Thừa thầy, thiếu thợ, vì đâu?

Thừa thầy, thiếu thợ, vì đâu?
TP - Trong một cuộc trao đổi mới đây về đề tài “thừa thầy, thiếu thợ” tại Viện Goethe Hà Nội, ông Hanno Knaup, cố vấn kỹ thuật của Dự án đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tiết lộ một thông tin thú vị: Đức cũng có tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”!

> Thạc sĩ trông quán cà phê, phụ xe...
> Chuyện của thạc sĩ đi làm công nhân

Bằng cớ mà vị chuyên gia này đưa ra là, hiện tỷ lệ đào tạo hàn lâm (từ đại học trở lên) tại Đức là 28%, trong khi trên thực tế chỉ cần 20% tức 5 thợ mới cần 1 thầy mà thôi. Dường như tình trạng này mang tính quốc tế chứ không riêng gì Việt Nam, ông Knaup nói.

Chuyên gia trong lĩnh vực dạy nghề, PGS. TS Bùi Thế Dũng, lý giải rằng tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ở Việt Nam có yếu tố tâm lý xã hội, vì người Việt vốn chịu ảnh hưởng bởi đạo Khổng và Nho giáo nên nếu dòng họ có người đỗ đạt tiến sĩ là rất vinh dự. Ông Knaup phản biện rằng, “trước kia người Đức cũng giống người Việt bây giờ thôi dù chúng tôi không theo đạo Khổng”, người Đức cũng có tâm lý thích làm “thầy” hơn làm “thợ”.

Chuyên gia về đào tạo nghề của Đức lý giải rằng, vấn đề này có lỗi của cả hệ thống truyền thông, vì cứ bật tivi lên là tràn ngập ca sĩ, cầu thủ bóng đá, chính trị gia hay nhà khoa học... chứ rất mấy khi có hình ảnh của người thợ. Tuy nhiên xu hướng hiện nay ở Đức đang thay đổi, công nhân kỹ thuật ngày càng có thu nhập cao, thậm chí ngang ngửa với nhiều người tốt nghiệp đại học.

Rõ ràng trong xã hội, nếu ai cũng muốn làm thầy thì lấy ai làm thợ ? Trong khi đó, trên thực tế bất cứ xã hội nào dù văn minh đến mấy cũng rất cần một lực lượng đông đảo những người thợ chế tạo, điều khiển máy móc, dịch vụ, những người nông dân trực tiếp làm ra lương thực, thực phẩm... Một xã hội quá coi trọng bằng cấp, càng học hành đỗ đạt cao càng dễ thăng quan tiến chức, ắt sẽ xuất hiện ngày càng nhiều thạc sĩ, tiến sĩ “giấy”, thậm chí dễ dẫn đến tình trạng thầy không ra thầy, mà thợ cũng không ra thợ.

Một xã hội ai cũng có thể dễ dàng vào đại học, dễ dàng tốt nghiệp đại học thì tội gì không học ? Việc cho mở quá nhiều trường đại học ở khắp các tỉnh thành chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều cử nhân, thạc sĩ đang phải đi làm công nhân.

Chỉ khi nào cả trong chính sách và tâm lý xã hội đều thể hiện được sự tôn trọng cả thầy lẫn thợ, khi đó mới hết thừa thầy thiếu thợ. Khi đó, trong bảng danh mục nghề nghiệp quốc gia, từ nghề chính trị gia cho tới nghề công nhân, nông dân đều bình đẳng, đều cao quý như nhau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG