Bảo tồn để phát triển

Bảo tồn để phát triển
TP - Việc Hà Nội sắp xây cầu vượt sắt qua di tích Đàn Xã Tắc đang làm dấy lên những tranh luận xung quanh việc bảo vệ di tích lịch sử có một không hai này.

> Đàn Xã Tắc hay tắc Xã Đàn?
> Trụ cầu Ô Chợ Dừa nằm ngoài Đàn Xã Tắc

Một số nhà sử học, nhà văn hóa tỏ ra quan ngại rằng di tích sẽ bị xâm phạm. Liệu quá trình đào hố móng thi công có làm ảnh hưởng tới di tích quan trọng mới phát lộ một phần này không? Thậm chí có ý kiến còn cho rằng xây cầu vượt nơi đây là rất chướng, là “vượt lên đầu tổ tiên”, là “cao hơn trời đất”.

Về phía những người ủng hộ xây cầu vượt, đáng chú ý có ý kiến của Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, cho rằng “Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy, nhưng cho rằng đây là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta là ngộ nhận...”.

Cả hai loại ý kiến trên dường như đều có điều chưa ổn. Nếu coi việc xây một cây cầu vượt để giải quyết bài toán giao thông đô thị qua khu vực này là “vượt lên đầu tổ tiên”, thử hỏi ai còn dám xây dựng các công trình cao tầng trên mảnh đất dày đặc di tích như đất Thăng Long ngàn năm văn hiến?

Liệu tổ tiên có vui lòng, mãn nguyện khi thấy con cháu chen chúc ngột ngạt trên đoạn đường Xã Đàn thường xuyên tắc nghẽn? Nhưng quan điểm phủ nhận sạch trơn, coi “Đàn Xã Tắc là phế tích của một triều đại phong kiến” thì thật không thể chấp nhận. Mọi văn hóa, di sản của cha ông tuyệt đối không thể bị nhìn nhận dưới lăng kính giai cấp hóa hay chính trị hóa sai lầm như thế được.

Đường vành đai I của thủ đô lâu nay thường xuyên bị tắc nghẽn tại chỗ này. Việc làm cầu vượt để góp phần thông suốt vàng đai I là cần thiết. Và việc tôn trọng tới mức cao nhất có thể di tích đàn Xã Tắc thời Vương triều nhà Lý mới phát lộ nơi đây cũng phải được tuân thủ nghiêm ngặt Luật Di sản.

Cái mới không phủ định mà kế thừa cái cũ, đó là quy luật của mọi tiến trình phát triển. Bảo tồn, giữ gìn những di sản, những giá trị lịch sử, văn hóa của cha ông là để góp phần nuôi dưỡng, thúc đẩy sự phát triển. Bảo tồn mà vô hình trung làm khó khăn hay kìm hãm sự phát triển, đó là cách bảo tồn sai lầm. Trân quý và giữ gìn những giá trị lịch sử phải trên tinh thần của sự phát triển, không cực đoan phủ nhận nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa, thần thánh hóa.

Trên quan điểm đó, một sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, một sự gặp nhau thống nhất giữa hai luồng ý kiến là điều rất nên làm. Một cuộc hội thảo khoa học mà dân chủ, một tâm thế tôn trọng lẫn cẩn trọng cho câu chuyện đàn Xã Tắc và cầu vượt – tại sao không ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG