Sống hay chết?

Sống hay chết?
TP - Bơi dưới nước (theo nghĩa đen của từ này) cũng như bơi ở cuộc đời thôi! Không biết “bơi” thì chết cả ở dưới nước lẫn trên bờ. Bơi là để sống sót - mệnh lệnh tối cao với mỗi người.

> Đuối nước ở Việt Nam cao top đầu Đông Nam Á
> Đau lòng hàng loạt vụ trẻ em đuổi nước: Vì sao?

Thế nhưng, cứ thấy lạ làm sao, đến hẹn lại lên, mỗi dịp hè (mà cũng chẳng đợi đến hè), báo chí đưa tin, chỗ này trẻ em chết vì hố nước, chỗ kia chết vì tắm sông, tắm biển, mà vẫn chưa có sự sốt ruột nào để cho ra giải pháp “đồng bộ, toàn diện”.

Mùa hè này cũng mới chỉ bắt đầu thôi! Nhiều cơ quan như tổ chức Đoàn đang vào cuộc giúp trẻ học bơi. Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa thông báo tin vui, năm học 2016 - 2017 phấn đấu tất cả học sinh tiểu học trên địa bàn sẽ biết bơi. Vui thì có vui, nhưng đó là nỗ lực của một nơi. Cần là sự vào của tất cả, vì trẻ con ở đâu cũng cần được bảo vệ, đâu riêng gì Đà Nẵng!

Phấn đấu 100% trẻ biết bơi như quyết tâm của Đà Nẵng chẳng có gì là khó. Thầy giáo Lê Văn Tùng (Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bao năm nay, quây con sông cạnh nhà dạy bơi cho hàng ngàn em nhỏ địa phương. Việc làm của thầy Tùng được T.Ư Đoàn khen ngợi. Năm nay thầy cũng đang miệt mài với công việc ấy.

Thầy nói: “Tôi bỏ nhiều công sức tìm hiểu cả tài liệu lẫn trên thực tế về bơi lội. Bơi là bản năng. Ví như trâu, bò, chó, chuột… chúng tập bao giờ đâu, nhưng khi rơi xuống nước vẫn bơi được. Đó là bản năng sinh tồn, chẳng có gì xa lạ với động vật bốn chân. Trong quá trình tiến hóa, phát triển, con người chuyển từ di chuyển ngang (bằng bốn chân) sang phương thẳng đứng (hai chân và hai tay). Trong quá trình ấy, con người “tạm quên” kỹ năng bơi vì thay đổi hình thể. Dạy bơi là nhắc lại, gợi nhớ lại, luyện tập lại bản năng mà thôi. Chết vì không biết bơi thật quá đáng tiếc. Đa phần chết oan”.

Chủ nhiều trang facebook hôm qua viết chung một ý: Phụ huynh bỏ ra cả chục triệu cho con học này, học nọ dịp hè, thế nhưng học bơi để sống thì không mấy quan tâm!

Anh Yosuke Abe - chuyên gia bơi lội của Nhật Bản vừa đến Việt Nam vừa dạy cho 300 trẻ học bơi, nói: “Sự khác biệt giữa trẻ em Việt Nam và Nhật Bản là cách tiếp cận với nước. Ở Nhật, trẻ được học bơi hằng tuần và đưa vào dạy chính khóa liên tục trong nhiều năm”.

Có khó gì khi dạy bơi cho trẻ? Sao để một việc hệ trọng mang tầm quốc gia, sát sườn mạng sống con người lại chỉ là nỗ lực của vài tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước? Chỉ thêm môn bơi vào chương trình dạy học là xong thôi?

Hãy suy nghĩ về những con số. Nước ta có đường bờ biển dài 3.260 km, hàng ngàn đảo và chằng chịt sông hồ, kênh rạch. Ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam, cho biết, trong 7.000 - 7.200 trẻ chết do tai nạn thương tích mỗi năm thì đuối nước chiếm một nửa. Cũng theo báo cáo của cơ quan này, từ đầu năm đến nay đã có 200 trẻ chết đuối. Việt Nam đứng TOP đầu Đông Nam Á về tỷ lệ trẻ đuối nước, cao gấp 8-10 lần so với các nước đang phát triển.

Chuyện đã báo động đỏ. Báo động bằng những cái chết!

Phổ cập bơi cho trẻ, bao giờ? Sao không phải là ngay trong năm học tới?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.