Có nên bỏ giấy khai sinh?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Sáng 28/4, tại Đà Nẵng khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 14 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để thẩm tra, cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch, Luật tổ chức Quốc hội cũng như những vấn đề liên quan tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Liên quan vấn đề giấy khai sinh, đại biểu Nguyễn Thanh Tùng cho rằng phương án bỏ giấy khai sinh để chuyển sang chỉ dùng thẻ căn cước cần được cân nhắc. Giấy khai sinh lâu nay đã quá quen với người dân, đây cũng là cơ sở ghi nhận quyền công dân về mặt pháp lý.

“Nếu bỏ giấy khai sinh, người dân phải đi đăng kí khai sinh, sau đó phải tới công an để làm thẻ căn cước. Tức là dân phải đi hai lần, rất phiền cho dân”. Đại biểu Đỗ Văn Minh cho rằng, giấy khai sinh là cần phải có. Đó là căn cứ đầu tiên về quyền công dân. Ông Minh thắc mắc về vấn đề người đứng ra đăng ký khai sinh cho trẻ trong trường hợp sinh con hộ.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định, hiện có tình trạng lạm dụng giấy khai sinh trong hầu hết các thủ tục làm việc tại các cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường học…, song độ chính xác và an toàn thông tin chưa cao. 

“Giấy khai sinh lại do một người khác khai nên độ chính xác vẫn chưa cao. Hơn nữa giấy khai sinh cũng có thể khai lại và đính chính được”, ông Lý nói.

Đại biểu Trần Hồng Hà cho rằng, các thủ tục hiện tại liên quan hộ tịch đang chồng chéo và phức tạp. Một lĩnh vực nhưng thuộc nhiều bộ, ngành tham gia quản lý, gây khó cho dân. Hộ khẩu, căn cước cũng là thông tin liên quan hộ tịch. Theo ông Hà, nên thu gọn lại một mối và do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc phân cấp quản lý về hộ tịch vẫn chưa hợp lý. Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân lo ngại việc giao cho UBND cấp huyện đăng ký việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài, đăng ký xác định lại dân tộc, cải chính, thay đổi hộ tịch cho người trên 14 tuổi. 

Bà Ngân phân tích, hiện nay, lực lượng cán bộ thư pháp hộ tịch cấp quận, huyện phải làm việc “quá sức”, một phần do năng lực, phần nữa do phải cùng lúc đảm nhận nhiều công việc. Đặc biệt, các vấn đề liên quan người nước ngoài, việc kiểm chứng các cơ sở pháp lý đối với cán bộ thư pháp hộ tịch cấp huyện sẽ là rất khó khăn.

Đại biểu Võ Như Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng, nói: “Trình độ tư pháp của cán bộ cấp huyện chưa thể đảm bảo. Hơn nữa, vẫn có tình trạng nể nang vì quen biết dẫn đến việc cải chính hộ tịch thiếu chính xác. Nếu phân cấp cán bộ tư pháp phải được đào tạo và có lộ trình hợp lý hơn”.

Ông Phan Trung Lý cho biết, hiện tại, chỉ thêm giấy tờ, chứ không bớt được giấy tờ nào. Luật Hộ tịch thuộc Bộ Tư pháp quản lý, Luật Căn cước thuộc Bộ Công an. Giấy khai sinh độ chính xác chưa cao nên buộc phải ra đời thẻ căn cước...

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.