Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan bàn về chạy chức, chạy quyền...

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan bàn về chạy chức, chạy quyền...
TP - Hôm dự Đại hội XI của Đảng, khi nghe đoạn nói về tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương” mà cười ra nước mắt, lòng đau như cắt.

> Trí tuệ của toàn dân
> “Kính thưa các ông chưa bị lộ”
> Cái giá của công chức

Tôi cứ băn khoăn, day dứt, không biết vì sao lại nên nông nỗi này? Nghĩ đi nghĩ lại thì những chuyện như vậy đều liên quan đến hai chuyện: một là có gì đó bất ổn trong cơ chế (và có lẽ những điều bất ổn ấy không ít và không nhỏ tý nào) và con người bị tha hóa, mất lòng tự trọng mà tôi hay nói đùa rằng không có “gien ngượng”.

Hai chuyện đó gắn kết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau: cơ chế chuẩn sẽ góp phần tạo nên con người tử tế và ngược lại.

Nhưng cơ chế là cái gì? Tròn, vuông méo ra sao thì rất khó nắm bắt vì cơ chế là một khái niệm rất rộng, vả lại mỗi việc lại vận hành theo một cơ chế riêng. Ví dụ như chuyện “chạy công chức” mà Đại hội XI gọi là “chạy chỗ”.

Muốn hạn chế hiện tượng này thì đương nhiên phải rà soát kỹ lưỡng lại cơ chế tuyển chọn xem có lỗ hổng nào không để bịt lại. Nhưng nếu con người không tử tế thì người ta vẫn có trăm phương nghìn kế để lách qua.

Ví dụ, theo cơ chế thì muốn kiếm được chỗ làm việc, nhất là những chỗ “ngon” thì phải có bằng nọ, cấp kia, phải qua thi tuyển này nọ. Nhưng có biết bao nhiêu chuyện đáng buồn xung quanh chuyện bằng thật, bằng giả? Biết bao tiêu cực về chuyện thi tuyển?

Nhiều lần đối thoại với các cháu thanh niên tôi rất ngượng, nói đúng hơn là rất đau lòng khi bị các cháu chất vấn về những chuyện như vậy vì chúng làm mất lòng tin của thanh niên ngay từ khi mới vào đời!

Xem như vậy cái gốc vẫn là con người, những người đánh mất “gien ngượng” hạ mình đi “chạy” và nhất là những người vô liêm sỉ lợi dụng nhu cầu “chạy chỗ” để mưu cầu lợi ích cho mình.

Theo lô-gíc như vậy thì muốn hạn chế (chứ chưa dám nói đến việc triệt tiêu) tình trạng đáng xấu hổ này thì trước hết cần phát hiện, trừng trị thích đáng đám người đó!

Nhưng tiếc rằng cho đến nay hầu như chưa phát hiện ra trường hợp nào như vậy cho dù ai cũng biết, ngay trong đợt kiểm điểm theo Nghị quyết TW 4 lần này cũng chưa nghe thấy ở đâu chỉ mặt gọi tên ra trường hợp nào “có máu mặt” cả?

Hay như chuyện sử dụng nhân tài. Có lẽ không thể đếm xuể các cuộc hội thảo, bàn tròn về đề tài này, cá nhân tôi cũng được mời dự hàng chục cuộc, ở đâu người ta cũng trích câu “nhân tài là nguyên khí của quốc gia” ghi trên bia đá dựng trong Văn miếu Quốc tử giám song cho tới nay vẫn chưa thấy ra đời cơ chế gì cụ thể để phát hiện, sử dụng nhân tài cả.

Nhìn ra các nước khác như Xinh-ga-po, Hoa kỳ, Ô-xtrây-lia…và cả Trung Quốc người ta đều có cơ chế chính sách rõ ràng thu hút nhân tài và thật không vui tí nào khi thấy rất nhiều con em chúng ta học xong đã ở lại, đem lại lợi ích cho những nước đó chứ không phải cho nước nhà!

Xem ra nguyên nhân của những biểu hiện tha hóa trong việc dùng người là do ta chứ không nên đổ lỗi cho thể chế kinh tế thị trường hay hội nhập! Xinh-ga-po kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng hơn ta nhiều nhưng sao họ lại ít mắc những chuyện như ở ta?

Tóm lại cần rà soát rất cụ thể từng khâu trong các cơ chế dùng người để khuyến khích người tử tế, chặn đường những người không tử tế chứ không chỉ nêu lên hiện trạng rồi đổ lỗi cho cơ chế chung chung, và nhất là cần làm thật, làm ráo riết chứ không chỉ hô hào, nói suông.

Vũ Khoan
Nguyên Phó Thủ tướng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.