Quốc sách & quốc nạn

Quốc sách & quốc nạn
TP - Phát biểu tại phiên thảo luận trước Quốc hội sáng qua, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến thẳng thắn: “Thưa Quốc hội, nếu tiết kiệm là quốc sách thì lãng phí là quốc nạn.

Ta thường lên án gay gắt mạnh mẽ hành vi tham nhũng nhưng thất thoát do lãng phí rất nhiều thì ta lại nương tay, xem nhẹ. Hầu như chưa có ai bị đưa ra xét xử vì hành vi lãng phí”.

Đại biểu Tiến cho rằng, nếu tham nhũng bị coi là tội phạm thì lãng phí chỉ được xem là khuyết điểm. Nếu như lãng phí hữu hình rất lớn trong trong quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, khai thác tài nguyên... thì lãng phí vô hình trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, chất xám cũng không hề nhỏ. Không những chỉ lãng phí trên mặt đất, đại biểu Tiến còn nêu cả ví dụ về lãng phí ở trên trời, khi đến nay vệ tinh Vinasat 2 chưa lấp đầy 1/4 dung lượng băng tần.

Từ khóa “tham nhũng” từng được các đại biểu quốc hội bàn tới rất nhiều, nhưng đáng buồn là quốc nạn này chưa chuyển biến được bao nhiêu. Thực ra ai cũng biết và đồng tình với đại biểu Tiến rằng “tham nhũng lãng phí là anh em sinh đôi, hai kẻ đồng hành đồng lõa cùng hội cùng thuyền”, song hiếm có vị đại biểu nào đề cập tới quốc nạn lãng phí giữa nghị trường mạnh mẽ đến như vậy.

Xem ra, lãng phí cả hữu hình lẫn vô hình dường như còn nguy hiểm và khó “kết tội” hơn tham nhũng gấp nhiều lần. Một sự thiếu hiểu biết, một quyết định đầu tư không hiệu quả, một cách đào tạo hay dùng người sai... có thể gây hậu quả lãng phí lớn về tiền bạc, công sức và thời gian cho cả xã hội.

Lâu nay, dường như cụm từ “Tiết kiệm là quốc sách” mới chỉ dừng lại trên những băng rôn, khẩu hiệu. Những ví dụ về lãng phí của công từ chuyện nhỏ như lễ lạt, họp hành, ăn uống... tới chuyện lớn như hội chứng thích trụ sở, công trình này nọ thật hoành tráng không hề hiếm.

Suy cho cùng, nếu các vị quan chức, công bộc của dân không gương mẫu thực hành nghiêm quốc sách tiết kiệm, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, ắt quốc nạn lãng phí sẽ được dịp hoành hành. Và khi đó người “anh em sinh đôi” với nó là tham nhũng sẽ gặp thời trỗi dậy.

Ngẫm lại, đúng là lời dạy của Bác Hồ 60 năm trước về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí vẫn tươi mới và còn nguyên tính thời sự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG