CHUYỆN nhỏ HAY lớn?

CHUYỆN nhỏ HAY lớn?
TP - Cô bạn phóng viên người Đức lần đầu tới Hà Nội tỏ ra đặc biệt thích thú với cảnh phố xá nhộn nhịp, còi xe inh ỏi, cảnh sinh hoạt, ăn uống diễn ra rất “cởi mở” ngay trên đường phố.

> Tiếng ồn – ‘thủ phạm’ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe
> Minh bạch khoáng sản

 Hà Nội, TPHCM: Khốn khổ vì tiếng ồn

Nó khác hẳn văn hóa sinh hoạt “khép kín” bên châu Âu, thường chỉ diễn ra đằng sau cánh cửa, đường phố vắng vẻ chỉ có những chiếc ôtô lạnh lùng lao vun vút.

Nhưng sự háo hức chỉ tồn tại đến ngày thứ ba. Cô bắt đầu sợ tiếng ồn của còi xe, của loa thùng đặt trước cửa hàng mở hết công suất, của tiếng động cơ xe máy ì ầm suốt đêm ngày.

Cô cũng hay bị giật mình bởi tiếng cười, nói bô bô như chốn không người ở nơi công cộng, quán xá. Tôi giải thích với cô rằng, một số người Việt Nam chúng tôi có thói quen “ăn to nói lớn”, không giống bên châu Âu mọi người nói chuyện chỉ vừa đủ nghe để không làm ảnh hưởng tới người bên cạnh.

Cùng là châu Á, nhưng người Nhật thường nói nhỏ đủ nghe, nhưng người Trung Quốc lại thích ồn ào, thường nói khá to nơi công cộng. Âu đó cũng là một nét tính cách, một nét văn hóa.

Nhưng dù tính cách hay văn hóa đặc thù gì đi nữa, đã hội nhập cần tuân thủ những nguyên tắc văn minh tối thiểu, đó là không làm ảnh hưởng tới người khác.

Nói chuyện quá to làm phiền tới người ngồi bàn bên cạnh; bật nhạc, khoan cắt bê tông ầm ĩ như tra tấn hàng xóm; bán hàng bằng loa thùng công suất lớn buộc mọi người phải nghe; thậm chí bấm còi hơi đến nỗi trẻ con phải giật mình kinh hãi rơi khỏi xe máy rồi tử nạn..., tất cả đều cần phải có chế tài, có luật pháp nghiêm minh để điều chỉnh và ngăn chặn.

Nhà báo từ những nước đang phát triển, trong đó có tôi, tới Berlin (Đức) học các khóa ngắn hạn vài ba tháng, đều được phổ biến rất kỹ quy định tránh gây ồn ào.

Tôi nhớ nhất quy định sau vì nó dính đến túi tiền : Sau 10h tối, nếu bật nhạc to hay làm gì ầm ĩ, rất có thể bạn sẽ bị cảnh sát gõ cửa và nộp phạt vì người hàng xóm vừa gọi điện báo. Trong trường hợp đặc biệt, bạn cần phải dán thông báo kèm lời xin lỗi tại lối đi chung để mọi người thông cảm, ví như hôm nay là sinh nhật mình chẳng hạn.

Việt Nam cũng có quy định về tiếng ồn, song dường như không được áp dụng trên thực tế. Người hàng xóm bật nhạc quá to khiến bạn khó chịu, rất có thể sẽ xảy ra cãi vã, đôi co vì chả có vị cảnh sát khu vực nào chịu vào xử lý những chuyện “nhỏ như con thỏ” đó.

Trong xã hội, đôi khi chỉ vì những “chuyện nhỏ” song không được pháp luật điều tiết kịp thời, đã thành chuyện lớn như đâm chém nhau, gây án mạng.

Một xã hội muốn văn minh, ngoài chuyện giáo dục, xã hội đó cần phải được quản lý chặt chẽ, có chế tài xử lý những hành vi tưởng là chuyện vặt như gây ồn, bật nhạc to, bóp còi xe inh ỏi... Bằng không, xã hội sẽ luôn tồn tại những bất ổn, phiền toái không đáng có chỉ vì những hành vi kém văn hóa đang mặc sức lan tràn.

Chuyện nhỏ hóa chuyện lớn nếu không được xử lý kịp thời. Nhỏ hay lớn phụ thuộc vào chính lối sống của mỗi chúng ta. Trình độ quản lý xã hội sẽ nói lên mức độ phát triển của một địa phương hay một quốc gia.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG