Chuyện tướng Thanh- Kỳ cuối: 'Tình kháng chiến' của thi sĩ Hoàng Cầm

 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước ngày vào miền Nam 5/7/1967
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước ngày vào miền Nam 5/7/1967
TP - Sinh thời thi sĩ Hoàng Cầm, tôi có vài dịp nhung nhăng (chữ dùng của nhà thơ mỗi dịp đi đâu đó) xa xa với nhà thơ. Lần đi ấy không mưa Thuận Thành mà đúng tiết xuân, cữ giêng hai mùa xuân xứ Bắc cùng với ông con Hoàng Kỳ về lại quê thi sĩ ở Thuận Thành, Bắc Ninh.

Cố hương thi sĩ, cố nhân lẫn cảnh vật cũ chả còn lại nhiều nhặn gì nhưng ấn tượng khi thi sĩ kể cho chúng tôi nghe về người mẹ. Một phụ nữ, như thi sĩ khi kể cứ hít hà là mỏng mày hay hạt! Đã đẹp lại có tài. Bà hát quan họ rất chuẩn, hay mà Hoàng Cầm nói đạt độ vang, rền, nền, nẩy.

Một ấn tượng nữa trong chuyến đi, nhà thơ Hoàng Cầm hào phóng công nhận mình là kẻ đa tình. Đây không liệt kê ra những mối tình cụ thể trong đó có tình kháng chiến. Tình chung nhưng trong chung có riêng. Đó là kỷ niệm về tướng Nguyễn Chí Thanh mà Hoàng Cầm than rằng thời này sao hiếm, khó tìm?

Thi sĩ Hoàng Cầm kể:

Vào hạ tuần tháng 5/1954, tôi khi đó là Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, nhận chỉ thị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh: “Chuẩn bị một chương trình biểu diễn đặc sắc nhất để phục vụ buổi mừng công dành cho các chiến sĩ vừa chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Tôi cố sắp xếp cho đúng mười tiết mục, không hơn. Lựa chọn mãi chỉ có chín cái có giá trị. Tôi đang băn khoăn để tìm cái thứ mười. Từ trong tâm linh sâu thẳm, tôi bỗng nghe như mẹ tôi xưa, một phụ nữ nhan sắc, duyên dáng kiêu sa, đa tình, một thời dành nhiều giải thưởng trong ngày mở đầu Hội Lim, Hội Quan họ.

Tôi bèn quyết định ngay tiết mục thứ mười sẽ là màn Quan họ, từ 20 đến 25 phút.

Đêm diễn mừng công, tôi ra giới thiệu ngắn gọn. Nhìn xuống thấy hội trường đông nghịt, khoảng một nghìn chỗ ngồi bằng ghế dài tre nứa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi chính giữa, bên trái là đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng, bên phải là đồng chí Nguyễn Chí Thanh tạm gọi là Tổng chính ủy, rồi đến các vị Trần Độ, Vũ Lăng, Nam Long, Vương Thừa Vũ…

Ca khúc Giải phóng Điên Biên vang lên. Rồi điệu Múa xòe Tây Bắc… Không khí hội trường càng lúc càng sôi động.

Rồi màn quan họ bắt đầu.

Sáu giọng nữ hòa tiếng đàn tranh vấn vít. Tôi nhìn xuống dưới, thấy miệng cười tươi rói của Tổng tư lệnh lúc đó mới ngoài bốn mươi tuổi, vẻ mặt rắn đanh mà dịu nhẹ của Tổng chính ủy cũng khoảng bốn mươi tuổi. Và tất cả các khuôn mặt khác đều hân hoan chờ đón tấm lòng dân tộc nghìn xưa...

Đến khúc thứ ba của Lý cây đa, bỗng dưng tôi linh tính điều chẳng lành. Trên sân khấu, tốp nữ hát khổ đầu thật bay bướm, thật là lẳng lơ, mắt cô nào cũng long lanh, lúng liếng.

Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.
Gió giục đêm đông trường

Nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đón chờ ai.

Sáu giọng nữ hòa tiếng đàn tranh vấn vít. Tôi nhìn xuống dưới, thấy miệng cười tươi rói của Tổng tư lệnh lúc đó mới ngoài bốn mươi tuổi, vẻ mặt rắn đanh mà dịu nhẹ của Tổng chính ủy cũng khoảng bốn mươi tuổi. Và tất cả các khuôn mặt khác đều hân hoan chờ đón tấm lòng dân tộc nghìn xưa...

Thi sĩ Hoàng Cầm

Và như tiếng sét nổ giữa trời quang, những tiếng la ó dội lên:

- Hạ màn xuống! Đả đảo! Đả đảo văn công! Hạ màn xuống! Vứt hết đi! Lãng mạn! Suy đồi! Mèo mả gà đồng! Hạ màn xuống!

Tôi hoảng hồn, nhưng cứ hé màn nhìn xuống, thấy tướng Giáp đang trao đổi với Tổng Chính ủy Thanh điều gì đó. Không thấy gọi tôi hay có mệnh lệnh gì? Nét mặt hai ông tướng chiến thắng ấy vẫn bình thản.

Và kìa, anh Nguyễn Chí Thanh đã vọt lên sân khấu nói như hét: Các ông làm loạn đấy à? Kia, có phải ông Thái Dũng không? Các ông toàn là quân đội lâu năm, các ông vô kỷ luật đến thế à?

Hình như làn sóng phản đối có nguôi đi, nhưng vẫn chưa lặng. Tổng Chính ủy giọng càng gay gắt: - Các ông vô kỷ luật. Sao lại đả đảo văn công đã diễn để chào mừng mình? Đáng lẽ tôi thi hành kỷ luật ngay lập tức, nhưng thôi, đây là tiệc ăn mừng. Các ông vừa chiến thắng, các ông hách dịch, ra oai, tôi tạm tha. Vậy, bây giờ ông nào không ưa văn công nữa, xin mời về mà ngủ, ai muốn xem thì ở lại, nhưng phải có trật tự, có kỷ luật. Nào, ai về thì về đi!

Ông Thái Dũng và năm sáu người nữa kéo nhau ra khỏi hội trường. Xin nhớ, đồng chí Thái Dũng cụt một tay ở trận chiến đấu với địch hồi đầu kháng chiến. Các báo tiếng Pháp hồi ấy ở Paris và Hà Nội, Sài Gòn có nhiều bài tỏ kính phục ông Việt Minh cụt tay đã chỉ huy nhiều trận khiến giặc Pháp kinh hoàng. Tên tuổi anh thuở ấy lẫy lừng.

- Này, các ông bỏ về hả? Được! Nhưng nhớ chiều mai, đúng 2 giờ, tôi mời văn công và các ông đến nhà riêng tôi, có cà phê, thuốc lá, đoàn của anh Hoàng Cầm phải diễn lại màn Quan họ này, cái tiết mục mà ông đả đảo ấy!

Nói dứt lời, anh Nguyễn Chí Thanh bước xuống và hô to: Anh Hoàng Cầm! Cho mở màn, diễn tiếp!

Nhưng phần diễn tiếp đêm ấy có phần hơi gượng gạo mất khí thế!

Chiều hôm sau, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Chí Thanh. Đã thấy trong sân rộng có ba bốn dãy bàn phủ vải trắng, lại có cả lọ hoa, hoa rừng. Trên bàn có những đĩa bánh kẹo, thuốc lá, lạc rang. Ước tính số người có mặt tới gần trăm. Hàng ghế đầu đã thấy ông Thái Dũng. Anh Nguyễn Chí Thanh đứng đón văn công, vẻ mặt rạng rỡ.

“Đừng ngại gì nhá! Bình tĩnh hát, hát thật hay vào!” - Anh Thanh động viên.

Rồi anh ra ngồi bên cạnh ông Lê Quang Đạo, ông Võ Hồng Cương. Tôi cho người treo một lá cờ hội đình ngày xưa vào một cành sồi cao ở đầu sân.

Sáu liền anh, sáu liền chị môi son má phấn duyên dáng tươi tắn sóng đôi nam nữ bước ra…

Dưới lá cờ lễ hội dân tộc cổ kính, diễn viên và nhạc công đã dàn đội hình, đàn tranh, sáo trúc lanh lảnh bện quện với giai điệu Mời trầu.

Dứt 25 phút diễn, trong tiếng vỗ tay vang dội. Liền sau đấy, anh Nguyễn Chí Thanh đến chỗ diễn bắt tay tôi, khoác tay tôi, anh cao giọng: Bây giờ tôi yêu cầu tất cả thẳng thắn phê bình và tranh luận. Đề nghị anh Hoàng Cầm, người bày ra tiết mục này, người chịu trách nhiệm về nó, phát biểu trước.

Tôi đứng lên, nói y như nội dung đã bàn với cả Đoàn khi nhận chỉ thị của đại tướng. Tôi thấy anh Thanh mủm mỉm cười, nên càng vững tâm.

Ông Thái Dũng đứng dậy: Tôi thành thực xin lỗi các đồng chí cấp trên ở Tổng cục, vì chúng tôi quá nóng nảy và hấp tấp. Nhất là tôi từ mười lăm tuổi đã theo cách mạng, mười bảy tuổi đi đánh trận, cứ liên miên trận mạc, rồi luyện tập, rồi chỉnh huấn, chỉnh quân, tôi chưa hề thấy một đoàn văn công to nhỏ nào hát những lời như thế bao giờ. Quanh năm, tôi chỉ lo sao cho trận nào mình chỉ huy cũng phải thắng. Cấp dưới mà có anh nào lơ là, nhớ nhà, nhớ vợ con, là tôi “chỉnh” ngay, có khi tôi đuổi ra khỏi đơn vị. Nhưng, về tư tưởng, tôi vẫn giữ nguyên những ý nghĩ của mình. Bác Hồ vừa nhắc nhở toàn quân, toàn dân rằng chiến thắng Điện Biên mới chỉ là bước đầu, chúng ta còn phải gian khổ chiến đấu thì cái màn hát đó chỉ có một tác dụng duy nhất là làm giảm ý chí chiến đấu của quân đội. Rõ ràng là những sự tỏ tình quá thô lỗ: “Yêu nhau cởi áo cho nhau!”, rồi con gái chờ con giai về đêm, nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai, như xúi giục chuyện trai gái nhảm nhí như làm cho bộ đội ta sa sút tinh thần. Báo cáo, hết ý kiến!

Một tràng pháo tay nổi lên đồng tình. Lại có hàng chục cánh tay giơ lên. Gần chục người phát biểu. Tôi thấy anh Thanh mặt vẫn rạng rỡ. Anh Thanh chỉ định anh Lê Quang Đạo phát biểu. Ông Đạo nói ý kiến cá nhân ông rằng, không nên diễn đại trà!

Ông Thanh tiếp: Nào, thế có ai ủng hộ màn hát này không? Cả tôi đây, tí nữa, nếu có nói gì, cũng chỉ là nhân danh cá nhân thôi, đừng ai nghĩ là ý kiến của Chủ nhiệm Tổng cục vội. Cá nhân với cá nhân, bình đẳng bình quyền. Kìa, vừa ăn bánh kẹo vừa nói. Mới có 3 rưỡi, sớm chán. Ta có thể nói chuyện với nhau đến 5 giờ, 5 rưỡi.

Một lát, anh Thanh lại chủ động khuấy bầu không khí trầm lắng. Chỉ định người phát biểu. Vài ý kiến tổng kết, phân tích. Không khí sôi nổi, dân chủ…

Bỗng, có một giọng nữ lanh lảnh cất lên. Tôi nhìn ra cuối sân, hóa ra chị Tý, một chị tổ trưởng nuôi quân ở văn phòng Tổng cục. Chị mới trên ba mươi tuổi, vợ một liệt sĩ: Em đề nghị anh Thanh cho văn công vào trại tù binh diễn cả cho thằng Đờ-cát-tờ-ri xem, để nó biết người của đất nước ta xinh đẹp, duyên dáng thế nào, liệu mà bảo nhau cút ngay đi!

Thế là bùng lên tức khắc một không khí vui vẻ hân hoan… Anh Thanh chạy đến bắt tay chị Tý trong lúc tất cả, kể cả anh Thái Dũng vỗ tay rào rạt không muốn ngớt (anh Thái Dũng vỗ bàn tay phải nhè nhẹ lên ngực mình).

Xem chừng đã đến lúc có thể kết luận, anh Nguyễn Chí Thanh mới đứng hẳn lên bậc thềm, nói: Tôi nghĩ các ông tranh luận thế này là rất thẳng thắn mà vẫn đầy tình đoàn kết. Sao chúng ta lại xua đuổi cái đẹp? Cá nhân tôi nghĩ: màn Quan họ này có đủ ba phẩm chất cơ bản của văn nghệ là chân - thiện - mỹ. Mà lại là cái vốn lâu năm của dân tộc, cụ thể là tỉnh Bắc Ninh, chứ Đoàn Văn công cũng chưa đủ tài năng mà sáng tác được vậy đâu. Vậy nên, cái vốn văn hóa của dân tộc, chỗ nào là thô kệch, là nhố nhăng, tôi chắc các cụ hàng trăm năm nay đã lọc đã gạn đi hết rồi. Còn lại là trong sáng, là cao quý, ở trong kho được càng lâu, không bị chuột gặm, mối xông, lại càng có giá trị.

Đấy là ý kiến cá nhân Nguyễn Chí Thanh, chưa phải ý kiến của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đồng chí nào phản đối mấy lời tôi vừa nói, xin cứ tự do, và tôi cũng hoan nghênh... Sở dĩ tôi có được mấy ý kiến này là nhờ công giúp đỡ về văn nghệ của các anh Hoàng Cầm, Đỗ Nhuận, Mai Văn Hiến, Thanh Tịnh… và nhiều anh chị em nữa trong Tổng cục. Chứ hồi mới chỉ là một anh huyện ủy viên ở Bình Trị Thiên, tôi chưa có đủ hiểu biết mà nói như vừa rồi. Nào, ai có ý kiến gì, xin mời...

Vỗ tay... Nhiều người đứng cả lên vỗ tay, vỗ tay rất dài. Hơn chục diễn viên và tôi thì muốn ôm hôn ngay vị Tổng Chính ủy vừa đanh thép lại vừa văn hóa ấy.

MỚI - NÓNG