước chủ nhà. Còn việc tiềm lực kinh tế của họ mạnh thì có lẽ không cần bàn cãi.

Một số bài báo kêu ca doanh nghiệp FDI đến Việt Nam chỉ để “đánh nhanh thắng nhanh” bằng hình thức đầu cơ cà phê hạt cũng không thực sự thỏa đáng, bởi đó là quyền của họ.

Trong khi đó, dùng chính sách ra sao để hướng doanh nghiệp FDI vào hoạt động sản xuất kinh doanh có lợi cho đôi bên và phục vụ sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam, một ngành xuất khẩu mũi nhọn, lại thuộc phận sự của chính quyền.

Trong kinh doanh, làm ăn không được nhưng ngồi kêu đối thủ “tranh mua, tranh bán” thì quả là lạ.

Hơn nữa, ngay cả những văn bản pháp luật, vốn được kỳ vọng là hành lang pháp lý hướng các doanh nghiệp nước ngoài đi đúng hướng mà ta muốn, cũng “đá nhau”: Nghị định 23/2007 của Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài kinh doanh cà phê tại VN, với điều kiện không trực tiếp thu mua nguyên liệu từ nông dân mà chỉ được đầu tư chế biến sâu. Tuy nhiên, Luật Đầu tư nước ngoài không cấm hành vi mua hàng trực tiếp.

Hơn nữa, nhìn lại “đội hình” của ta, ngay cả những đơn vị được coi là “ông lớn” như Vinacafe Buôn Ma Thuột (Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Cà phê Tây Nguyên) cũng đang ôm nợ hàng ngàn tỷ đồng.

Qua việc dự án Trung tâm thương mại ở huyện Kư Cuin của công ty này bị tỉnh Đắk Lắk quyết định đình hoãn vì không đủ sức triển khai cũng có thể hiểu có sự đầu tư “dàn trải, ngoài ngành” của ông lớn này. Và hiện tượng dàn trải đâu chỉ có ở mỗi Vinacafe Buôn Ma Thuột.

Thêm nữa, sự có mặt của các công ty FDI ít nhất cũng tạo ra môi trường cạnh tranh và người nông dân trồng cà phê hiện tại được hưởng lợi. Còn về lâu dài, việc doanh nghiệp nước ngoài có chiếm lĩnh hoàn toàn lãnh địa như trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi là việc không chỉ của các “cầu thủ”.

Mà cao hơn, đó là trách nhiệm của “huấn luyện viên” và “ban tổ chức” sân đấu, bởi chính họ là những người tổ chức giải lượt chơi đề ra luật chơi và đấu pháp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.