Lại biết rồi, khổ lắm!

Lại biết rồi, khổ lắm!
TP - Sau ngày 10-8, khi một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đề xuất điều chỉnh giá xăng, trên nhiều tỉnh thành cả nước lại xuất hiện tình trạng “hết xăng”,

> Lại đồng loạt đề nghị tăng giá xăng dầu

“cúp điện nghỉ bán” ở các cây xăng.Câu chuyện không còn mới nhưng vẫn cứ lặp đi lặp lại trước mỗi lần rục rịch tăng giá xăng khiến người dân không thể không cảm thấy mệt mỏi.

Dường như cơ chế điều hành xăng dầu là nguyên nhân số một cho tình trạng này, bởi nếu không phải do cơ chế, không thể có tình trạng một vài doanh nghiệp độc quyền và hệ thống chân rết của họ thoải mái “bắt cả nền kinh tế làm con tin” vì trong tay họ là một mặt hàng chiến lược, không thể không dùng.

Sự mệt mỏi với chuyện xăng dầu tăng giảm giá thể hiện rõ trên mặt báo khi các tòa soạn không còn hào hứng giật to hàng tít tăng giảm giá xăng như trước và nội dung các bài báo về giá xăng dầu đang rơi vào tình trạng “khổ lắm, biết rồi”.

Nhưng dù gì vẫn phải nói và sẽ còn nói mãi, bởi chuyện xăng dầu gắn bó mật thiết với đời sống người dân, dù người dân cũng thực sự chán nản với cách điều hành giá xăng dầu của cơ quan chức năng.

Có chuyên gia tuyên bố trong thời điểm này, rằng các doanh nghiệp cần “chia sẻ với người dân” khi quyết định “điều chỉnh tăng” giá xăng dầu.

Nhưng xét ở góc độ thị trường, với những tuyên bố của cơ quan quản lý về một “thị trường xăng dầu cạnh tranh” thì lời kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ kia xem chừng có hơi hướng “cải lương”.

Bởi theo cơ chế thị trường, việc tối quan trọng của nhà kinh doanh là tối đa hóa lợi nhuận.

Và cũng không thể trách cứ các doanh nghiệp khi giá xăng dầu thế giới đang tăng, trong khi nhà máy lọc dầu Dung Quất ngưng hoạt động gây thiếu hụt nguồn cung.

Với những thực tế như thế, họ hoàn toàn có lý do để đề nghị tăng giá (và sẽ tăng giá nếu trong thời hạn 3 ngày Bộ Tài chính không đưa ra phán quyết).

Cũng chẳng thể trách họ rằng lúc thì căn cứ giá trung bình 30 ngày trên thị trường nhập khẩu, khi lại chỉ căn cứ 10 ngày nhập khẩu gần nhất.

Bởi chính các quy định không chặt chẽ của cơ quan chức năng đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu làm điều đó vì mục tiêu lợi nhuận.

Có lẽ mấu chốt của vấn đề là chúng ta chưa có một thị trường xăng dầu cạnh tranh đúng nghĩa và thị trường này luôn nhập nhằng trong việc điều hành một mặt hàng về danh nghĩa là Nhà nước độc quyền kiểm soát vì lợi ích của cả nền kinh tế nhưng cơ chế điều hành lại hao hao giống một mặt hàng thông thường, có sự “cạnh tranh”, cho dù cả thị trường chỉ nằm trong tay một vài doanh nghiệp đầu mối có vị trí chi phối.

Nói nôm na, thị trường xăng dầu của ta không ra “quốc doanh”, cũng chẳng hẳn nằm trong tay tư nhân, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận nhưng nhiều khi vẫn được gắn thêm mác “công ích”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG