Hãy làm như lời nói

Hãy làm như lời nói
TP - Hai sự kiện ngoại giao có ý nghĩa đặc biệt vừa liên tiếp diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) trong hai ngày đầu tháng 8. Đó là ngày 3-8, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ ra Tuyên bố về Biển Đông, khẳng định “việc Trung Quốc nâng cấp đơn vị hành chính ở thành phố Tam Sa và thiết lập một đơn vị quân sự đồn trú mới ở nơi này là đi ngược lại các nỗ lực hợp tác ngoại giao nhằm giải quyết các bất đồng, và có nguy cơ làm tăng căng thẳng trong khu vực”.

> Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông

Mỹ cho rằng các bên nên hợp tác ngoại giao để giải quyết vấn đề mà không có ép buộc, không đe dọa nhau, không sử dụng vũ lực, phù hợp tinh thần Tuyên bố ASEAN 1992 về Biển Đông và Tuyên bố 2002 ASEAN-Trung Quốc về ứng xử Biển Đông…

Trước đó, ngày 2-8, Thượng viện Mỹ biểu quyết thông qua Nghị quyết S.Res 524 về Biển Đông. Trong đó khẳng định việc Trung Quốc nâng cấp quản lý để nắm giữ 2 triệu km2 bao trùm cả Hoàng Sa, Trường Sa, đưa quân đội tới khu vực này là “trái với những nguyên tắc đã được thỏa thuận liên quan đến việc giải quyết tranh chấp và cản trở biện pháp hòa bình ở Biển Đông”.

Việc “trực tiếp bày tỏ bất đồng chính sách với Trung Quốc” kể trên của Mỹ, theo nhận định của Đài BBC, đó là “một thắng lợi ngoại giao cho Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo đúng “bài vở” cũ, lập tức phía Trung Quốc lên tiếng phản bác, cho rằng quan điểm của Mỹ là “vô căn cứ, vô trách nhiệm”, là “sự khiêu khích để tạo ra thù địch” (!). Hãng tin Tân Hoa Xã lớn tiếng cho rằng về vấn đề Biển Đông: “Trung Quốc và các nước láng giềng liên quan có khả năng và sự khôn ngoan để tự giải quyết tranh chấp một cách hợp lý”.

Thế nhưng trên thực tế, việc “tự giải quyết tranh chấp một cách hợp lý” của Trung Quốc là như thế nào ?

Trung Quốc đã lùa hàng chục vạn tàu cá của mình tràn ngập vùng Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam, ùa xuống tận cả vịnh Bắc Bộ, vào sát bờ biển miền Trung. Hầu hết tàu cá của ngư dân Trung Quốc được tiêm nhiễm tư tưởng “kẻ mạnh”, không còn hiền hòa với ngư dân Việt Nam như trước, mà trở nên hung hãn, đối địch. Trong khi Trung Quốc vẫn ngang nhiên dùng lực lượng mạnh, sử dụng cả trực thăng gắt gao xua đuổi, trấn áp, tịch thu tài sản, phá hoại việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển chủ quyền. Và bất chấp mọi bằng chứng lịch sử rành rành đã được cả thế giới tường tận, Trung Quốc vẫn ôm khư khư cái đường “lưỡi bò” phi lý của mình !

Đấy hoàn toàn không phải là sự “giải quyết hợp lý”, mà chính là sự ngang ngược đến vô lối của kẻ mạnh, bất chấp mọi tuyên bố “đẹp đẽ” của chính mình ! Đấy mới chính là thái độ vô căn cứ, vô trách nhiệm. Đấy mới chính là sự thiếu “khôn ngoan” trong bối cảnh căng thẳng lúc này.

Sự khôn ngoan cần thiết của Trung Quốc ngay bây giờ, là hãy tôn trọng lịch sử, tôn trọng luật pháp quốc tế, và coi trọng dư luận, tiếng nói tích cực và ôn hòa của các quốc gia khác, để không biến Biển Đông thành nơi chôn vùi hình ảnh của Trung Quốc như một quốc gia định hướng "trỗi dậy một cách hòa bình".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG