Vô phúc đáo… bệnh viện

Vô phúc đáo… bệnh viện
TP - Người xưa có câu “vô phúc đáo tụng đình” giờ người bệnh có câu “vô phúc đáo bệnh viện”.

Có lẽ ông Huỳnh Tài Phát, nhân vật trong câu chuyện được Tiền Phong đăng tải hôm nay là một trong những người “thấm” cái “vô phúc” mới này nhất.

Bởi chỉ đưa mẹ vào điều trị, sau hơn 10 tiếng đồng hồ, bệnh của mẹ ông vẫn còn nguyên đó nhưng ông đã phải trả tới gần 21 triệu đồng cho những khoản “giời ơi đất hỡi”.

Ngay cả việc vận chuyển bệnh nhân qua viện khác sau khi bệnh viện nọ không dám điều trị cho mẹ ông, với quãng đường đi bộ mất chưa đến 5 phút, ông phải chi trả theo yêu cầu của họ tới hơn 1, 2 triệu đồng.

Cùng chung cảnh ngộ ấy là anh L.T ở quận 7, TPHCM. Cuối tuần trước, anh đưa mẹ vào một bệnh viện tư cấp cứu với suy đoán bà bị nhồi máu cơ tim. Nhưng sau hai ngày cấp cứu, theo dõi, các bác sỹ mới phát hiện bà bị… đau dạ dày.

Bệnh nhân đã qua cơn nguy biến, gia đình muốn chuyển bệnh nhân qua phòng thường hoặc chuyển về nhà để tiện bề chăm sóc vì việc nằm điều trị tích cực đã không còn cần thiết.

Tuy nhiên, bệnh viện tìm đủ mọi cách, khi thì thuyết phục bệnh nhân tiếp tục nằm điều trị dịch vụ, khi thì cáo bận, không bố trí người giải quyết cho gia đình chuyển người nhà sớm.

Kết quả là chỉ sau ba ngày, khi xong thủ tục ra viện, số tiền viện phí anh T. phải chi trả đã là hơn 15 triệu đồng.

Tính tiền “trên giời”, tìm cách giữ chân người bệnh chỉ là hai trong vô số chiêu mà một số bệnh viện thực thi nhằm tăng nguồn thu.

Ngoài những “biện pháp” sử dụng “nghiệp vụ” như kê toa sai số lượng thuốc, lạm dụng chiếu chụp, xét nghiệm… còn là những chiêu rất đơn giản và thậm chí là kỳ cục: Thu phí thang máy đối với người nhà bệnh nhân, ngay cả khi họ bị sai đi đưa mẫu xét nghiệm mà lẽ ra việc này là của nhân viên y tế; thu phí “đi vệ sinh” với lý do “anh chỉ trả tiền khám chữa bệnh, chứ chưa trả tiền sử dụng toilet”…

Bệnh viện tư đã vậy, lại mới đây có thông tin viện phí ở bệnh viện công nhiều nơi đã áp kịch trần khung giá giờ lại rục rịch tăng tiếp vì người ta đưa vào trong cơ cấu viện phí gồm cả lương, phụ cấp, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học của cán bộ y tế... Lúc đó, người bệnh khó có sự lựa chọn. Thôi, chi bằng cầu trời đừng ốm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG