Chuyện tướng Thanh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp 5/7/1967
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp 5/7/1967
TP - Đã nhiều lắm những giấy mực về vị Đại tướng nông dân, vị tướng du kích cùng là tướng phong trào Nguyễn Chí Thanh nhưng hình như vẫn chưa đủ? Sau gần nửa thế kỷ, cùng những tao loạn biến thiên, hình như cuộc sống bây giờ vẫn rất cần một Nguyễn Chí Thanh?

Kỳ I: Cha và con và...…

Đành mượn chữ nhà văn Nguyễn Khải cái tựa trên để nói về quá vãng ấm áp của một gia đình quân nhân ở phố nhà binh 34 Lý Nam Đế.

Lần ấy tôi có dịp ngồi với người con gái cả Đại tướng là chị Thanh Hà, cùng chồng. Chị kể: Cao tuổi nhất là thân mẫu đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà cả nhà vẫn gọi là mệ. Ấn tượng của chị về người bà nội cao niên ấy (mãi sau 1975 đưa mệ vô Huế ở một thời gian mới mất, thọ trên trăm tuổi) là bàn tay phải chỉ có 4 ngón. Ấy là lần tham dự biểu tình chống sưu thuế, người đàn bà gan góc đó đã xáp tới giơ bàn tay áp lên miệng khẩu súng ngắn của một quan binh Pháp tau thách mi bắn đó. Hắn bắn thiệt. Một ngón tay bà nội đứt lìa.

Hồi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ giao trọng trách coi sóc mảng nông nghiệp bận lia chia, nhưng bạn bè gặp nhau là nổi sôi cùng to nhỏ những câu chuyện ra, vô của cách mạng miền Nam… Mệ đi qua nghe được hứ tiếng rõ dài bây giỏi thì vô Nam mà đánh giặc ngồi đó bàn mần chi? Nhà thơ Thanh Tịnh là bạn. Một bữa Thanh Tịnh đến chơi, đại tướng kêu Thanh Tịnh ơi tau buồn hung (lắm). Răng buồn? Là mệ bữa qua thấy ông con đại tướng đi họp về, mệ đột ngột hỏi: Mi mần đến chức đại tướng mà không đưa nổi mệ về quê lấy một lần?

Hiển hiện trong câu chuyện một người vợ, người mẹ Nguyễn Thị Cúc hiền hậu. Luôn tất tả thu với vén ngoài công việc của một sĩ quan ở Phòng chính sách Tổng cục Chính trị còn phải chăm bẵm cái gia đình những là mẹ chồng cùng đàn con dại lít nhít bốn đứa. Tận mắt chứng kiến người chồng thân yêu ra đi vì bệnh tim mà nỗi đau đó là chấn thương nặng nề nhất, nghiêm trọng nhất đối với một người mẹ, người vợ vốn là một bệnh nhân tim mạch.

Bác Hồ nhiều bận cho kêu vợ con Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vô Phủ Chủ tịch cùng ăn cơm cho khuây khỏa. Rồi bà rơi vào trầm cảm, đau yếu và ra đi năm 1980. Trước đó, một thời gian dài bà luôn sống và chia sẻ với con cái cùng người thân cái cảm giác, người chồng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn sống. Ông chỉ đương đi họp hoặc công tác xa như vẫn thường đi…

Người ta vẫn nói, người mẹ thường tìm thấy hình ảnh mình ở người con trai. Còn ông bố là ở người con gái? Phải vậy chăng mà giờ trong câu chuyện khi nhắc về người cha đại tướng, chất giọng chị Thanh Hà thoạt nghe bình thản, từng chi tiết nghe có vẻ nhẩn nha nhưng da diết về người cha mà như bên chị luôn òa một khoảng trống lạnh mênh mông. Ai đó đã than, cái chết của người thân, lúc đầu như một nhát chém sắc lẻm. Đau đấy nhưng với thời gian, cứ như là một vết thương không được băng bó, luôn âm ỉ nhói buốt. Khi cha mất, chị Thanh Hà tròn 17. 

Trước nữa, những chuyện, những kỷ niệm về người cha mà với cái ký ức của tuổi hoa niên mười mấy ấy nó đọng nó hằn không thể chuội đi được nữa! Hằng bao bận, cha đi họp thấy con gái đi học về lũn cũn trên đường nắng chang chang ngồi trên xe ngoái cổ lại đi mau về kẻo nắng.

Hai cha con ngoái nhau cười như đồng lõa nguyên tắc bất di bất dịch của cha, tướng Nguyễn Chí Thanh không bao giờ cho con cái đi học bằng xe công vụ. Bạn của cha đến nhà cười trêu cái áo rách phải vá của con gái ông tướng. Cái cười của cha khi ấy như lành lại, bao tất cả cực nhọc của đời quân ngũ và đời sống sau này. Chị đã phấn đấu có hai tấm bằng cử nhân vật lý và quản lý kinh tế. Rồi đi học quản lý bên Liên Xô cũ. May mắn, chị được chồng, từng là một sĩ quan tùy tùng của tướng Đào Đình Luyện tòng vợ hằng bao năm lo toan với sẻ chia. 

Nhưng với thời gian, đã ló dạng một tầm cấp khác của nỗi nhớ và kỷ niệm. Đó là việc chị sẵn lòng góp phần cùng các nhà nghiên cứu, học giả giải mã một đại tướng có tầm nhìn xuyên thế kỷ về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Làm sao mà cha chị có thể làm được nhiều việc khác nhau mà việc nào cũng xuất sắc? Bí thư tỉnh ủy, Chỉ huy du kích quần nhau với Pháp, Chủ tịch thanh niên, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị rồi lại đi làm nông nghiệp. Và cuối cùng là một yếu nhân của cách mạng miền Nam…   

Bố mất, mẹ đau yếu, chị Thanh Hà, tuy là gái nhưng đã phải làm chức phận con cả giả cha đảm luôn cái chức mẹ với bầy em? Hai em gái kế, cuộc đời binh nghiệp cũng như cuộc sống sau này có phần hanh thông suôn sẻ?

Em gái kế Nguyễn Kim Sơn, Đại học Quân y. Nguyễn Thị Thành, học ở nước ngoài sau này là viên chức quốc phòng.

Cậu con trai út Nguyễn Chí Vịnh như sự bù trừ của tạo hóa, của số phận? Như đền bù đắp đổi nguôi ngoai nỗi đau người con trai cả yểu mệnh còn nhỏ tí đã đột ngột lìa đời năm 1947. Người trai cả ấy có cái tên Trường Sơn mà chị Thanh Hà kể lại, có lúc nhớ đứa con đã mất cha chị ngồi thừ ra nếu còn thì Trường Sơn đã vô Nam đánh Mỹ được rồi. 

Dạo họp mặt những người từng làm việc bên Đại tướng, một nhân chứng từng làm ở Ban tuyên huấn R. kể lại khi đọc những bài chính luận nổi tiếng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (mà khi đó ở chiến trường ông đâu có biết?) ký tên Hạ sĩ Trường Sơn. Đọc khoái quá, thằng cha nầy viết đã quá! Ông tuyên huấn hạ lệnh cho thuộc cấp tìm bằng được cái cậu viết có tên là Trường Sơn ấy về cơ quan làm việc! Rằng cấp chức không quan trọng, rằng hắn hạ sĩ cũng cứ lấy về!

Hai việc có thể gọi là sự kiện ấn tượng của cuộc đời đại tướng. Đó là việc Bác Hồ trong Hội nghị quốc dân Tân Trào năm 1945 đặt tên mới cho ông, Nguyễn Vịnh thành Nguyễn Chí Thanh. Và năm 1959, ông dùng chính tên khai sinh của mình đặt tên cho con trai út, Nguyễn Chí Vịnh.

Cu Vịnh, nói như thuật ngữ y học bây giờ như có chút gì tăng động? Dĩnh ngộ thông minh, hiếu động. Cu Vịnh lớn lên trong tình thương gia đình lính ấy nhất là người cha đã dành một tình yêu thương đặc biệt đối với cậu con út. Ở nhà, ông tham gia đánh trận giả với con. Tỷ mẩn cắt tấm bìa cát tông vẽ lon binh bét gắn lên ve áo cậu con út.

Ngày nghỉ tranh thủ buổi trưa chợp mắt, ông giật mình bật dậy khi cậu con út thổi kèn nhựa toe toe bên tai dậy ông đại tướng! Ra sân tập trung. Muộn là bắt quỳ đó. Thì ra cu cậu trả miếng cái lần ông phạt quỳ vì nói hỗn với chú bảo vệ. Rất chiều nhưng ông cũng cực kỳ nghiêm khắc với cu Vịnh. Chị Hà cũng rất nghiêm với cậu em út hiếu động. Ngỡ Vịnh vô tâm vô tư, nhưng chị Hà đã rèn cho cậu em một thời gian biết giặt quần áo cho mẹ khi bà đau ốm.

Tôi lần giở một kỷ vật của gia đình. Đó là cuốn sổ tay khổ nhỏ đã sờn. Trong đó bà Cúc ghi những chi tiêu lặt vặt trong thời gian bao cấp khốn khó. Có một trang vào năm 1974 với những dòng chi tiêu cho cu Vịnh. Quần Đông xuân 2 chiếc: 9 đồng. 20 quyển vở: 6 đồng. Cắt tóc 7 hào… Những đầu tư cho ông con sau này là thượng tướng! 

Trong câu chuyện với anh Bắc, chồng chị Thanh Hà, tôi ngạc nhiên khi biết Nguyễn Chí Vịnh sinh năm 1959 chứ không phải năm 1957. Bà Cúc và cả nhà đã nhất trí việc nằng nặc đòi đi bộ đội của cậu con trai út bằng cách khai tăng lên 2 tuổi để Nguyễn Chí Vịnh đủ tuổi nhập ngũ.

Tôi cũng được nghe thêm nhiều chuyện. Chuyện anh binh nhì Nguyễn Chí Vịnh thời gian đầu nhập ngũ từng là anh nuôi thuộc sư 390 thuộc Quân đoàn I. Hơn một năm phục vụ trong quân đoàn, binh nhì Vịnh được cử đi học trường sĩ quan Thông tin ở Nha Trang.

Có lẽ là một khúc ẩn và đứt đoạn nếu sau này có ai đó viết về tiểu sử của Nguyễn Chí Vịnh sẽ cụ thể, chi tiết hơn? Đó là 8 năm khi ở chiến trường Campuchia, lúc ở phía Nam. Tôi có nghe người anh rể của thượng tướng loáng thoáng về quãng thời gian ẩn ấy. Sĩ quan Nguyễn Chí Vịnh đã từng được các yếu nhân của quân đội như ông Sáu Nam (tướng Lê Đức Anh) của tình báo quân đội như các tướng Phạm Xuân Ẩn, Lê Hữu Đức (Ba Quốc - ông tướng tình báo và hai bà vợ) trực tiếp rèn cặp.

Trong cuốn Album gia đình, tôi cũng thoáng thấy tấm hình ghi lại cặp đôi tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn và Ba Quốc tại nhà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dịp đám cưới của Nguyễn Chí Vịnh 16/11/1986. Khoảng thời gian ẩn ấy, có lẽ những rèn luyện cùng lửa nước và ống đồng nghiệp vụ để năm 1995, từ ẩn danh đến hiện danh chững chạc với cương vị Phụ trách Cục 12 Tổng cục 2. Rồi Cục trưởng Cục 12 và sau đó là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng.

Năm 1999, đại tá Nguyễn Chí Vịnh được phong hàm Thiếu tướng. Năm 2002, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng. Tháng 12 năm 2004, được phong hàm Trung tướng. Tháng 12/2009 lần đầu tiên trong cương vị thứ trưởng, tướng Vịnh xuất hiện công khai trong buổi họp báo quốc tế với những số liệu từng được coi là nhạy cảm trong cuốn “Sách trắng”...

Đầu năm 2011, lần đầu tiên sau nhiều năm, truyền thông trong nước và thế giới phát đi những thông điệp của tướng Vịnh tuyên bố quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ của Việt Nam về biển Đông sau sự kiện Trung Quốc công khai đòi chủ quyền trong phạm vi “đường lưỡi bò”.

Và tiếp đó là hàng loạt chuyến đi con thoi tới các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Philippines... Nhưng như truyền thông nước ngoài nhiều lần trích lời thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu quan điểm của một dân tộc hòa hiếu: “Phải duy trì bằng được hòa bình và hữu nghị với các nước láng giềng... Nhưng hòa bình không phải là cầu hòa, Việt Nam không chấp nhận hòa bình lệ thuộc”...

(Còn nữa)

Tôi đã có dịp ngó qua một tấm ảnh trong tập Album gia đình, Bác Hồ chụp chung với gia đình tướng Nguyễn Sơn, gia đình Trần Đăng Ninh, Nguyễn Chí Thanh tháng giêng năm 1969. Cu Vịnh lũn cũn đứng bên chân Bác Hồ như bao cậu bé lên mười?

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.