'Cô bé mai rùa' mơ thành cô giáo

“Cô bé mai rùa” trước khi được phẫu thuật. Ảnh: Quốc Ngọc
“Cô bé mai rùa” trước khi được phẫu thuật. Ảnh: Quốc Ngọc
TP - Cười hồn nhiên trước ca mổ, “cô bé mai rùa” chỉ nói nhớ anh hai quá, mong sớm hết bướu, được về nhà chơi với anh hai. Từ nhỏ đến lớn, bé chỉ có người bạn duy nhất là anh mình. Ngoài ra, mơ ước lớn của bé là trở thành một cô giáo… nhỏ.

Sáng 29/8, bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cùng ê kíp phẫu thuật đã tiến hành ca mổ cắt khối bướu khổng lồ trên lưng bé gái Trần Thị N.T. (10 tuổi, ngụ Sóc Trăng).

Bé T. nhập viện với khối bướu hắc tố bẩm sinh, có đường kính hơn 22cm, úp trọn lên lưng. Khối bướu màu đen, bề mặt sần sùi, có lông và rất nhiều nốt ruồi “vệ tinh” xung quanh. Theo đánh giá của bác sĩ Hiếu, đây là trường hợp thứ hai trên thế giới mang khối bướu cực kỳ hiếm gặp này.

Sợ bị gọi “con lưng đen”, không dám đi học

Mẹ em, bà Thạch Thị Đ.N. (34 tuổi) cho biết, học hết lớp 3 thì T. không muốn đi học nữa vì mặc cảm. “Bạn bè gọi nó là đồ lưng đen. Mỗi lần về nhà là nó khóc ôm tui vì bị chọc ghẹo, bị xa lánh”, bà N. kể.

Khối bướu đã có trên lưng T. từ khi bé mới lọt lòng. Ban đầu, to cỡ quả quýt và cứ lớn dần. Lúc bé lên 6 tuổi, đúng cái tuổi vào tiểu học, cũng là lúc khối bướu phát triển rất nhanh. Dù con học giỏi, chăm chỉ và thích đi học nhưng bà N. rất xót xa khi con gái luôn mặc cảm.

Đêm đến, khối bướu thường làm bé T. ngứa ngáy, khó ngủ. Thậm chí, có những lần bé gãi cho đến khi khối bướu bật máu. Nhiều lần, cha mẹ “cô bé mai rùa” đã muốn tìm cách chạy chữa cho con gái. Nhưng cứ nghĩ không có tiền, biết làm sao. Hơn nữa, khi đi khám ở y tế địa phương, người ta nói “không sao”. “Đến khi đứa anh nó mổ ruột thừa trên bệnh viện tỉnh, nó vô thăm, bác sĩ ở đây phát hiện ra cái lưng của nó, nên bảo tụi tui đưa con lên bệnh viện nhi đồng ở Sài Gòn để chữa”, bà N. kể.

Bà N. cho biết, bản thân bà đi làm mướn, ai thuê làm gì, thì làm nấy. Chồng bà làm phụ hồ. Cả hai con đều bỏ học từ lớp 3, lớp 4 vì mặc cảm, vì không có điều kiện. May là khi hai đứa nhỏ lần lượt nhập viện, gia đình đã được xét và cấp BHYT hộ nghèo.

Lo nhất là nhiễm trùng sau mổ

Theo bác sĩ Hiếu, nếu không cắt bỏ, khối bướu sẽ tiếp tục lớn đến mức không thể phẫu thuật được nữa. Chất lượng sống của bé gái đương nhiên bị ảnh hưởng xấu vì “chiếc mai rùa”. Chưa kể, lâu ngày, bướu có khả năng gây ung thư.

Tiếp xúc với phóng viên, “cô bé mai rùa” vẫn hồn nhiên bên mẹ và cuốn vở tập vẽ. Bé rất thích vẽ, tô màu. Nhưng ước mơ lớn nhất của em là trở thành một cô giáo.

Trước khi được đưa vào phòng mổ, bé nhìn người mẹ đang ngấn lệ nói nhỏ: “Con nhớ anh hai quá. Con mong bác sĩ cho con khỏi bướu để về chơi với anh hai”. Bé T. cho biết từ nhỏ đến lớn chỉ có hai anh em chơi với nhau. “Các bạn nói con có cái gì đó trên lưng nên sợ, không bạn bè nào dám chơi với con”, cô bé nói.

Sau gần 3 giờ cắt bỏ khối bướu và ghép da, ca mổ đã thành công. Mọi dự tính đều diễn ra đúng kế hoạch. Toàn bộ khối bướu đã được lấy ra khỏi lưng bé T., cân nặng hơn 1kg, đường kính hơn 22cm. May mắn, độ sâu khối bướu chỉ vào đến cơ lưng, nên không ảnh hưởng gì đến các cơ quan khác.

Tuy nhiên, đáng ngại chính là thể trạng em bé quá yếu, việc lấy da đùi để ghép vào vùng lưng sẽ khó khăn. Các bác sĩ đã dự trù nếu đùi trái không đủ da, sẽ phải lấy thêm da ở đùi phải và bụng. Tuy nhiên, lo lắng này đã được giải quyết bằng máy cán da. Thiết bị này giúp kéo dãn miếng da lấy ở đùi, giúp tăng gấp đôi diện tích miếng da dùng để ghép vào lưng bé T. Nhờ vậy, việc lấy da từ nơi khác được hạn chế tối đa.

Theo bác sĩ Hiếu, hiện tình trạng bé T. sau mổ ổn định. Khi tỉnh thuốc mê, bé uống được sữa ngay. Tuần tới, bệnh viện sẽ kiểm tra vết mổ để biết tình trạng phục hồi của da. Sau 14 ngày nằm viện, bé T. có thể hoàn toàn “trở thành” một cô bé bình thường. “Nhưng đáng lo nhất khi chăm sóc hậu phẫu chính là vấn đề nhiễm trùng. Nếu xảy ra nhiễm trùng, coi như thất bại”, ông Hiếu nói.

Ngoài việc cắt bỏ hoàn toàn khối bướu khổng lồ, các bác sĩ cũng đã đốt những nốt ruồi “vệ tinh” xung quanh có khả năng phát triển. Sau 3 ngày xét nghiệm tế bào khối bướu sẽ xác định đây là bướu lành hay
ác tính.

Điều khiến bác sĩ trưởng kíp mổ nhớ mãi là ánh mắt em bé: “Con có phải là một người lạ không bác sĩ”? “Không, tôi trả lời, con hoàn toàn bình thường. Tôi muốn mang khối bướu đi, để giấc mơ trở về với em. Chúng tôi hài lòng về ca mổ”, bác sĩ Hiếu nói.

Trường hợp bé T. tương tự “cậu bé mai rùa” Didier Montalvo người Colombia. Cậu bé được một nhóm bác sĩ thiện nguyện phát hiện năm 2012. Sau đó, cả thế giới biết đến em với chiếc “mai rùa” kỳ dị trên lưng. Didier đã được phẫu thuật cắt bỏ bướu tại Anh năm 2015. Khi đó, trường hợp Didier được bình chọn là 1 trong 8 ca bệnh lạ nhất thế giới. Sau ca mổ, bé Didier phát triển bình thường.

MỚI - NÓNG