Chuyện lạ về y đức của một bậc chân tu

Đêm đêm bác sỹ Điền ở lại phòng máy miệt mài nghiên cứu.
Đêm đêm bác sỹ Điền ở lại phòng máy miệt mài nghiên cứu.
TP - Trước thực trạng quá nhiều người mắc bệnh tim nặng tại Tây Nguyên phải chuyển viện lên tuyến trên điều trị, những ca tử vong không đáng có do bệnh viện tuyến cơ sở chưa đủ điều kiện triển khai, chuyên gia tim mạch Nguyễn Văn Điền đã thuyết phục 4 học trò là các bác sĩ nội trú, cử nhân điều dưỡng cùng rời Huế lên Đắk Lắk “hành hiệp” cứu người.

Chuyện chưa từng thấy

Dư luận rầm rì truyền tai nhau, vừa tò mò, kinh ngạc, vừa hoài nghi... về  ê kíp 5 thầy trò của thạc sĩ - bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Điền rời Huế lên Đắk Lắk định cư và công tác tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đắk Lắk mấy tháng qua.

Họ nói: BS Điền đề bạt học trò lên lãnh đạo khoa, thầy chỉ làm nhân viên để tập trung cho chuyên môn. Sau khi lắp đặt xong hệ thống DSA (máy chụp mạch số hóa xóa nền), thành lập khoa Cấp cứu và Can thiệp Tim mạch, năm thầy trò túc trực cả tháng suốt 24/24 giờ tại bệnh viện, sinh hoạt chung trong căn phòng bé xíu chỉ đủ kê 2 chiếc giường đơn. Họ thay nhau người ngủ giường, người trải chiếu ngủ đất sau những giờ sẵn sàng tiếp đón người bệnh bất cứ lúc nào. Chuyện chưa từng thấy ở vùng đất này!

“Thấy bệnh nhân nườm nượp đến khám, tôi lại hào hứng làm ngày làm đêm, không biết mệt. Sống làm sao để không hổ thẹn với lòng mình là điều khó nhất. Nhiều bệnh nhân không hiểu, cứ nằng nặc đòi chuyển viện. Biết bệnh tình họ lênh đênh trên đường sẽ chết, mình phải cố giữ họ lại để chữa... Lỡ rủi ro, họ kiện, nếu bị ngồi tù chắc tôi vẫn vui vì mình đã làm đúng. Mẹ tôi năm nay đã 85 tuổi, bà đã quen với cảnh tôi đi biền biệt cứu người. Bà dặn tôi cứ yên tâm làm được càng nhiều điều lành thì bà càng khỏe. Ngày nào tôi không khám chữa bệnh được nữa, tôi sẽ tập trung viết sách y khoa để lại cho đời. Viết xong, có chết cũng hài lòng. Đời như gió cuốn đi thôi ! ”          

 BS Điền chia sẻ

Lại nghe: Để gặp được BS Phong, giám đốc nghiêm khắc của BVĐK Đắk Lắk không phải là điều dễ ! Nhưng đối với ê kíp của BS Điền, BS Phong không những thường xuyên gặp gỡ, mà hàng ngày còn tự tay pha chè xanh mang vào BV cho BS Điền, cuối tuần vào vai tài xế mời BS Điền đi ăn sáng. Thậm chí BS Phong còn gọi BS Điền - nhân viên kém tuổi hơn một giáp bằng thầy. Chuyện quá lạ ở đây!

Chưa hết: Những năm gần đây, BVĐK Đắk Lắk luôn trong tình trạng quá tải, chật chội, không thể cơi nới. Giải pháp là khi BVĐK Tây Nguyên tổng đầu tư hơn một nghìn tỷ xây xong sẽ chuyển hầu hết dàn nhân sự và số khoa phòng BV cũ này sang đó, giấc mơ chưa biết bao giờ thành hiện thực, vì BVĐK Tây Nguyên xây dang dở mãi chưa xong. Vậy mà khi biết tin ê kíp của BS Điền  lên Đắk Lắk, lãnh đạo BV lập tức cắt hẳn 1 tầng của khoa “Điều trị theo yêu cầu” để lập khoa mới. Thậm chí, một người bạn học thời sinh viên của BS Điền ở bản địa còn mua hẳn một căn nhà để thầy trò BS Điền “an cư lạc nghiệp”. Chuyện cứ như bịa!

Cứu tinh của bệnh nhân tim mạch

Tôi hỏi BS Phong- Giám đốc BV thực hư về những điều lạ đó ông xác nhận: Họ nói đúng! Thầy Điền là một bậc chân tu, là tấm gương trong sáng mà khi soi vào đó, tôi tự thấy bản thân có nhiều điều phải xem lại mình! Nhìn BS Điền nghèo như thế, ít ai ngờ rằng khi lên Tây Nguyên, ngoài việc đưa một ê kíp là những thạc sĩ, bác sĩ nội trú giỏi từ Bệnh viện Đại học Y Dược Huế theo cùng, ông còn mang nhiều dụng cụ, vật tư trị giá tiền tỉ của mình đến hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân.

Chuyện lạ về y đức của một bậc chân tu ảnh 1 Một ca can thiệp tim mạch cho bệnh nhân tại BVĐK Đắk Lắk.

Nhờ có sự nhập cuộc của ê kíp này, Bộ Y tế đã vào thẩm định và ban hành quyết định cho phép BVĐK Đắk Lắk thực hiện gần 60 danh mục, hơn 50 loại kỹ thuật tuyến trung ương chủ yếu về can thiệp tim mạch. Lễ thành lập khoa Cấp cứu và Can thiệp Tim mạch được tổ chức trang trọng vào ngày 9/8/2016 tại BVĐK tỉnh. Hiện khoa có 14 cán bộ nhân viên, trong đó  ê kíp 5 thầy trò BS Điền là hạt nhân chủ chốt.

Trước khi BS Điền đến Đắk Lắk,  BV đã nhận được nhiều trang thiết bị kỹ thuật cao từ dự án ODA mà chưa có người sử dụng, trong đó có cả hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền hiện đại nhất cả nước, trị giá khoảng 50 tỷ đồng.

Khi tự tay mở những thùng máy nguyên đai nguyên kiện, BS Điền vui mừng tìm được kho báu. Thầy trò ông đã biến nhà kho chứa máy thành những căn phòng tinh tươm để triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu mà trước đây chỉ một số BV tuyến trung ương mới co. Đó là các kỹ thuật bậc cao như chụp và can thiệp mạch vành, đặt máy tạo nhịp tạm thời và vĩnh viễn, điều trị bệnh tim bẩm sinh, chụp và can thiệp các mạch máu ngoại biên… giúp giảm tỷ lệ tử vong,  dân không phải lo chuyển viện.

Để gió cuốn đi...

Khi phóng viên đi tìm hiểu về BS Điền ông không muốn nói về mình, cũng không muốn ai ngợi ca những việc mình đã và đang âm thầm cống hiến.  Nhưng dư luận vẫn ly kỳ đồn thổi, nhiều cán bộ trong ngành xúc động khi nói về ông-một tấm gương tỏa đức từ bi cho nghề Y vốn dĩ cao quý, mà gần đây quá nhiều nỗi phiền lòng. Tôi phải liên hệ với đồng hương, bè bạn gần xa của ông để chắp nối thông tin về vị bác sĩ chân tu này.

Sinh năm 1970 tại Huế, cha mất sớm, từ năm 4 tuổi cậu bé Nguyễn Văn Điền được mẹ gửi vào chùa. Triết lý nhà Phật thấm nhuần trong cậu học trò thông minh. Thời phổ thông Điền học chuyên toán trường Quốc học Huế. Sau khi tốt nghiệp cao cấp Phật học, đại học Y khoa, cao học Nội khoa, BS Điền tiếp tục được các sư thầy hỗ trợ sang BV Đại học Y khoa Quảng Tây - Trung Quốc, học chuyên sâu thêm 3 năm về can thiệp tim mạch.

Năm 2005 về nước, BS Điền vào Viện Tim TPHCM, BV Chợ Rẫy, ra BV Bạch Mai để thực tập, nâng cao tay nghề. Trước khi vào Đắk Lắk, ông vừa tham gia giảng dạy, vừa làm công tác chuyên môn tại khoa Cấp cứu và Can thiệp Tim mạch của trường Đại học Y Dược Huế. Ông vừa viết và xuất bản 2 đầu sách giá trị về chuyên môn. Báo chí nhiều lần đưa tin về những ca cực khó mà BS Điền trực tiếp điều trị thành công như: tăng huyết áp kháng trị do hẹp mạch thận, đặt coil cấp cứu trong trường hợp vỡ phình mạch não...        

Chuyện lạ về y đức của một bậc chân tu ảnh 2

Căn phòng tạm trú của 5 thầy trò BS Điền trong bệnh viện.

Tại BVĐK Đắk Lắk, thầy trò ông đã cứu sống nhiều ca bệnh nặng ngay ngày đầu ra mắt: Một bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đang choáng, nếu chuyển viện sẽ chết trên đường đi.  Một linh mục đến từ Đắk Nông bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất, tính mạng mong manh. Rồi những ca tắc mạch gây hoại tử chi được thông mạch kịp thời, giúp người bệnh không bị cắt cụt chi. Những ca đột quỵ cận kề cái chết nửa đêm nhập viện…  Chỉ trong hơn 1 tháng, thầy trò ông đã cứu được hơn 50 trường hợp bệnh tim mạch hiểm nghèo.

Ca mới nhất, ngày 15/9, lãnh đạo BVĐK Đắk Lắk xác nhận khoa Cấp cứu và Can thiệp Tim mạch lại vừa cứu sống một bệnh nhân rất đặc biệt. Giấy chứng minh nhân dân ghi rõ bệnh nhân Nguyễn Thị Khóa sinh năm 1916, vừa tròn 100 tuổi, sáng ngày 11/9 nhập viện trong tình trạng trụy mạch, ngưng tim, nhồi máu cơ tim cấp với bệnh sử suy thận mạn giai đoạn cuối, trước đó đã nằm chạy thận nhân tạo suốt 3 tháng ở BV Chợ Rẫy.

Trong lúc BS Điền công tác ngoại tỉnh chưa về, học trò ông là 2 BS trẻ Nguyễn Thiện Ái và Trương Công Minh đã bình tĩnh sốc điện ép tim ngoài lồng ngực, vừa bóp bóng nội khí quản vừa can thiệp đặt 2 stent thông tắc, xử lý chuẩn xác suốt 3 tiếng cứu sống bệnh nhân trong một phần nghìn tia hy vọng…

BS Nguyễn Thiện Ái (SN 1983) trưởng khoa Cấp cứu và Can thiệp Tim mạch BVĐK Đắk Lắk tâm sự: Thầy Điền bước ra từ cửa Phật, đã quen cực khổ và giàu tâm đức với ngành y. Suốt 4 năm cùng sống và làm việc bên thầy ở Huế, tụi em luôn thấy hạnh phúc. Về chuyên môn, thầy chỉ dạy chúng em đến nơi đến chốn, không giấu giếm điều chi. Về đạo đức, khó có  thể theo thầy trọn vẹn vì em còn có vợ con và  trách nhiệm với gia đình. Em ước mua một mảnh đất, cất nhà đón vợ lên Tây Nguyên ở luôn. Nếu có điều kiện thì cất cho thầy một căn nhà bên cạnh, thầy trò gắn bó với nhau mãi mãi...

MỚI - NÓNG