Có một hàn sĩ xứ Thanh - Kỳ cuối: Trứng rồng thì đẻ...

Ông bà nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ.
Ông bà nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ.
TP - Hoàng Tuấn Công được vào học khoa Sử theo nguyện vọng. Hoàng Tuấn Công đang ngồi trước tôi đây, và ký ức chợt ùa về.

Mùa hè  năm 1986, tôi được phân công vào Thanh Hóa để điều tra một việc oái oăm dường như quá sức mình. Phối hợp với một số CTV điều tra theo dấu thư bạn đọc một vụ chống… Đảng ở Hội Văn nghệ Thanh Hóa.

Chuyện tóm lược đại loại thế này.

Tết năm Tý 1984,  báo Thanh Hóa có tổ chức cuộc thi “Xướng họa thơ vui, năm Tý nói chuyện chuột” Bài “Xướng” do ông Mai Bình, chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa chấp bút. Thơ rằng.

Năm Tý về đây nhắc chuyện đời/ Không coi chừng chuột, chuột sinh sôi!Chùm nem sơ hở con chù vọc/Đĩa chả thờ ơ lũ cống lôi!/Lạ nhỉ, chơi không toan gọn lm/ Ở kìa! ngồi rỗi chực ngon xơi!/ Hẹn nhau sắm bả phòng năm chuột/ Hễ chúng bò ra giết tiệt nòi!

Bài “Họa” của Cao Đăng (tức Hoàng Tuấn Phổ, hội viên Hội Văn nghệ tỉnh)

Giống chuột làm sao vẫn sống đời?/Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi!/Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu/Của để tớ thầy hợp sức lôi/Tiếc lọ chê ai đành chuột phá/Hoài cơm trách bạn để mèo xơi!/Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc/Cống lỗ chi chi cũng hết nòi!

Nhưng bài họa của Cao Đăng bất ngờ lại được soi chiếu dưới nhiều ánh nhìn tò mò, quy kết, suy diễn ấu trĩ, vô lối. Rằng, “Con đàn cháu lũ” có ý gì đây? Phải chăng nói đến “con ông cháu cha” đời nối đời hưởng đặc quyền đặc lợi? “Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu, Của để tớ thầy hợp sức lôi”  là ám chỉ chuyện vây bè, kéo cánh, ăn cắp của công, tham ô, hối lộ, móc ngoặc với nhau phải thế không?…

Rồi Cao Đăng viết tiếp “Tiếc lọ” mà  “lọ” cũng là “bình”. Mà “bình” không chỉ ông Chủ tịch Hội Mai Bình thì còn ai vào đây?

Thế là họa lớn! Chín tháng trời ròng rã, Cao Đăng - Hoàng Tuấn Phổ chỉ làm mỗi công việc trần tình, kiểm điểm rằng bài thơ họa được viết với động cơ  xuyên tạc sự thật, nói xấu chế độ. Sau những cuộc kiểm thảo liên miên ngày này qua tháng khác, Ban thường trực Hội kết luận Hoàng Tuấn Phổ là “thái độ kiểm điểm không thành khẩn kéo dài” (9 tháng).

Vẫn tiếp kiểu suy diễn, phán xét ngớ ngẩn nhưng nguy hiểm, cộng với việc đọc duyệt tác phẩm, một bộ phận trong lãnh đạo Hội Văn nghệ Thanh Hóa đã hệ thống, quy tụ các hiện tượng để  khẳng định ở Thanh Hóa có một tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng do Hoàng Tuấn Phổ cầm đầu! “Chỉ thị của lãnh đạo cấp trên là Ban thường trực Hội phải làm sáng tỏ vấn đề chống Đảng của một số văn nghệ sĩ trong tỉnh. Vậy anh phải viết ngay bản tường trình về tất cả những gì anh biết về tổ chức này, về những cuộc tọa đàm mà anh được dự !”.

Hoàng Tuấn Phổ còn biết viết gì?

Không hiểu sao họ còn sáng tác ra lý lịch ông Hoàng Tuấn Phổ nhà 3 đời chống Đảng (?!) Buồn nhất là thời điểm đó làm việc với một vị lãnh đạo Hội, vị này còn bộc bạch với chúng tôi là ông Phổ có truyền thống… chống phá.  Năm 1977 ông Phổ khi đó là cán bộ Phòng văn hóa huyện Quảng Xương tham gia công trình thủy lợi Sông Lý đã viết bài thơ phản động! (Nghe kỹ thì là bài ca dao hò vè để phục vụ dân công).  Số là, tại cơ quan chỉ đạo công trường có hai cái giếng. Tình cờ một giếng hình vuông dùng làm nước ăn, nước uống cho Ban chỉ huy, một giếng hình tròn dành riêng để tắm rửa, giặt giũ. Ông Phổ nổi hứng làm mấy câu:

Giếng vuông là giếng chỉ huy/Giếng tròn là giếng người đi công trường/Giếng nào cũng thấy yêu thương/Những khuôn mặt những tấm gương sáng ngời!

Người ta tách riêng hai câu đầu ra để kiểm điểm ông từ chặp tối đến 1 giờ sáng, vì cho ông ám chỉ lãnh đạo “có góc cạnh” còn quần chúng thì “tròn như hòn bi”, bắt lăn đi đâu thì lăn. Ban chỉ huy công trường huyện Quảng Xương do ông Chủ tịch huyện làm Trưởng ban khép ông vào tội chống phá việc đào sông Lý!

… Kết cục nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ với hơn chục đầu sách và nhiều công trình nghiên cứu có giá trị đã bị khai trừ ra khỏi Hội, đuổi về quê.

Kết thúc đợt công tác, tôi về báo cáo cơ quan là vụ ấy khó viết lắm!

Chuyện cũng cho qua.

Có một hàn sĩ xứ Thanh - Kỳ cuối: Trứng rồng thì đẻ... ảnh 1 Hoàng Tuấn Công, bìa phải đi làm mô hình khuyến nông ở Thạch Thành.

… Ngồi với Hoàng Tuấn Công, chắp nối lại, tôi mới hiểu vì sao cậu bé Tuấn Công năm 1984 lại phải rời thị xã Thanh Hóa, không được học ở Trường cấp 3 Lam Sơn mà phải về học trường huyện Quảng Xương. Vì cả nhà phải lếch thếch về quê Quảng Xương theo cái án ông bố bị kỷ luật chống Đảng!

Mãi đến mấy tháng sau thời điểm ông Lê Huy Ngọ về thay ông Hà Trọng Hòa,  nghi án có hay không một tổ chức chống Đảng ở Hội văn nghệ Thanh hóa mới được làm sáng tỏ.  Tháng 9/1989, ông Lê Huy Ngọ, Bí thư mới của Thanh Hóa đã quyết định trao lại cây bút cho nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ. Ông lại được điều về Hội Văn nghệ tỉnh.

Vượt thoát những buồn nản ì xèo đồn thổi, thóa mạ vu cáo và đời sống túng đói không tem phiếu lương thực ở quê nhà, vợ chồng ông Phổ cắn răng bới đất lật cỏ rau cháo với một đàn con dại. Ông vẫn không lơi lỏng thói quen bày vẽ cho cậu con trai Hoàng Tuấn Công những kiến thức cơ bản về Hán học, thứ mà ông rành thạo từ hồi trẻ. Kiến thức phong phú về dư địa chí về phong tục của một nhà nghiên cứu… Hệt thời gian trước khi ông bị vu cáo.

Không phụ niềm tin của người cha, luôn tự hào về kiến thức uyên bác phần nhiều do nghị lực tự học của cha,  Hoàng Tuấn Công giắt lưng dần dà vốn ngoại ngữ phức tạp văn dai như chão chữ vuông như hòm này qua những năm đại học Sử bằng cách đi học thêm lớp ban đêm… Ra trường, chắc hơi bị hiếm trong trật lứa mới tốt nghiệp đại học lại không chuyên ngành Hán Nôm như  Tuấn Công mà giắt lưng vững kiến thức của bộ Tứ Thư gồm 4 quyển: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử.

Hoàng Tuấn Công hơi giống cha ở cái dáng lừ đừ từ tốn, và khả năng hoạt ngôn cùng hoạt bát xoay xở kém. Phải vậy chăng mà khi ra trường xin việc đâu cũng khó. Hoàng Tuấn Công trở về quê Thanh. Bảo tàng, thư viện, đài truyền hình, báo, đài tỉnh… đều được Tuấn Công gõ cửa nhưng nhận được những cái lắc. Một bữa theo người quen ghé hú họa  Sở nông nghiệp tỉnh, may Trung tâm khuyến lâm khuyến ngư người ta đang thiếu cái chân thông tin tuyên truyền…

Hoàng Tuấn Công lặng lẽ với việc khởi nghiệp như vậy. Ban bè ít người biết… Tôi đoán, khi ấy chắc Hoàng Tuấn Công có chợt nhớ đến một câu trong Luận Ngữ? Ấy là bần dữ tiện, thị nhân chi sở ố dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi bất khí dã  (Ai thích chi hai thứ nghèo với hèn. Nhưng lâm vào cảnh ấy mà không trái đạo thì người quân tử đành phải chọn mà không xấu hổ).

Hoàng Tuấn Công có vẻ như không an phận? Thời gian ở Trung tâm khuyến nông trực tiếp xuống với nông dân, ra ngoài ruộng đồng, đến với những trang trại chăn nuôi trồng trọt, để thực hiện những phóng sự truyền hình về các mô hình sản xuất, những thước phim kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp hướng dẫn, khuyến cáo nông dân sản xuất, phòng trừ dịch bệnh… theo từng mùa vụ. Rồi mỗi tháng, thực hiện sáu chuyên mục “Khuyến nông” trên Đài PTTH Thanh Hóa, mỗi chuyên mục 10 phút; bốn chuyên mục Phát thanh, mỗi chuyên mục 10 phút. Phụ trách tờ tập san Nông nghiệp nông thôn Thanh Hóa (1 quý/số). Ngoài ra, Tuấn Công chuyên viết cho chuyên mục “Nhà nông cần biết” của báo Thanh Hóa, mỗi tháng hai kỳ. Thế mà Hoàng Tuấn Công không bị chìm lút đi trong những bấn bíu ấy. Có vẻ như  Hoàng Tuấn Công còn tranh thủ học đọc rất nhiều? Anh may mắn lại có dịp gần gụi bên người cha uyên bác… Có lẽ sự học cùng vốn từ vựng, những là ngữ nghĩa về nông nghiệp, về  nông dân và nông thôn…sau này phong phú cùng là đích đáng và chín chắn trong tác phẩm đầu tay của Hoàng Tuấn Công Từ điển… Phê bình và phản biện  được thai nghén thâm canh chiêm nghiệm trong thời kỳ này chăng? Nghĩ, Hoàng Tuấn Công đã phải tích cóp, đã phải lao tâm khổ tứ từ trước? Ngày một ngày hai… từng miligam thuốc nổ  của tri thức, kiến thức bách khoa, vốn tiếng Hán cùng phương pháp làm việc khoa học, kết hợp dồn tụ để có một thứ BigBang như cuốn Từ điển… vừa rồi?

Quá cái tuổi tứ thập hình như Hoàng Tuấn Công mới cho phép mình lập ngôn? Anh xuất bản những bài viết ý tưởng của mình trên Blog Tuấn Công Thư Phòng - tuancongthuphong (Nhân đây nói thêm sau cú điện thoại của Nguyễn Quang Lập tôi mới biết Lập biết Hoàng Tuấn Công qua Blog này. Sau chuyến đi Thanh, nghe tôi tường trình lại hoàn cảnh xuất xứ của Hoàng Tuấn Công, lão Lập chỉ thị rằng phải bằng mọi cách kéo Hoàng Tuấn Công ra khỏi Trung tâm… ấy kẻo phí! Bọ Lập chắc cũng nói cho vui thôi? Bằng cớ là hỏi kéo bằng cách chi? Bọ ta thở dài nín lặng?!).

Ngồi chuyện với Hoàng Tuấn Công biết thêm thời gian năm 2003 suýt nữa anh đã… đổi đời, đã tái khởi nghiệp! Số là Hoàng Tuấn Công lọt vào mắt xanh ông Phó chủ tịch tỉnh sau này là Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi. Gọi suýt vì đã có công văn tiếp nhận anh về công tác tại Văn phòng UBND tỉnh nhưng khi quyết định đến tay Hoàng Tuấn Công thì việc ấy lại không thành! Chuyện như đùa mà thật. Vậy nên đến bây giờ Trung tâm khuyến nông tỉnh Thanh vẫn lưu lại ông hàn nho kiêm nhà nghiên cứu tự do Hoàng Tuấn Công!

Càng chuyện, có cảm giác trữ lượng, nội lực Hoàng Tuấn Công thâm hậu?  Thời gian eo hẹp nên đành lướt loang loáng những trang trên màn hình vi tính tập bản thảo mấy trăm trang của cuốn sách mà sắp tới Hoàng Tuấn Công cho xuất bản. Đó là cuốn Cà kê chuyện thành ngữ tục ngữ. Tên sách ấy Hoàng Tuấn Công như có ý cho vơi bớt những nhọc nhằn đã và sắp phải đa mang? Phản biện một cuốn từ điển bắt ra hơn 2.000 lỗi của một bực đa đề và đang sẵn lòng hầu chuyện phản biện các đấng bậc đang và sắp săm soi cuốn sách của mình? Việc ấy như thấp thoáng thứ cần lao của cụ Nguyễn Du cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân (cái khốn nạn dồn hết lên vai của một lữ hành) vậy? 

Tiết Ngâu năm Dậu

Bữa hè có ghé xã Quảng Hòa thăm cụ Hoàng Tuấn Phổ. Được ngồi chuyện với nhà nghiên cứu mà tác phẩm của cụ từ lâu đã vượt thoát hoàn cảnh địa lý lẫn sức nghĩ tầm xứ Thanh là một thứ thú vị. Tuổi bát tuần nhưng cụ luôn đau đáu với một chuyên luận khó dứt ra để tạm biệt. Đó là Nỗi buồn tân tạo xứ Thanh. Là nỗi buồn không chỉ của người già của bậc cao niên trước những ẩu tả của phong trào tu tạo các danh thắng quê nhà.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".