Chuyện ít biết về vợ chồng người bảo vệ Bác Hồ

Bức tranh Bác Hồ về nước của họa sĩ Trịnh Phòng. Ông Phạm Văn Lộc, người gánh va ly
Bức tranh Bác Hồ về nước của họa sĩ Trịnh Phòng. Ông Phạm Văn Lộc, người gánh va ly
TP - Mãi 21 giờ tối, sau khi dự Lễ kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, tôi từ Tân Trào về thành phố Thái Nguyên, nhận được điện thoại của TS Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh mời 8 giờ sáng mai, xe qua đón đi cùng anh Lợi, cháu ông Phạm Văn Lộc - chiến sĩ, bảo vệ, giúp việc Bác Hồ hy sinh tại Khuôn Tát, An Toàn Khu (ATK) Định Hóa (1948). Và mạch nguồn thời gian cứ thế hé mở…

Kỳ 1: Một đời tận tụy, không màng lợi danh

Vào đầu tháng 6/1928, Nguyễn Ái Quốc từ Béc Lin (Đức) qua Thụy Sĩ, Italia, đến Napoli (miền Nam nước Ý) đáp tàu thủy Nhật Bản đi Xiêm (Thái Lan). Lấy bí danh là Thầu Chín, Người thâm nhập vào Việt kiều ở tỉnh Uđon Thani, chọn Nguyễn Văn Ty (sinh năm 1900, quê xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đặt tên là Phạm Văn Lộc làm bảo vệ. 

Anh Lộc tháo vát, thông minh, thông thạo tiếng Thái Lan, tiếng Lào, tiếng Pháp, giỏi võ nghệ, có nghề thuốc nam gia truyền rất tiện cho việc bảo vệ, đưa Thầu Chín từ Uđon Thani đến Xa Vong, Na Khôn Pha Nôm, Noong Khai... hai thầy trò quẩy gánh giả dạng bán thuốc rong ruổi khắp Thái Lan, Thầu Chín phát hành tờ báo Thân Ái trong Việt kiều, đào tạo hội viên Chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, dịch sách Mác Xít phổ thông: Nhân loại tiến hóa sử, A.B.C.

Chủ nghĩa cộng sản... Hễ dừng chân, đồng chí Lộc quên cả mệt mỏi lo cơm nước cho Thầu Chín, thức ăn mang theo chỉ có thịt kho mặn, muối vừng nèn vào ống bương cho những bữa ăn để vượt hàng nghìn cây số, được đào tạo, rèn luyện với sự thông thạo tiếng, có giấy tờ đi lại, Phạm Văn Lộc giúp Thầu Chín hai lần (tháng 7/1928 và tháng 11/1928), vượt sông Mê Công sang thị xã Xavănnakhẹt và Bản Xiêng Vang, huyện Noọng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, Lào để khảo sát tìm đường bí mật “đột nội” về Việt Nam, nhưng do bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới làm gắt nên việc không thành.

Theo Nguyễn Ái Quốc sang Trung Quốc hoạt động (tháng 11/1929) Phạm Văn Lộc chia tay người vợ trẻ Nguyễn Thị Cúc - mới 22 tuổi, một liên lạc viên tháo vát được Thầu Chín gọi là thím Nghĩa với lời dặn dò: Nếu ba năm anh không về, em hãy đi lấy chồng... 

Trước đó bà Cúc đưa tài liệu mật cuộn trong lốp xe và cổ phuốc xe đạp bị mật thám theo dõi, đuổi bắt phải lao xe chạy, bị ngã, gãy cổ phuốc lòi tài liệu ra, bà bị mật thám bắt treo ngược lên cây đánh đập dã man, bị sẩy thai nên không thể có con. Phạm Văn Lộc căn dặn Nguyễn Bun trong Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội: Mình đi hoạt động bí mật nay đây, mai đó, biền biệt khó về, vợ mình không có khả năng sinh nở, anh sinh con thì cho bà một đứa nuôi làm chỗ dựa lúc về già...

“Trong lúc khó khăn, gian khổ, làm việc không chút nề hà, đến lúc nước nhà độc lập cũng không mảy may đòi hưởng thụ, đó là phẩm chất của Phạm Văn Lộc”.

Bác Hồ
Ông Đặng Văn Cáp kể lại trong hồi ký “Con đường dẫn tôi đến với Bác”: Tháng 5/1940 đồng chí Trịnh Đông Hải (tức Vũ Anh) đang làm cho hiệu Vĩnh An Đường, lợi dụng xe của chủ, ông lái xe lên đón Đặng Văn Cáp và đồng chí Lộc (Phạm Văn Lộc) về Côn Minh - Trung Quốc. Tại đây, Đặng Văn Cáp và Phạm Văn Lộc được Phùng Chí Kiên đưa vào gặp đồng chí Hồ Quang. Ông Lộc ngỡ ngàng hóa ra Hồ Quang là anh “Thầu Chín” ông đã gặp ở Thái Lan.

Ở Côn Minh, Phạm Văn Lộc và Đặng Văn Cáp còn gặp Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) và Bùi Thanh Bình (tức Bùi Đức Minh) ở trong nước mới ra và Cao Hồng Lĩnh từ Diên An về.

Bác dự tính về nước bằng đường Côn Minh - Lào Cai qua huyện Khai Viễn. Bác phái Bùi Thanh Bình về Hồ Kiều tìm hiểu tình hình đường sá và cử đồng chí Lộc về theo... làm nhiệm vụ khảo sát tìm đường “đột nội”. Về Hồ Kiều (Hà Khẩu - thị trấn có cửa khẩu thông sang Lào Cai), Bùi Thanh Bình có nhiệm vụ thăm dò tình hình trong nước, Phạm Văn Lộc được đưa vào làm ở một hiệu bánh làm cơ sở liên lạc, có nhiệm vụ lo liệu mọi mặt suốt dọc đường từ Vân Nam về Hồ Kiều sau này...

Cuối tháng 6/1940, đường giao thông bị tắc, kế hoạch về nước bằng đường Lào Cai bị bỏ, đồng chí Lộc được Nguyễn Ái Quốc gọi về Côn Minh. Hạ tuần tháng 12/1940, Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ rời Quế Lâm đi Tĩnh Tây (Quảng Tây), sau tết dương lịch (1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Tân Khư, Tĩnh Tây thay mặt trung ương Đảng, báo cáo với Người tình hình trong nước, những công việc đang thực hiện và kế hoạch chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ tám, đề nghị Người chọn hướng Cao Bằng để về nước...

Nguyễn Ái Quốc cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp được Hoàng Sâm dẫn đường qua Nậm Bó xuống Nậm Quang một làng sát biên giới Trung - Việt mở lớp huấn luyện 43 thanh niên yêu nước từ Cao Bằng sang. Sau đó Nguyễn Ái Quốc cùng Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Thế An và Phạm Văn Lộc (Bảo tàng Hồ Chí Minh xác minh là Phạm Văn Lộc chứ không phải Hoàng Văn Lộc như trong các tài liệu sách, báo trước đã nêu) về nước.

Ngày 1 tháng 1 Tết Tân Tỵ (năm 1941), Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn đi chúc tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Ngàn Tấy. Ngày hôm sau 28/1/1941, tức mùng 2 tháng 1 tết, đoàn rời Nậm Quang, vượt qua cột mốc số 108 về Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

TS Chu Đức Tính cho biết, Phạm Văn Lộc là người thứ 5 gánh va ly trong bức tranh Bác Hồ về nước của họa sĩ Trịnh Phòng được trưng bày trong các Viện bảo tàng. Sau 13 năm (1928 - 1941) Phạm Văn Lộc đã tận tình bảo vệ, giúp việc Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan - Trung Quốc về Pác Bó xây dựng căn cứ địa lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Ông tham gia tổ chức bảo vệ, lo ăn, ngủ cho cán bộ về dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (tháng 5/1941) tại Khuổi Nặm, làm in ấn báo Việt Nam Độc Lập.

Bà Hoàng Thị Hoa, lão thành cách mạng 93 tuổi, dân tộc Tày, vợ đảng viên Hoàng Văn Súng (tức La Thanh) chi bộ Pác Bó, nhà ở bản Cốc Chủ (làng Pác Bó), được già Thu (Bác Hồ) đến nhà ở, làm việc ba ngày đầu tiên, rồi đặt tên cho bà là Hoa và đặt trạm liên lạc tại nhà bà hồi 1941 - 1945, cho biết, khi Bác Hồ ở hang Cốc Bó, cách nhà La Thanh trên 200m thiếu thốn trăm bề, ăn uống kham khổ, nhờ có anh Lộc lo toan nên cũng đỡ phần nào. 

Chuyện ít biết về vợ chồng người bảo vệ Bác Hồ ảnh 1 Lê Văn Lợi với bà Nguyễn Thị Cúc (1980) bên cây sứ Bác Hồ mang giống về trồng tại phủ Chủ Tịch. Đồng Khắc Thọ chụp lại 
từ ảnh tư liệu gia đình

Cháo bẹ, măng luộc, hoa chuối, bữa ăn ngô nhiều hơn cơm, anh Lộc bao giờ cũng dành cho mình phần ngô để phần cơm nhiều hơn cho Bác. Khi nấu cơm anh chắt lấy nước nài nỉ ông Ké (Bác Hồ) uống để bồi dưỡng. 

Ông vận động anh em mò cua, bắt ốc, đánh cá, đi săn, nuôi thả rau cải xoong thành từng đám nhỏ bên khe suối (đến nay bà con ở Pác Bó vẫn nuôi thả “rau Bác Hồ”), có thêm bữa ăn tươi chống lại giá lạnh, ẩm thấp nơi miền sơn cước để Bác cháu vượt qua những cơn sốt rét rừng. Phạm Văn Lộc thạo cả tiếng Trung Quốc, tiếng Tày, sống chan hòa được dân Pác Bó quý mến.

Trước lúc rời Tân Trào về Hà Nội, Người căn dặn các đồng chí ở lại củng cố căn cứ địa Việt Bắc gồm Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan, Trần Thị Minh Châu, Triệu Hồng Thắng và Phạm Văn Lộc...: “Biết đâu ta còn quay lại đây nhờ cậy đồng bào lần nữa”. 17 năm, Phạm Văn Lộc giúp việc, bảo vệ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1928 - 1945), cho đến khi nước nhà độc lập 2/9/1945 ông không mảy may đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, không nề hà bất cứ nhiệm vụ gì cách mạng và Bác giao phó...

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, huyện Định Hóa trở thành An Toàn Khu (ATK) Trung ương - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ ở, làm việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp... Phạm Văn Lộc đang phụ trách binh công xưởng ở Tuyên Quang (1945 - 1947) được gọi về giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Lần này ông được Người đặt tên là Đồng trực tiếp nấu ăn và giúp việc Người trên mọi nẻo đường kháng chiến. Trở về Khuôn Tát, dưới chân núi Hồng, ông bị sốt rét ác tính, bệnh đường ruột quật ngã. Bác Hồ rất buồn, Người cùng các đồng chí của Văn phòng Phủ Chủ tịch: Vũ Kỳ, Triệu Hồng Thắng, Tạ Quang Chiến... an táng Phạm Văn Lộc bên khe suối Khuôn Tát (3/6/1948). Vào ngày sinh của Người (19/5/1949), các chiến sĩ bảo vệ, giúp việc tặng Bác Hồ bó hoa rừng. 

Người rơm rớm nước mắt bảo: Mang hoa ra đặt trên mộ chú Lộc. Nói về người giúp việc thân tín, Bác bảo:“Trong lúc khó khăn, gian khổ, làm việc không chút nề hà, đến lúc nước nhà độc lập cũng không mảy may đòi hưởng thụ, đó là phẩm chất của Phạm Văn Lộc”.

(Còn nữa)
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.