Có cầu, dân vẫn đu dây!

Người dân vẫn đu dây qua sông
Người dân vẫn đu dây qua sông
TP - Những người dân ở xã Hòa Lễ hy vọng chờ đợi cây cầu sớm hoàn thành để thoát cảnh đu dây qua sông vào mùa mưa,. Tuy nhiên, ở một số nơi khác, khi xây xong cầu, dân vẫn phải đu dây qua sông.  

Những ngày này, mùa khô, nước rút, chúng tôi trở lại những điểm người dân từng thường xuyên đu cáp qua sông ở xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông và xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) vẫn chứng kiến cảnh bà con ầm ào xắn quần lội nước, chèo ghe hoặc cưỡi trâu sang sông. Họ đang hy vọng chờ đợi một cây cầu sớm hoàn thành. Tuy nhiên, ở một số nơi khác, khi xây xong cầu, dân vẫn phải đu dây qua sông.

Nơi dân mỏi mòn chờ cầu

Trong cái nắng khô khốc của những ngày cuối xuân, chúng tôi theo con đường vòng vèo đi vào xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, nơi có 2 cây cầu “ưu tiên hỗ trợ dân đu” được khởi công xây dựng từ tháng 11/2014. Trước mắt chúng tôi, những mố cầu nham nhở đứng trơ trọi trên vùng đất trống. Đất ụ lổm ngổm mỗi lần có gió tung bụi mù mịt.

“Vì ngược hướng đi, nên thực tế để đi đến điểm có cầu, họ phải đi đường vòng xa đến 4-5 km chứ không thể đi như cách cán bộ đo đạc là 2 km đường chim bay được. Đa số người dân thôn 5 sẽ vẫn qua sông bằng cáp cho đỡ mất thời gian. Mùa này, ngoài qua sông bằng ghe thì có thể bơi hoặc cưỡi trâu qua. Ai không muốn ướt quần áo thì  đu dây”.

Anh Trần Đình Lễ

Men theo lối mòn lởm chởm đá mà đơn vị thi công san bằng để chở vật liệu, chúng tôi qua được bên kia sông - nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân. Đang lom khom chặt cây sắn, chị Đào Thị Nga (sinh năm 1978, trú tại thôn 8, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) nói: “Mấy cô hên đấy. Đợt này đến có lối mòn mà qua, chứ như trước đây, dù mùa khô, nước cạn nhưng muốn sang cũng phải đu dây, còn không thì chịu!”.

Chính trở ngại về giao thông đã kéo theo nhiều hệ lụy khác, khiến người dân nơi đây đã nghèo khó lại thêm cơ cực trên con đường mưu sinh. Đất đai cằn cỗi do tập quán canh tác lạc hậu. Họ chỉ trồng được mỗi cây sắn, thu nhập thấp và bấp bênh. Dù biết trồng ngô, trồng đậu lãi cao hơn, nhưng thời điểm thu hoạch lại rơi vào mùa nước lớn không thể vận chuyển nông sản.

Chị Phạm Thị Mùi (45 tuổi, thôn 7) than: “Việc gieo trồng còn phải phụ thuộc vào “ý” của dòng nước nữa, chứ đâu phải dễ. Đã thế nông sản bị lái buôn ép lên ép xuống, mất mấy giá liền so với giá thị trường với lý do chi phí vận chuyển”.

“Thu hoạch mùa xong là phải mua phân tro, trữ bên rẫy ngay chứ khi nước lớn kéo hàng bằng cáp, không may rơi xuống sông coi như mất trắng. Sắp có cầu rồi bà con chúng tôi phấn khởi lắm”, chị Mùi cho biết thêm.

Trên khuôn mặt rám nắng mồ hôi nhễ nhại, anh Phạm Tiến Luận (40 tuổi, trú tại thôn 8) uống vội ly nước, vừa thoăn thoắt chặt sắn vừa nói: “Cuộc sống của người dân chúng tôi nằm tất bên kia sông.  Người dân ở đây khó khăn mọi mặt. Dù đã đu cáp mấy năm rồi nhưng tôi vẫn sợ. Mỗi lần đi là phải có vài ba người chẳng may có chuyện gì thì còn có người giúp đỡ. Khi biết sắp có cầu để đi bà con ai nấy rất vui mừng nhưng không hiểu tại sao nhà thầu chỉ làm được hai bên cái mố cầu rồi rút hết, từ Tết Nguyên đán đến nay vẫn chưa thấy thi công lại. Mùa mưa sắp đến rồi, mong cầu sớm xây xong cho người dân đỡ vất vả!”.

Có cầu, dân vẫn đu dây! ảnh 1

Hai mố cầu ở xã Ea Huar còn dở dang

Chị Nguyễn Thị Huế dân xã Ea Mnang, huyện Cư M’gar  chia sẻ: “Quanh năm, suốt tháng, tôi qua đây làm thuê kiếm tiền. Mùa mưa, nước dâng cao cuồn cuộn, mỗi lần bám sợi dây cáp đu qua sông là mặt tôi tái mét, run sợ nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải làm liều. Khi biết nhà nước đang xây cầu tôi mừng lắm. Hy vọng không phải đánh cược mạng sống với tử thần nữa”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Hùng, Chủ tịch UBND xã Ea Huar  xác nhận: “Hai cây cầu tại thôn 7 và thôn 8 do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ tháng 11/2014. Tuy nhiên bên thi công mới làm được 2 mố cầu rồi bỏ đó, tôi cũng không hiểu vì lý do gì. Dân kêu quá trời, chả biết phải trả lời sao ?!”.

Xây cầu thôn 2, dân đu cáp ở thôn… 5!

Tại những điểm đu cáp ở xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, trong ánh nắng vàng vọt xế chiều, dưới dòng sông Krông Ana rộn rã tiếng cười, nói chuyện của bà con đi làm rẫy về. Người thì xắn quần lội qua sông, người ngồi vắt vẻo trên lưng trâu.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông cho biết: “Thôn 5 và thôn 6 của xã Hòa Lễ là hai điểm nóng về tình trạng đu dây qua sông. Sau khi Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk có văn bản yêu cầu gửi ra Bộ, thì Bộ Giao thông Vận tải đã chấp nhận cho xã xây 2 cây cầu tại thôn 2 và thôn 6. Hiện tại, công tác thiết kế, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đã thực hiện xong. Trong thời gian chờ cầu xây xong, xã đã cung cấp ghe phòng chống lũ lụt phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, ghe được đặt tại thôn 6.

Có cầu, dân vẫn đu dây! ảnh 2

Trâu cũng phải bơi qua sông

Khi được hỏi tại sao thôn 5 là một trong hai thôn có lượng người qua sông cao nhưng cầu lại được đặt ở thôn 2?  Ông Sơn trả lời: Trong quá trình đo đạc để làm cầu, chuyên gia họ cho biết, khoảng cách giữa 2 cầu tính theo đường chim bay chỉ có 2 km, trong khi theo quy định thì khoảng cách giữa hai cây cầu phải cách nhau ít nhất là 5 km.

Vì vậy, trong khi dân xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn đang từng giờ từng ngày khao khát cây cầu bắc qua con sông Sêrêpốk sớm được hoàn thành, thì tại những nơi đu cáp ở thôn 5 xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, dân cho rằng có cầu rồi họ vẫn cứ “đu”. Anh Trần Đình Lễ (35 tuổi, trú tại thôn 5, xã Hòa Lễ) than thở: “Vì ngược hướng đi, nên thực tế để đi đến điểm có cầu, họ phải đi đường vòng xa đến 4-5 km chứ không thể đi như cách cán bộ đo đạc là 2 km đường chim bay được. Đa số người dân thôn 5 sẽ vẫn qua sông bằng cáp cho đỡ mất thời gian. Mùa này, ngoài qua sông bằng ghe thì có thể bơi hoặc cưỡi trâu qua. Ai không muốn ướt quần áo thì  đu dây”.

Có cầu, dân vẫn đu dây! ảnh 3

Người dân xã Hòa Lễ chèo ghe qua sông đi làm

Ông Trương Công Lý (56 tuổi, trú tại thôn 5, xã Hòa Lễ) chia sẻ: Hiện người dân chúng tôi đang dùng ghe để qua sông. Tuy nhiên, nguy hiểm vẫn còn chực chờ khi đi ghe không mấy an toàn bởi ghe chòng chành dễ lật. Đã thế, được cái ghe nào là mất cái đó dù đã khóa bằng xích. Mà để làm được 1 cái ghe đâu có ít. Ghe nhỏ nhất cũng mất đến 2-3 triệu bạc”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Tô Quang Dịnh, Phó trưởng phòng quản lý giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tiến độ xây dựng cầu ở xã Ea Huar đang phải tạm hoãn vì còn chờ nhà máy gia công phần nhịp của cầu. Dự kiến cuối tháng 6/2015 sẽ hoàn thành cầu ở những điểm người dân đu cáp tại hai huyện Buôn Đôn và Krông Bông. Kinh phí xây cầu chưa hạch toán, nên chưa rõ bao nhiêu”.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.