Có kết quả chất cấm, hàng đã không còn

TP - Nhiều lô hàng rau củ, thủy sản tươi sống sau khi được các đoàn kiểm tra lấy mẫu phân tích dư lượng chất cấm nhưng đến khi có kết quả hàng bẩn thì đã được người dân… tiêu thụ hết.

Đây là thực trạng được nêu lên tại buổi họp báo định kỳ quý 3 do Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức ngày 28/9.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, hầu hết các sản phẩm nông lâm thủy sản khi được lấy mẫu kiểm định đều an toàn. Sở này thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2016, các đơn vị trực thuộc Sở đã xử phạt trên 2.000 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với số tiền phạt trên 5,3 tỷ đồng. Nhiều nhất là sản phẩm có nguồn gốc từ thủy sản với 76/548 mẫu chứa kháng sinh và hóa chất cấm. Còn sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, kiểm tra 531 lô thịt heo phát hiện 38 lô dương tính chất cấm Salbutamol. Đối với sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, kiểm tra 315 mẫu thì chỉ có 6 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép.

Kiểm cứ kiểm, bán cứ bán

Thực tế, rất nhiều lô hàng bị cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm định, phát hiện có tồn dư kháng sinh, chất cấm xong thì hàng đã tiêu thụ hết từ trước. Đây chính là lý do tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ tỏ ra “lờn thuốc” khi có các đợt kiểm tra đột xuất. Bà T., hộ kinh doanh rau chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nói: “Hàng chủ yếu bán hết trong ngày, sạp của tôi cũng thường có người đến lấy mẫu kiểm tra nhưng khi nhận kết quả lô rau đó có chất cấm hay không thì tôi cũng không nhớ hết đâu. Rau củ quả tươi thì nhiều người cung cấp, mà kết quả kiểm tra cả tuần, có khi cả tháng sau mới trả thì tôi biết lô hàng đó là của ai. Cũng có lúc muốn biết kết quả sớm để biết người cung cấp rau nào thường vi phạm, mình không lấy nữa nhưng nói thiệt là không nhớ”.

Ông Trần Văn Sơn - Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM cho rằng, lấy mẫu giám sát thì chủ yếu là cảm quan bằng mắt, bằng tay chứ đâu có tạm giữ hàng nên lô hàng đó vẫn được lưu thông. “Muốn thu giữ lô hàng thì phải có kết quả giám định, có quyết định của thanh tra chứ đoàn giám sát, lấy mẫu không có chức năng này”- ông nói, và cho rằng thời gian chờ để có kết quả thực phẩm nhiễm chất cần một tuần. Trong thời gian đó, các mặt hàng tươi sống đã được người kinh doanh sỉ phân phối cho những người buôn bán nhỏ lẻ, và sản phẩm đã được người tiêu dùng tiêu thụ hết.

Trong khi, bà Huỳnh Thị Kim Cúc – Phó giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM thừa nhận: “Để biết thực phẩm có nhiễm kháng sinh hay không thì cơ quan quản lý không thể biết được nếu chúng ta không dùng các thiết bị chuyên nghiệp. Tỷ lệ nhiễm kháng sinh trong thực phẩm có cao nhưng về phương diện giám sát thì chỉ lấy mẫu, có kết quả kiểm định mới ban hành quyết định thu giữ lô hàng vi phạm. Ở các nước trên thế giới cũng vậy, đều cần có thời gian kiểm định rồi mới xử lý chứ không thể làm ngay được”. Theo bà khi chưa có kết quả lô hàng này vi phạm thì không thể tiến hành thu hồi, xử phạt. “Điều này đã được chúng tôi kiến nghị nhiều lần với Bộ NN-PTNT nhưng vẫn chưa có hướng dẫn mới. Chúng tôi chỉ có cách liên kết với các tỉnh, nếu sản phẩm ở tỉnh đó đưa vào TPHCM vi phạm thì tỉnh đó sẽ tiến hành xử lý cơ sở kinh doanh trên địa bàn mình quản lý”- bà Cúc cho hay.

Chỉ xử phạt hành chính

Theo các cơ quan quản lý, đối với thực phẩm nhiễm chất cấm bị phát hiện thông qua các mẫu kiểm định thì cơ sở sản xuất, kinh doanh bị phạt hành chính là chủ yếu chứ khó có thể xử lý hình sự, vì cần chứng minh được thực phẩm đó làm tổn hại cơ thể người từ 31-60% không phải dễ dàng.

MỚI - NÓNG