Chuyện ít biết về người 'cướp cơm' Hà Bá trên dòng Sêrêpốk

Kể về những vụ nhảy cầu tự tử, ông Hiệu vẫn rất buồn những lần không cứu được người
Kể về những vụ nhảy cầu tự tử, ông Hiệu vẫn rất buồn những lần không cứu được người
TP - Cầu Mười Bốn vắt ngang sông Sêrêpốk, ranh giới hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Nhiều người đã tìm đến đây kết thúc cuộc đời, trong số đó không ít người may mắn được ông Hiệu cứu sống. 30 năm sống dưới chân cầu, làm nghề chài lưới, ông Hiệu đã giành giật sự sống cho nhiều người và vớt hàng chục thi thể không may.

Từ lâu dân quanh vùng quen miệng gọi ông là “Bác Hiệu cứu người nhảy cầu”. Bất kể ngày hay đêm, hễ phát hiện ra vụ nhảy cầu hay đuối nước là dân làng lại kêu ông.

Giữa mùa mưa tháng 7, chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Hiệu, 50 tuổi ở thôn 6, phường Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, đúng ngày ông Hiệu đang bơi thuyền trên sông cùng một số người mò tìm thi thể một nam thanh niên nhảy sông tự vẫn. Bà Vũ Thị Quý, vợ ông Hiệu chỉ tay ra sông nói: “Chiếc thuyền đang tát nước ở khúc sông cua đằng xa kia là của ông nhà tôi đó. Nghe tin có người nhảy cầu là ông ấy vác thuyền ra sông từ đêm tới giờ chẳng ăn uống gì cả. Mấy hôm nay mưa lớn, nước sông dâng cao nên việc tìm kiếm thi thể nạn nhân cũng khó khăn hơn. Tìm cả đêm qua đến giờ đã hết nửa ngày rồi mà chưa thấy”.

Bà Quý cho biết, khúc sông này nhiều người đến tự tử lắm, hơn 1 năm nay đã 5 - 6 người đến tự tử. Tháng 7 năm ngoái, một nam thanh niên nhảy cầu mùa nước lớn phải tìm gần 3 ngày mới thấy xác; mấy tháng sau một cháu gái ở Trung Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột cũng đến đây gieo mình xuống sông. Hơn một tháng trước, nam thanh niên chạy ra cầu tự tử may mắn thoát chết vì nhảy phía bên Đắk Lắk nước cạn, nhiều cây, nhóm bạn xuống lôi lên. Mới đây nhất nam thanh niên ở thôn 7, xã Hòa Phú chẳng biết buồn chuyện gì mà nhắn tin lại cho anh trai nhờ chăm sóc bố mẹ rồi ra cầu tự vẫn.

Căn nhà cũ của vợ chồng ông vỏn vẹn 2 gian nằm dưới chân cầu, trên tường treo kín bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ và Giấy chứng nhận danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông” trong chương trình Hiệp sĩ giao thông toàn quốc.

 Nghiệp cứu người cứ thế vận vào đời ông Hiệu. Đã vài lần ông định bỏ nghề sông nước, tìm mảnh đất lành hơn mà không bỏ được. “Cái số rồi, phải chịu thôi. Thấy người sắp chết thì phải cứu, đó là đạo đức và lương tâm!”.

        Ông Hiệu nói

Năm 1986, ông Hiệu được người thân đang thi công cầu Mười Bốn gọi từ Thanh Hóa vào Đắk Lắk sinh sống, dựng căn nhà nhỏ dưới chân cầu, sát mép sông. Cây cầu hoàn thành, công nhân hết việc, ông chuyển sang làm nghề chài lưới. Từ đó, cuộc đời ông gắn với khúc sông này đánh cá, cứu người và vớt xác. 30 năm làm nghề chài lưới trên khúc sông dữ, giành cơm với Hà Bá, giật lại sự sống cho nhiều người từ tay thần chết, ông Hiệu không nhớ nổi đã cứu bao nhiêu người đuối nước, vớt bao nhiêu xác chết ở khúc sông này và chứng kiến biết bao gia đình đau khổ vì mất người thân. Vậy mà cái nghiệp làm phúc của ông không phải lúc nào cũng được người ta cảm ơn, không ít lần ông bị người vừa cứu chửi bới, la mắng thậm chí đấm đá túi bụi.

Ông vẫn nhớ ông cụ 82 tuổi ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột nhảy cầu  tự vẫn đêm mồng 3 Tết Nguyên đán 2012. “Lúc đó tôi đang ra lưới thì thấy cụ leo lên thành cầu rồi nhảy xuống sông, vội bỏ thuyền bơi thật nhanh và cứu được cụ lên bờ, đốt lửa, lấy dầu gió xoa ấm người. Thế mà, tỉnh dậy cụ còn chửi bới vợ chồng tôi vì đã làm … hỏng cái sự chết của cụ! Tôi phải giải thích mãi cụ mới hiểu. Hoá ra cụ buồn vì bị con cái hắt hủi, tủi phận chẳng biết đi đâu nên tìm đến cái chết. Rồi một cô gái ở tỉnh xa lên Đắk Nông đi làm, buồn chuyện tình cảm cũng ra cầu nhảy xuống sông. Vợ tôi nhìn thấy cô gái đứng trên cầu khóc rất lâu, rồi leo lan can nhảy xuống nên vội hô chồng bơi ra cứu. Dìu được cô gái lên bờ, cô lại vùng vằng lao ra sông, đôi bên giằng co, cô ấy còn vung tay đấm túi bụi vào mặt khiến vợ tôi chảy cả máu mồm”.

Đóng xuồng để… vớt xác

Nửa đời bám sông, ông Hiệu nắm rõ đoạn sông này có nhiều ghềnh đá, hàm ếch và có những dòng xoáy ngầm, không may sẩy chân là bị hút sâu vào bên trong vài chục mét, bị kẹp chặt trong các hốc đá không thể quay ra được. Có lần xác nạn nhân kẹt vào ghềnh đá rất khó tìm hoặc trôi xa hàng cây số mới nổi.

Chuyện ít biết về người 'cướp cơm' Hà Bá trên dòng Sêrêpốk ảnh 1

Ông Hiệu và một số người đang vớt xác dưới sông

Cuối năm 2012, một cô gái từ Buôn Đôn ra đứng trên cầu, thả người rơi xuống sông cho dòng xoáy cuốn. Hai cha con ông lặn nửa ngày trời không tìm thấy xác, hôm sau phải thuê thêm thợ lặn mò sâu trong hốc đá mới tìm được. Hè năm 2013, khi ông đang loay hoay gỡ lưới bên kia sông thì nghe tiếng la hét hoảng loạn của nhóm học sinh đang chơi ở bãi cạn giữa sông. Một cháu ngồi lên mỏm đá, cúi xuống không may ngã nhào, bị ngầm đá hút vào. Không kịp cứu cháu đó, ông đành bơi đưa những học sinh còn lại vào bờ.

Ám ảnh nhất đối với ông là vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra đêm 17/5/2012 tại cầu Mười Bốn khiến 34 người chết. Ông đang ngồi xem ti vi thì nghe một tiếng động lớn, cành cây, đất đá rơi ào ào. Hai cha con cầm đèn pin rọi xuống sông thấy bốn bánh xe ô tô chổng lên trời. “Cha con tôi xuống mé sông tiếp cận chiếc xe, nhìn xem ai còn có thể kêu la, thở thì cứu trước. Cháu bé 5 tuổi con của vợ chồng tài xế bay ra khỏi xe được cứu đầu tiên”.

Ở khúc sông này, ông Hiệu đã cứu hàng trăm người, dù vậy nhiều chuyện tới nay nhắc lại ông vẫn nhói lòng. “Có lần tôi đang thu lưới thì nhìn thấy một cô gái nhảy sông, vội vàng bơi đến nhưng do thuyền lủng, phải vừa chèo vừa tát nước, còn vài mét nữa mà không kịp, nhìn cô gái chìm xuống mà lòng tôi đau thắt. Tôi bỏ cả ăn trưa để mò bằng được xác của cô ấy”, ông ngậm ngùi.

Cuối năm 2012, có 4 người ở Gia Lai tìm đến nhà tặng ông bốn triệu đồng để đóng lại xuồng. Từ khi có xuồng mới, ông cứu được nhiều mạng sống hơn.    

MỚI - NÓNG