Tài nguyên giáo dục

Tài nguyên giáo dục
TP - Cô Phương, giáo viên chủ nhiệm ở một tỉnh miền Nam, phát hiện học sinh của mình trốn vào rừng ở. Cha mẹ nghe cô báo, theo hướng về khoảnh rừng có con gái trốn thay nhau gọi. Cuối cùng là một giọng nghe quen: “Liễu ơi, cô Phương của em đây”.

> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ khai giảng năm học mới

Từ một lùm cây, Liễu ào ra, lao vào lòng cô chủ nhiệm. Đến năm học này, Liễu là trò ngoan của lớp 11A4.

Người Trung Quốc (TQ) gọi nhà giáo là tài nguyên của quốc gia, tài nguyên giáo dục. Nguồn tài nguyên có thể tái tạo được này thế nào, sản phẩm giáo dục sẽ thế ấy. TQ lấy bồi đắp, khai thác và sử dụng tài nguyên giáo dục làm chiến lược nền tảng để đạt mục tiêu cường quốc số một thế giới giữa thế kỷ 21. Họ đang điều chỉnh theo hướng không còn coi các đầu ra như số học sinh tốt nghiệp, số tiến sỹ, giáo sư ra lò, số giải thưởng quốc tế, v.v…, làm tiêu chí cơ bản đánh giá thành tích giáo dục nữa.

Thay vào đó sẽ là các tiêu chí mềm như tương tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với các hoạt động thuộc mọi lĩnh vực của đời sống, mức độ cạnh tranh đạt được của các sản phẩm thuộc các ngành.

Với cách tiếp cận mới như thế, TQ chuẩn bị các kế hoạch táo bạo để đào tạo nhà giáo như đào tạo nhân tài, đãi ngộ họ ngang với đãi ngộ nhân tài.

22 triệu học sinh Việt Nam dự khai giảng hôm nay với 174.000 tỷ đồng dự trù chi cho giáo dục năm học này.

Chúng ta kỳ vọng ngành giáo dục đạt được gì? Bộ trưởng Giáo dục&Đào tạo Phạm Vũ Luận cho hay, năm học 2012-2013, toàn ngành cần giải quyết triệt để bệnh thành tích và gian lận trong thi cử.

Thế có nghĩa nhà giáo ta và nguồn tiền khổng lồ của ta - chiếm 16% tổng chi ngân sách hằng năm - chủ yếu vẫn tập trung rèn đức là chính?

Thoáng qua cảm thấy có vẻ lãng phí. Thực tình không phải vậy. Chính căn bệnh phi vật thể ấy bao năm nay làm méo mó giáo dục, ngành vốn đóng vai trò động lực thúc đẩy cả nền kinh tế và xã hội. Nhưng đến giờ vẫn chưa thấy đột phá nào giúp củng cố niềm tin dứt điểm trị bệnh cứu ngành giáo dục.

Khó hy vọng năm học này đạt được tham vọng của Bộ trưởng Luận “giải quyết triệt để” hai căn bệnh kinh niên đang làm suy kiệt nguồn tài nguyên giáo dục mạnh về lượng mà yếu về chất.

Chuyện cô giáo Phương cho thấy ngành giáo dục đã làm được những việc mà cả xã hội không thể phủ nhận. Năm ngoái, số học sinh nghỉ bỏ học giảm mạnh, chỉ còn 80.000 em, ít hơn năm học trước 90.000 em.

Nhưng độc cô giáo Phương, đơn phương ngành giáo dục, không thể tự tạo nên nguồn tài nguyên giáo dục mà sức mạnh tổng hòa của nó đang được không chỉ nước láng giềng khổng lồ khéo tận dụng để không thua trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG