Chuyện Mường Nhé, Mường Tè - Kỳ 2: Gặp lại Sín Thầu

Tết của đồng bào dân tộc Hà Nhì là ngày hội ở vùng đất ngã ba biên giới xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên). Ảnh: Xuân Tùng
Tết của đồng bào dân tộc Hà Nhì là ngày hội ở vùng đất ngã ba biên giới xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên). Ảnh: Xuân Tùng
TP - Tôi đã hai lần về bản Sín Thầu của Mường Nhé nơi cực Tây Tổ quốc, nơi có ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung, nơi “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Sín Thầu có cột mốc số 0, ở tọa độ 22°23’59”B (độ vĩ Bắc), 102°8’42”Đ (độ kinh Đông)

Chuyện về Pờ Hùng Sang sinh viên đầu tiên của người Hà Nhì tốt nghiệp đại học báo chí của Học viện Báo chí tuyên truyền là chất liệu người làm nghề viết lách, nếu có tài sẽ dựng lên những thứ hút bạn đọc, có thể là phim ảnh tiểu thuyết về dòng họ Pờ người Hà Nhì ở vùng biên viễn cực Tây Tổ quốc. Nhưng tiếc, bây giờ chưa có. Tôi chỉ sơ lược vỡ vạc thế này.

Lần ấy lên cột mốc số O. Qua một khu nhà nép bên đường kiểu trang trại khá khang trang, chúng tôi ghé vào. Khu nhà, chỗ tường trình bằng đất, chỗ tường đá phòng khách rồi hành lang rợp mát uyển chuyển các thứ cây cảnh. Khoảnh sân tinh tươm, có chỗ nghinh phong uống trà.  Cỡ trăm du khách ghé đây có vẻ lọt thỏm? 

 Rõ là một tay có máu mặt lẫn khiếu thẩm mỹ thì mới xây cất nên một cơ ngơi bắt mắt thế này. Chủ nhân không phải là đại gia dưới xuôi lắm tiền lên mạn ngược để trốn đời mà là dân bản địa hẳn hoi. Dáng lừ đừ, ít nói. Người vậm vạp. Thư thả buông từng tiếng một, ông là  Pờ Dần Sinh,  nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu.

Ngồi chuyện mới lóe ra lắm thứ. Ông Sinh là con trai thứ sáu của một gia đình có 11 anh chị em họ Pờ. Người anh cả là Pờ Sì Tài, từng là công an xã Sín Thầu, người mà cách đây ba năm nhà báo Như Phong đưa tôi lên Mường Nhé ghé chơi có giới thiệu là anh kết nghĩa. Chuyện anh em kết nghĩa, từ những ngày Như Phong còn là anh chiến sĩ công an vũ trang trẻ măng đóng quân ở ngã ba biên giới. 

Pờ Sì Tài trọng lượng cơ thể trên một tạ, nổi danh thiện xạ đánh nhau với gấu, mưu trí bắt được cả hổ. Những năm ngã ba biên giới này tao loạn hết thổ phỉ lại chiến tranh biên giới phía Bắc, sự phối hợp hiệu quả của an ninh địa phương Sín Thầu và lực lượng chủ lực, vai trò của Trưởng công an xã Pờ Sì Tài nổi trội tới mức bọn thổ phỉ trước đây cũng như thám báo sau này đã treo giải phải lấy cái đầu của Pờ Sì Tài. Nhưng nhờ sự mưu trí dũng cảm, giỏi nghiệp vụ, lại được sự che chở giúp đỡ của dân, Pờ Sì Tài nhiều phen thoát hiểm.

Con dòng cháu giống. Chả phải ngẫu nhiên mà dòng họ Pờ có căn cốt cả. Ông cụ thân sinh Pờ Sì Tài, là Pờ Pố Chừ - đảng viên đầu tiên của vùng ngã ba biên giới. Từng làm chủ tịch huyện có nhiều thành tích nhưng ông vẫn có mối hận là văn hóa kém nên làm việc rất khổ! Vì thế nên ông hối hả thúc giục con cái phải siêng năng đi học cái chữ. Những năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tuy chỉ cách Điện Biên hơn 200 cây số nhưng biên ải cực Tây gần như biệt lập bởi không có đường sá nào đến được.

Ông Pờ Sì Tài, người anh cả, làm trưởng ban Công an xã Sín Thầu đến mấy chục năm. Sín Thầu là xã đầu tiên có ban công an được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Mấy người con của ông Tài nay đều phương trưởng. Người con cả là trung tá Pờ Chí Lìn, chính trị viên phó huyện đội Mường Nhé. Pờ Pờ San là thượng úy công an huyện, Pờ Trinh Phạ là phó chủ tịch UBND xã Sín Thầu...

Người anh thứ hai là Pờ Gia Tự trước khi về hưu là phó chánh án TAND huyện Mường Tè. Người anh thứ ba là Pờ A Sinh, có người con gái đang là chủ tịch HĐND xã. Người chị thứ tư là Pờ Mì Đu có năm người con là sĩ quan trong lực lượng vũ trang. Ông anh thứ năm chính là Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Pờ Diệp Sàng.

… Câu chuyện chúng tôi tiếp tục sau thủ tục thắp hương cho người anh ruột của chủ nhân Pờ Dần Sinh là Pờ Sì Tài cách đó không xa. Ông Tài mất năm ngoái vì trọng bệnh. Chuyện nối chuyện. Hóa ra ông Bí thư kiêm Chủ tịch Pờ Dần Sinh không chỉ  học văn hóa giỏi mà còn có đầu óc, năng khiếu làm kinh tế. Pờ Dần Sinh chăn nuôi cá, nuôi bò, nuôi trâu đều giỏi. Sín Thầu đang còn nhiều hộ nghèo nhưng so với trước đã là một trời một vực. Sự đổi thay, theo kiểu nói của ông Sinh là “Trước đây dân Sín Thầu nghiện nhiều lắm, bản nào cũng có người nghiện, cả xã có 1.350 người mà hơn 120 người nghiện. Những năm 1990 Sín Thầu vẫn biệt lập, hầu như nhà ai cũng có nương thuốc phiện. Mình làm cán bộ, muốn cho dân không đói thì phải giúp dân không nghiện”.

Bao nhiêu nỗ lực, công sức đã bỏ ra của cả cán bộ lẫn dân và bộ đội biên phòng. Nhiều người nghiện đã cai nghiện, đổi đời. Ông Trang Váng Sinh ở bản Tá Miếu - người có đàn bò hơn 100 con - nói rằng ông phục ông Sinh, học cách làm kinh tế của ông Sinh mà nay ông thành “vua bò” của ngã ba biên giới.

Đời sống dân Sín Thầu ngày một nhỉnh lên do phát triển đàn trâu, bò. Thứ trâu Sín Thầu thuần chủng to khỏe, lái buôn dưới xuôi kéo lên chọn được giá lắm. Nhất là trâu chọi. Chuyện con trâu, con bò ở Sín Thầu bây giờ cũng nhiêu khê phát sinh chuyện nhỏ thôi nhưng cũng bận tâm. Bên kia biên giới không hiểu sao rất chuộng mua phân trâu, bò!  Mà oái oăm lại phải là thứ… khô! Cứ 10 tệ quy ra tiền Việt đâu như 30 ngàn 10 kg khô. 

Dân bên này đổ xô đi nhặt phân trâu bò về phơi. Mãi rồi cũng  hết. Họ phải lần vào rừng tìm đến những nơi trâu bò thả rông. Dân vùng cao có tập quán thả rông trâu bò trong rừng. Cai quản điều hành đàn trâu bò hàng chục, hàng trăm con của mỗi gia đình thường là… con đầu đàn rất tinh khôn. Vậy nên chỗ ngủ tập trung liên tục bị quấy nhiễu do đám nhặt phân làm phiền. Con đầu đàn mới nảy ra cái lộ trình dẫn đàn đi đâu đó mà người chủ đàn trâu bò phải khốn khổ đi tìm thứ gia súc đi lạc ấy. Chuyện nhỏ nhưng gây ra không ít những xáo trộn!

Chuyện Mường Nhé, Mường Tè - Kỳ 2: Gặp lại Sín Thầu ảnh 1

Đường lên Sín Thầu.

Xe qua một con suối, bất chợt một khung cảnh quen mà lạ. Chao ôi la liệt chất ngất những dãy dài  thứ lá dong rừng biếc xanh. Từng đoàn các cô gái người Giáy, người Hà Nhì váy hoa, áo chàm khuôn mặt bừng đỏ vừa dốc sức gùi từng bó lá dong trong rừng ra. Bên những khuôn mặt hồng tươi là những gùi lá biếc xanh phối màu gợi cảm nhận về sức sống tràn trề, rạo rực. Hóa ra rừng Mường Nhé là cái mỏ là thổ ngơi của thứ lá dong rừng theo xe tải kìn kìn đổ xuôi mỗi cữ gần tết. Dân trên này vào rừng cắt lá rồi gùi ra cứ tập kết ở đây khắc có xe tải cất. 

Một cậu to khỏe bên Truyền hình an ninh lân la đến bên một cô gái thấp bé thử khoác cái gùi lá mà cô vừa đặt xuống. Những là lấy đà cùng bặm môi nhưng anh chàng không sao cất nổi gùi lá lên. Lèn cứng trong gùi là những bó lá. Mỗi bó 50 lá. Hỏi bán buôn bán cất bao nhiêu một bó? Trời đất chỉ có 3 ngàn. 

Tôi loáng thoáng biết mỗi bó lá đẹp như thế này chợ dưới xuôi là 35-40 ngàn một bó. Phác nhanh một con tính. Cả một ngày chui nhủi trong rừng rồi cật lực gùi ra cách đường đến mấy cây số, nếu có xe đến cất kịp thì mỗi cô kiếm chưa nổi trăm ngàn. Kiếm được đồng tiền ở vùng đồi, đèo Mường Nhé hẵng còn nhọc nhằn lắm lắm?

Tôi đang ngồi với Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé Pờ Hùng Sang. Tốt nghiệp đại học báo chí, Pờ Hùng Sang không đi làm báo mà về Mường Nhé làm ở Huyện ủy. Một thời gian sau được phân công đảm trách công tác Đoàn.  Chuyện với người con trai cả của Pờ Dần Sinh ở tuổi 33 có cảm giác là lạ? Hai cha con nhập thế, hẵng tạm gọi vậy-  với cái cách vừa giống vừa khang khác? Giống là cái đích làm cho dân vùng cao mở mặt. Khác là anh con được đào tạo được học hành bài bản. Tuy nghiệp vụ báo chí nhưng được rèn luyện một thời gian ở huyện ủy. 

Cũng chả nên coi cái địa bàn Sín Thầu với những công việc bấn bách kinh tế xã hội một thời của ông bố đơn giản hơn mảng công tác Đoàn và phong trào thanh niên của một Mường Nhé mênh mông rộng gần gấp đôi tỉnh Thái Bình của anh con trai? Ông bố không ít phen sốt ruột thấy anh con từng lúng túng xoay xỏa với phong trào thanh niên và công tác Đoàn? Có người từng nói với ông bố rằng, anh con cắm cái chân luân chuyển hết nhiệm kỳ sẽ ấm chân ở vị trí khác?  Không biết ông bố có tâm trạng ấy không nhưng ngồi với ông Sinh, ông thẳng tuột rằng rất lo cho anh con trai. Không lo sao được bởi Mường Nhé đâu phải là ốc đảo biệt lập. 

Dân, nhất là người trẻ nói gì họ cũng nghe bảo gì họ cũng làm? 1/3 cư dân Mường Nhé là người trẻ tuổi trưởng thành. 1/3 người trẻ, số lao động chủ lực thế hệ vàng ấy được bố trí ở lĩnh vực mảng miếng nào của mặt bằng kinh tế xã hội của Mường Nhé, điều không phải cứ giao khoán cho cánh Đoàn! Sáu hệ phái của Đạo Tin Lành đang âm thầm quyết liệt giành con chiên, giành tín đồ của mình là đang nhắm vào đội ngũ 1/3 cư dân trẻ Mường Nhé kia. Rồi bao nhiêu thứ tệ nạn khác đang giăng, đang bủa vây người trẻ…

___________________

(Còn nữa)

“Trước đây dân Sín Thầu nghiện nhiều lắm, bản nào cũng có người nghiện, cả xã có 1.350 người mà hơn 120 người nghiện. Những năm 1990, Sín Thầu vẫn biệt lập, hầu như nhà ai cũng có nương thuốc phiện.

Ông Pờ Dần Sinh


MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).