Chuyện ít biết về trung tâm... trâu chọi quốc tế

Anh Thiệu bên đứa “con cưng”.
Anh Thiệu bên đứa “con cưng”.
Triền đê xã Tiền Tiến (huyện Thanh Hà, Hải Dương) sớm chiều hắt bóng những tấm thân khổng lồ đen nhếnh nhoáng của các “vận động viên trâu”.

Những con vật nặng ngót nghét một tấn, cào móng xuống đất, giương sừng lên trời như chực hất tung đối thủ. Đây là nơi quy tụ, chăm sóc, huấn luyện những con trâu chọi trị giá lên đến vài trăm triệu đồng cho các xới đấu ở Việt Nam và khu vực... 

Mê trâu số 1 

Triền đê xã Tiền Tiến (huyện Thanh Hà, Hải Dương) sớm chiều hắt bóng những tấm thân khổng lồ đen nhếnh nhoáng của các “vận động viên trâu”. Những con vật nặng ngót nghét một tấn, cào móng xuống đất, giương sừng lên trời như chực hất tung đối thủ. 

Trần gian có lẽ Nguyễn Văn Thiệu là người mê trâu chọi số một. Anh sinh ra ở cái làng truyền thống buôn trâu để rồi nghiệp ấy quàng luôn vào cổ khi mới chưa đầy 20 tuổi. Ban đầu anh buôn trâu kéo, trâu thịt rồi bập nặng vào thú chọi trâu. 

Vùng nào có giống trâu lớn lại được cho kéo gỗ từ nhỏ thường là thân vạm vỡ, tính khí hung, chọi rất “máu lửa” như trâu Tây Nguyên, trâu Nghệ An, trâu Tuyên Quang… 

Khi có sự lạ, mắt trâu long sòng sọc, cu nở như hoa, chân cào xuống đất, đầu ngúc ngoắc không ngừng là những con máu chiến. Lúc ấy dù có vài lực điền kéo lại đi chăng nữa cũng khó lòng ngăn cản được cơn giận dữ điên cuồng đang bùng lên như ngọn lửa. 

Có những con trâu quý, thuyết phục chủ nhân bán còn khó hơn cả thuyết phục Khổng Minh rời lều cỏ. Như đợt ở Cần Thơ, anh Thiệu kết một con trâu quá mà chủ của nó cứ nhất định nói không. 

Chẳng quản ngại đường xa cách trở Nam-Bắc khi anh mua cho chủ trâu chai rượu quý, lúc lại dúi cho bà vợ chủ trâu một món quà đắt tiền. Đúng 10 lần đi lại như vậy trong suốt 3 năm ròng anh mới nhận được cái gật đầu. 

Trâu ngoại thì Vân Nam (Trung Quốc) là đệ nhất vì ở đó chúng ăn khổ, làm cực nên vỗ lên rất sung sức còn ngược lại ở đâu trâu quen sướng, quen lười thường bị đờ chỉ “chọi” được trong xoong, trong chảo

Săn trâu chọi ở trong nước chưa thỏa anh còn sang Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Trung Quốc để kiếm tìm, có lúc mải đến mức ngày đi quên ăn, đêm đi quên ngủ. Những lộ trình cưỡi mây lướt gió đến vịnh Thái Lan bằng đường hàng không hay vượt trăm núi ngàn đèo bằng đường bộ từ Lào Cai xuyên Côn Minh - Vân Nam - Tây Tạng (Trung Quốc) tốn kém cả trăm triệu đồng anh cũng không từ. 
Người có hung có hiền, trâu cũng vậy. Có con chỉ nhác thấy địch thủ đã cong đuôi chạy nhưng có con dù thấy trước mắt một trận huyết chiến vẫn ngẩng cao sừng. Những con trâu sát thủ thường hội đủ nhiều đặc điểm như mặt to, mắt nhỏ, mí mắt dày, mình trắm, cổ vại, lông cứng tựa rễ tre, chim to, hòn cà thâm vắt chéo.

Đã bốn khoáy đóng kiểu tiền treo, hậu trễ (hai khoáy đằng vai đóng cao, hai khoáy đằng mông đóng thấp) lại còn thêm khoáy tam tinh to bằng đồng xu ở mặt. Đã chân móng hến lại còn sừng hứng tiền (sừng cong về phía trước như đôi tay giang ra hứng tiền) thì chỉ biết chiến chứ không biết lùi. 

Những “chiến binh trâu” 

Trại trâu có ba vòng bảo vệ. Thứ nhất là người. Thứ nhì là chó. Thứ ba là ngỗng. Hễ có sự lạ, ngỗng kêu kíu kíu báo động, chó sủa gâu gâu không ngừng đồng thời nhe nanh ra dọa. Chó có thể bị bả nhưng ngỗng thì không, nên chúng là cặp bổ khuyết cho nhau một cách hoàn hảo. 

10 “chiến binh trâu” ngoe ngoảy đuôi hiền lành nhai cỏ trong máng. Khẩu phần ăn của chúng mỗi ngày trên dưới 100.000đ gồm 15 kg bã bia, 7 kg cám, 50 kg cỏ voi và không thể thiếu được là 10 kg rơm. 5 cây rơm khổng lồ dựng ngay trong khuôn viên trại có lẽ là những cây rơm lớn nhất tôi từng gặp. Mỗi cây được đánh bằng số rơm rạ thu về của 10 mẫu ruộng. Nguồn rơm này giúp cho đám trâu đỡ bị đau bụng, đi ngoài vì thiếu chất xơ. 

Chuyện ít biết về trung tâm... trâu chọi quốc tế ảnh 1 Anh Thiệu có lẽ là người mê trâu chọi số 1 trần gian.

Trước khi thi đấu khoảng một vài tháng, trâu rời trại xuống Đồ Sơn (Hải Phòng) để luyện bơi trong đầm lầy, chạy trên đường nhựa, lội bùn ngập ngang thân. Anh Thiệu có lẽ là người mê trâu chọi số 1 trần gian “Trâu khỏe đẻ ra đòn” nên khẩu phần lúc này của chúng ngoài thức ăn thông thường còn được tẩm bổ mỗi ngày hai chai bia với chục lòng đỏ trứng cùng cả vốc vitamin, thuốc bổ. Chuyện phòng the tuyệt đối cấm. Không kể tiền thức ăn, thuốc bổ, mỗi con trâu khi luyện võ ở lò phải trả cho “sư phụ” 2,5-3 triệu đồng/tháng. 

Mỗi con trâu một đòn đánh. Con cáng hầu, con hổ lao, con đè đầu, con móc mắt. Mỗi con trâu một tính cách. Con quyến chủ, ngoan ngoãn như một chó con, đi đâu cũng ngoăn ngoắn đuôi theo. Con chỉ sểnh ra một cái là động sừng, động thủ. Trâu đánh hay thường tầm 10-12 tuổi, thời điểm sung sức và giàu kinh nghiệm chiến đấu nhất. 

Ngoài 10 “chiến binh” trong trại, anh Thiệu còn hai “vũ khí bí mật” nữa là hai chú trâu khổng lồ mỗi con nặng trên dưới 1 tấn, trị giá không dưới 250 triệu đang được gửi chăn ở Gia Lai. Cặp trâu 9 tuổi này hứa hẹn sẽ đem về vinh quang cho chủ nhân của chúng trong một hai năm nữa. 

Từ lò huấn luyện của anh, con trâu vô địch Hưng Yên năm 2014 được thương lái Trung Quốc sang tận nơi đón về với giá 330 triệu. Nó đãi chủ mới bằng cách thắng liên tiếp thêm hai giải nữa nơi xứ người. Tháng 10/2015 anh Thiệu đi 2 ngày 3 đêm bằng đường bộ sang Quảng Châu, Trung Quốc chỉ để xem con trâu số 32 vô địch giải Chiêm Hóa đấu một trận quyết định vòng chung kết rồi lại trở về. Chuyến đi mất đúng 30 triệu đồng lộ phí. 

Chuyện ít biết về trung tâm... trâu chọi quốc tế ảnh 2 Dáng hùng dũng của con trâu chọi.

Một con trâu khác, số 02 được bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc cả mấy ngàn cây số nên tới giờ anh vẫn chưa có dịp thăm lại “học trò” xem thi đấu ra sao. Ở Trung Quốc không có lệ mổ trâu vô địch tế thần như một số xới ở Việt Nam, giải thưởng cho con vô địch thường rất lớn tương đương cả tỉ đồng tiền Việt.

Ngược lại, phận trâu chọi ở Việt Nam nếu vô địch cũng chỉ được khoảng 50-70 triệu đồng tiền thưởng trong khi chi phí mỗi con tới 200-300 triệu nên chủ nhân của nó chỉ còn hi vọng ở khoản… xẻ thịt bán. Mỗi cân thịt trâu lộc giá lên tới vài triệu đồng mà còn xô đẩy nhau để tranh mua. Trâu từ hạng nhì đổ xuống khi bán thịt chỉ đủ tiền công chăm sóc là may. 

Trong các thế hệ “học trò” của mình, con trâu số 56 vô địch giải Hàm Yên (Tuyên Quang) để lại cho anh Thiệu sự nhung nhớ, luyến tiếc nhất bởi đòn cáng độc nhất vô nhị. 

56 nổi tiếng tinh khôn, không bao giờ trực diện nhận đòn hổ lao - thứ đòn sát thương bậc nhất của loài trâu. Những con trâu chơi đòn hổ lao thường rất gan dạ, sung sức, hùng hục lao đầu vào đối thủ. 

Khi cả hai con cùng chơi đòn này thì thời gian trận đấu được định đoạt chỉ trong vài tích tắc. Tiếng “kh…ộp” khô khốc, chát chúa vang lên từ sự va đập dữ dội của hai cặp sừng khiến cả hai cùng đổ gục, máu tươi đầm đìa sân.

Chuyện ít biết về trung tâm... trâu chọi quốc tế ảnh 3  Đầu một con trâu vô địch.

56 khi thấy đòn hổ lao thường giả vờ chạy nhưng khi đối thủ vừa sơ ý là nó quay lại, đè đầu, móc sừng vào mép hất ngược lên. Tư thế này hiểm hóc, đau đớn đến mức không thể hóa giải. Chiêu khóa mồm siêu hạng này được 56 thực hiện điêu luyện mười trận như một khiến nó loại liên tiếp 5 con trâu mộng của giải để lên ngôi vô địch. 

Lúc người ta bắt 56 quỳ xuống chuẩn bị tế thần con vật như cũng linh cảm được cái chết đang cận kề, nước mắt lưng tròng, ngó trân trân nhìn chủ. Anh Thiệu lúc ấy cũng phải ngoảnh mặt đi. Một “học trò” xuất sắc khác là con 05 ở giải Đồ Sơn cũng cống hiến cho khán giả một trận chiến hay khi giáp mặt 21. 

Nhiều người trên khán đài hôm ấy tí ngất khi chứng kiến cảnh 05 dùng sừng nhấc bổng bụng 21 lên không trung. Từ lỗ thủng nhọn hoắt, sâu hoắm ấy, máu tươi phun ra thành dòng. Chiêu móc bụng này tuy hiểm nhưng vẫn không khó bằng kỹ thuật giả vờ bỏ chạy rồi quay lại cáng mép của 56. Trên 200 con trâu chọi qua tay anh Thiệu chỉ có ở nó là làm được việc này.

Theo Theo Nông nghiệp Việt Nam
MỚI - NÓNG