Niềm tin trong sóng gió

Niềm tin trong sóng gió
TP - Năm 2012 trôi qua với nhiều sóng gió của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,03% thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

> 'Đáy' khủng hoảng kinh tế kéo tới giữa năm 2013?
> Thoát nghèo nhờ kiều hối
> 100 người giàu nhất sàn chứng khoán 2012

Tuy vậy, chúng ta vẫn đạt được mục tiêu lớn, quan trọng bậc nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ổn định, tạo tiền đề để đất nước có bước phát triển vững chắc trong năm 2013 và các năm tiếp theo.

Năm 2012 cũng được cho là một năm sóng gió với các đại gia Việt với không ít người khuynh gia bại sản.

Bầu Kiên, ông “trùm” ngân hàng bị bắt, không những lộ diện quá nhiều bất cập nguy hiểm trong lĩnh vực ngân hàng mà còn kéo theo sự lao đao, giải thể của không ít câu lạc bộ bóng đá, có cầu thủ thất nghiệp phải đi tráng bánh cuốn hoặc phụ giúp việc nhà.

Nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền vỡ nợ, hàng loạt các công ty chế biến khác lâm nguy, đẩy hàng vạn nông dân nuôi trồng cá tra, cá basa tại ĐBSCL lâm cảnh trắng tay.

Trong năm qua, hai mặt hàng thiết yếu là điện và xăng dầu vẫn tiếp tục đua nhau tăng giá, dù cả hai đều lãi lớn. Xăng tăng 6 lần và cũng giảm 6 lần, nhưng vẫn điệp khúc “tăng nhanh, giảm chậm, tăng nhiều, giảm ít”.

Tổng mức giảm chỉ bằng 61% mức tăng. Điện năm nay lãi lớn khoảng 3.500 - 4000 tỷ song vẫn tăng giá tới 2 lần tổng cộng 10% với lý do phải... bù lỗ cho các năm trước.

Năm 2012, câu chuyện thuế, phí cũng làm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Ước tính, một chiếc ô tô ở Việt Nam phải gánh tới hơn chục loại thuế, phí.

Cuối cùng phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ đã bị hoãn, còn phí bảo trì đường bộ vẫn chưa thu được vào 1-1-2013 vì hầu hết HĐND các tỉnh thành chưa họp để thông qua. Nghị định 71 liên quan tới xe chính chủ cũng gây những hiểu nhầm khi áp dụng khiến người dân hoang mang.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong lúc chờ soạn thảo thông tư, CSGT không được xử phạt xe không chính chủ.

“Động đất Sông Tranh” là một trong những cụm từ có tần suất xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng trong năm 2012. Gần 100 trận động đất lớn nhỏ đã xảy ra xung quanh khu vực nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), khiến hàng vạn người dân nháo nhác, lo sợ.

Động đất cũng làm phơi lộ nhiều vấn đề liên quan như đánh giá tác động môi trường, thiết kế và xây dựng đập của ngành thủy điện bấy lâu nay. Động đất quá nhiều không những làm dân bất an mà chính quyền cũng bất lực, bức xúc.

Lãnh đạo huyện Bắc Trà My than phiền vì phải tiếp đón quá nhiều đoàn song vẫn không thấy giải quyết được vấn đề gì, dân kêu “đoàn đến, đoàn đi, động đất thì ở lại”.

Dẫu vậy, vượt lên trên những khó khăn, bất cập vẫn lấp lánh những điểm sáng, những thành tựu cơ bản, to lớn không thể phủ nhận. Đó là công trình nhà máy Thủy điện Sơn La do Việt Nam tự thiết kế và thi công đã về đích trước 3 năm so với kế hoạch.

Đó là xuất khẩu gạo và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác vẫn ở vị trí hàng đầu thế giới. Đó là sự ổn định ngày càng vững của kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, lãi suất ngân hàng giảm mạnh, hàng loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp đã và đang đi vào cuộc sống. Đó là sự vững vàng, kiên định trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Năm 2012, lần lượt các Nghị quyết T.Ư 4, T.Ư 5, T.Ư 6 cũng đã được ban hành kèm theo những chủ trương, quyết sách lớn về chỉnh đốn, xây dựng Đảng, quản lý các tập đoàn nhà nước, khoa học, giáo dục, nhân sự chiến lược của Đảng và nhà nước.

Những đường lối, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân đó của Đảng, những phát biểu đầy tâm huyết và sâu sắc của lãnh đạo Đảng và nhà nước trong các cuộc tiếp xúc cử tri đã và đang có tác dụng to lớn, thuyết phục được người dân vững tin vào công cuộc đổi mới của đất nước.

Niềm tin, đó chính là nguồn sức mạnh vô bờ bến của ngót 90 triệu đồng bào, của cả dân tộc với khát vọng đưa đất nước đi lên dẫu còn không ít khó khăn phía trước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG