Quyền được bảo hiểm

Quyền được bảo hiểm
TP - Chuyện chính quyền xử phạt xe không chính chủ, tuy chính đáng, nhưng vẫn vấp phải phản đối của người dân vì hợp lý nhưng chưa hợp tình, bởi điều kiện cụ thể từ một nước nông nghiệp đi lên như ở ta.

> Xử phạt không đội mũ bảo hiểm cho trẻ: Thay đổi ý thức phụ huynh
> Xử nghiêm nếu trẻ em không đội mũ bảo hiểm
> Ghi hình để phạt trẻ em không đội mũ bảo hiểm

Nhưng có lẽ, sẽ chẳng có lý do gì để những người phản đối quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi lưu thông bằng xe gắn máy viện ra trước cảnh sát. Đó đây vẫn còn những ý kiến này nọ, rằng việc phạt cha mẹ vì không đội mũ bảo hiểm cho con sẽ gây ách tắc trước cổng trường, hay chuyện xác định độ tuổi của trẻ sẽ rắc rối nhiêu khê. Nhưng xét tổng thể, bắt buộc đội mũ cho trẻ là việc làm hoàn toàn đúng đắn và cần được bảo đảm thực thi nghiêm túc.

Báo chí đưa tin, từ ngày 1-9/4, CSGT TPHCM sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện các trường hợp vi phạm, dừng phương tiện nhắc nhở không xử phạt.

Từ ngày 10/4- 15/5, CSGT sẽ đồng loạt ra quân xử phạt; tập trung trên các tuyến đường trọng điểm có nhiều trường tiểu học, THCS. Ngoài ra, hằng ngày sẽ có lực lượng CSGT ghi hình những hành vi vi phạm trước khu vực cổng trường, phối hợp với nhà trường mời phụ huynh học sinh vi phạm đến để có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở.

Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy tại TPHCM đã tăng lên đáng kể, từ 22% lên 50% như số liệu từ quan sát tại các trường tiểu học.

Tuy nhiên, Ủy ban này cho hay, tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi tiểu học có đội mũ bảo hiểm như quan sát tại một số nơi ở Hà Nội chỉ ở mức 8%, trung bình là 21% như tường thuật của Đài Truyền hình Việt Nam, nghĩa là rất thấp, thấp hơn cả tỷ lệ trung bình của cả nước (34%). Ở một số khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, người lớn, trẻ em không đội mũ bảo hiểm khá phổ biến.

Tỷ lệ người lớn đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy của cả nước là 90%, trong khi chỉ 34% trẻ em được đội mũ bảo hiểm cho thấy vấn đề cơ bản ở đây là ý thức của người lớn, của những người làm cha mẹ.

Không thể kết luận là do những người này không thương yêu không quan tâm đến con cái, thế hệ tương lai đất nước mà chỉ có thể cắt nghĩa hành vi này là người dân không xem mũ bảo hiểm là thứ thực sự bảo đảm an toàn cho bản thân và con cái họ.

Để thay đổi nhận thức trong một bộ phận không nhỏ người dân, để họ biết quý, trân trọng sinh mạng của chính mình và người thân nhất là quyền được bảo hiểm của trẻ em, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm chất lượng mũ bảo hiểm, cần lắm thay các chế tài răn đe, xử phạt nghiêm khắc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG