Chuyện tình nữ y tá chiến dịch Điện Biên

Nhân chứng và người trong cuộc tại triển lãm “Ký ức Điện Biên”. Ảnh: Phạm Hà
Nhân chứng và người trong cuộc tại triển lãm “Ký ức Điện Biên”. Ảnh: Phạm Hà
TP - Nhà trai mang sính lễ tới nơi thì cô dâu đi chiến dịch. Một đám cưới khác được tổ chức ngay tại hầm Đờ Cát sau chiến thắng. Có mối tình bị cấm cản nhưng kết thúc có hậu. Đó là chuyện tình của những nữ y tá, được tái hiện trong triển lãm Ký ức Điện Biên.

Cô dâu “bỏ trốn”

Ký ức Điện Biên khai mạc sáng 6/5, kéo dài hết 31/5 tại Bảo tàng Phụ nữ VN (Hà Nội). Xe thồ, gùi tải gạo được đưa vào phòng triển lãm, cùng hơn trăm bức ảnh tư liệu gợi lại chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng điều làm nên khác biệt ở triển lãm này chính là những ký ức, câu chuyện tình thời chiến.

Họ cùng làm việc, yêu nhau tại Đội điều trị 2. Và bây giờ y tá, chính trị viên Nguyễn Thị Hồng Minh, nhà ở 91 Hàng Đào- sau cùng gia đình tản cư lên Phúc Yên- vui vẻ kể câu chuyện cưới hụt. Hai bên định ngày cưới, gửi giấy mời bạn bè xa gần tới dự tháng 12/1951. Gần đến ngày cưới, cô y tá trẻ nhận nhiệm vụ đi chiến dịch Hòa Bình.

“Đoàn nhà trai mang sính lễ từ Cao Bằng về Thái Nguyên mới hay cô dâu đã đi chiến dịch. Anh ấy buồn, gửi lại mấy câu thơ “Em ơi em chớ có lo/Kiến trong miệng chén khó bò đi đâu/Vì em anh phải nhỡ tàu/Xuân này ta sẽ gặp nhau “em...đền!”. Sau tôi chụp ảnh đằng sau ghi lại bốn câu thơ, gửi kèm thư tình dài 23 trang giấy ra tiền tuyến cho anh ấy. Phải đến tháng 3/1952, kết thúc chiến dịch chúng tôi mới tổ chức tại ATK Thái Nguyên. Nhưng trước ngày cưới, do 17 ngày đi bộ trong rừng để đến nhà anh xin mấy thước vải may áo cưới, tôi phải mổ chân, đến ngày cưới một chân đi giầy, một chân đất”, bà Minh kể.

Đội điều trị 2 còn chứng kiến chuyện tình trắc trở của bà Ngô Thị Tuyết An, con gái phố Hàng Nón, từng phục vụ chiến dịch Tây Bắc, Điện Biên. Y tá An yêu chiến sĩ Dương Đình Đạc, dự định đám cưới cùng bốn đôi khác tại chiến trường nhưng năm 1953, xác định bà An thuộc thành phần gia đình tư sản, chi bộ ra nghị quyết không yêu đương gì hết. Do vẫn bí mật gặp mặt, ông Đạc bị kỷ luật, điều về Đội điều trị 1 để cắt đứt liên lạc.

Niềm tin giữ họ không lung lay, đến 1955 sum họp bằng đám cưới tại Nghệ An, khi này hai người thực hiện nhiệm vụ trao trả tù hàng binh. Ông bà hiện sống cùng con cháu tại khu tập thể Bộ đội Biên phòng ở Quỳnh Lôi, Hà Nội.

Cưới tại hầm Đờ Cát

Đám cưới của y tá Đội điều trị 2 Nguyễn Phước Ngọc Toản cũng mang đậm dấu ấn thời chiến. Nhờ giỏi tiếng Pháp, kết thúc chiến dịch bà đi bộ từ Tuần Giáo đến Mường Thanh làm phiên dịch trả một nữ tù binh, tình cờ gặp người yêu là Đại đoàn phó Đại đoàn 308, ông Cao Văn Khánh. Bà Toản chia sẻ: “Trang phục cưới là bộ quân phục cũ màu cỏ úa, chúng tôi đi bên nhau dưới ánh đèn măng-sông, ngập tràn nụ cười và những lời chúc phúc trong niềm vui thắng trận”.

Chuyện tình nữ y tá chiến dịch Điện Biên ảnh 1

Vợ chồng y tá Hồng Minh khi về tiếp quản Thủ đô (1954) Ảnh TL tại triển lãm

Bức ảnh vợ chồng bà chụp trên chiếc xe tăng được giới thiệu là tấm ảnh cưới quý giá. Do toàn bộ ảnh cưới chiều tối 22/5 tại hầm Đờ Cát bị hỏng, hôm sau hai người chụp tấm ảnh khi cùng lãnh đạo các đại đoàn kiểm tra trận địa tại Mường Thanh.

Vợ chồng bà Lê Thị Bích Hoàn, Vũ Trọng Kính nắm chặt tay nhau xem triển lãm. Hai người làm việc và yêu nhau trong chiến dịch Điện Biên. Bà Hoàn vốn nữ sinh Đồng Khánh (Huế) tốt nghiệp quân y sĩ khóa 3 (1952), tham gia một loạt chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Nghĩa Lộ, Tây Bắc trước khi phục vụ Điện Biên. Chiến dịch kết thúc, bà làm nhiệm vụ chuyển thương về Thanh Hóa, trên đường nhận lệnh về đơn vị mới, ai ngờ đến nơi được đích thân Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đứng ra tổ chức lễ cưới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ qua các tư liệu trong nước và nước ngoài

Triển lãm diễn ra tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội từ 5 đến 19/5. Bên lề có tọa đàm về chủ đề này. Khoảng 800 tư liệu gồm sách báo, bài trích, ảnh được chọn lọc từ nguồn tư liệu quý đang được thư viện lưu trữ, đợt này trưng bày theo 5 nội dung: Bối cảnh diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ; Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ; Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên Phủ qua các tư liệu nước ngoài; Điện Biên Phủ- biểu tượng sức mạnh Việt Nam; Phim tư liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bà Hoàn thuộc Đội điều trị 2 trong chiến dịch, là tổ trưởng tổ chọn lọc thương binh. Nhắc lại kỷ niệm chăm sóc thương binh ở Điện Biên, bà nấc nghẹn, vừa trả lời ngắt quãng vừa chấm nước mắt: “Chúng tôi phục vụ nhiều thương binh, thương nhất là phút cuối rồi vẫn còn nhận được những thương binh rất trẻ, mới 16-17 tuổi không kịp chứng kiến chiến thắng”.

Ký ức Điện Biên còn được lấp đầy bằng hồi ức về sự chăm sóc thương binh dưới hầm, chân đồi Độc Lập trong hoàn cảnh thiếu thốn- của các nhân chứng tại triển lãm như y tá Trần Thị Luật, Nguyễn Thị Được, Phạm Thị Tín. Một trong những hoạt động thật ý nghĩa trong ngày tháng 5 lịch sử này.

MỚI - NÓNG